Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng là công việc phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn đặc thù trong hoạt động xây dựng. Để giải quyết vấn đề này, trong quý I/2014, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Thông tư “Hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp xây dựng”.
Mở rộng đối tượng
Giám định tư pháp xây dựng là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để đánh giá, kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động xây dựng, công trình xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng, sản phẩm xây dựng theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Trong hoạt động giám định tư pháp về xây dựng hiện nay cho thấy, công trình xây dựng cần giám định thường có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật đa dạng, địa bàn giám định rộng khắp trên toàn quốc. Theo đó, Pháp lệnh Giám định tư pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định rõ: Các tổ chức chuyên môn giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng là tổ chức thuộc danh sách do cơ quan có thẩm quyền công bố.
Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức chuyên môn giám định tư pháp gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động giám định tư pháp về xây dựng. Đối với vấn đề kỹ thuật đơn giản như các vụ việc liên quan đến chỉ giới đất đai, thiết kế, thi công,... việc trưng cầu giám định viên tư pháp xây dựng chỉ cần người có chuyên môn về xây dựng. Đối với các trường hợp khó khăn hơn như chất lượng công trình, việc trưng cầu cần đến các tổ chức tư vấn kiểm định. Ngoài ra, việc thiếu thông tin về các tổ chức có đủ điều kiện năng lực thực hiện giám định khiến công tác trưng cầu giám định trong thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn.
Vì vậy, xã hội hóa giám định tư pháp xây dựng là một nhu cầu tất yếu, để hoạt động giám định tư pháp xây dựng hiệu quả hơn, Dự thảo Thông tư quy định rõ đối tượng áp dụng là tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp xây dựng. Trong đó, cá nhân giám định tư pháp xây dựng bao gồm giám định viên tư pháp xây dựng và người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc. Tổ chức giám định tư pháp xây dựng bao gồm văn phòng giám định tư pháp xây dựng và tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc.
Ông Nguyễn Kim Đức - Trưởng phòng Giám định 2, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: “Trước đây Nhà nước quan niệm chỉ có tổ chức giám định công lập. Tuy nhiên, hiện nay phạm vi giám định rất đa dạng mà Nhà nước không đủ kinh phí đầu tư thì cho phép xã hội hóa giám định. Có nghĩa là các trường đại học, các viện nghiên cứu… nếu có đủ thiết bị thì cũng có thể làm công tác giám định”.
Phân chia đều năng lực
Nhằm phân chia đều năng lực cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giám định tư pháp xây dựng, Dự thảo Thông tư quy định cụ thể nội dung giám định tư pháp về xây dựng. Trong đó, việc giám định sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng gồm các giai đoạn từ lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng công trình và khai thác sử dụng công trình. Trong đó, việc giám định chất lượng xây dựng gồm có giám định chất lượng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, vật liệu, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, bộ phận công trình xây dựng, công trình xây dựng và giám định sự cố công trình xây dựng. Ngoài ra, việc giám định tư pháp về chi phí đầu tư xây dựng công trình gồm giám định về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, quyết toán đầu tư xây dựng công trình và các vấn đề khác có liên quan.
Để hoạt động giám định tư pháp về xây dựng có hiệu quả, việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp xây dựng rất quan trọng. Dự thảo Thông tư quy định rõ giám định viên tư pháp xây dựng, người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ đại học chuyên ngành xây dựng trở lên, không có vi phạm khi tham gia hoạt động xây dựng trong 3 năm gần nhất. Ngoài ra, giám định viên có kinh nghiệm thực tế từ đủ 5 năm trở lên trong việc đánh giá sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động xây dựng; Có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ có liên quan đến nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định theo quy định (chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu, quản lý dự án hoặc các chứng nhận bồi dưỡng khác theo quy định của pháp luật).
Các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc khi thực hiện giám định tư pháp xây dựng phải đáp ứng các điều kiện như: Tổ chức thực hiện giám định phải có đủ năng lực theo quy định, thực hiện được các công việc tương ứng với đối tượng và nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định; Không có vi phạm trong hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật trong 3 năm gần nhất; Được Bộ Xây dựng công bố là tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc trên trang thông tin điện tử của Bộ theo quy định.
Ông Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết: “Thông tư hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp xây dựng là cơ sở quan trọng trong việc xử lý các hành vi vi phạm luật pháp về xây dựng đảm bảo khách quan, công bằng và nghiêm minh. Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng là công việc phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn đặc thù trong hoạt động xây dựng. Khi Thông tư này đi vào cuộc sống sẽ góp phần giải quyết ách tắc của công tác giám định tư pháp không chỉ trong lĩnh vực xây dựng mà còn cả trong các lĩnh vực khác...”
Thành Luân
- Giải thưởng Sáng tạo Xuất sắc trong Cơ sở hạ tầng năm 2014 của Autodesk
- Đào tạo Thạc sĩ Quy hoạch Quản lý Giao thông Vận tải - bằng cấp Đức, cơ hội học bổng 6 tháng tại Đức
- Kỹ sư xây dựng là trung tâm của sự phát triển cơ sở hạ tầng
- Công ty Turner tròn 112 tuổi
- Chọn giải pháp BIM tối ưu cho nhà thầu xây dựng
- Quản lý chất lượng công trình xây dựng - Kinh nghiệm từ Nhật Bản
- “Sự cố công trình chủ yếu do chủ đầu tư lơ là”
- Lấn cấn quản lý chất lượng công trình
- Nhà thầu: Chọn ai, ai chọn?
- Kỹ thuật phá hủy tòa nhà mới của Nhật Bản