Bạn muốn xây lên những ngôi nhà, bệnh viện, trường học hay một cây cầu từ chính bàn tay và trí óc của bạn? Hãy cùng khám phá những điều thú vị khi một ngày trở thành “Kỹ sư cầu đường” bạn nhé.
I. Kỹ sư cầu đường – Người “nối những bờ vui”
Cuộc sống là bài ca muôn vẻ được tấu lên từ những nốt nhạc của tự nhiên và con người. Mỗi người chúng ta đều phải lựa chọn cho mình một con đường riêng, một hướng đi riêng và một nghề nghiệp riêng… Ai cũng có thể tạo dựng cho mình một sự nghiệp, vững chắc hay không điều đó còn phụ thuộc vào chính khả năng của bạn.
Bạn muốn xây lên những ngôi nhà, bệnh viện, trường học hay một cây cầu từ chính bàn tay và trí óc của bạn? Hãy cùng khám phá những điều thú vị khi một ngày trở thành “Kỹ sư cầu đường” bạn nhé.
- Ảnh bên: Những cây cầu nổi tiếng đi vào lịch sử thế giới ngành xây dựng – kiến trúc
Công việc của các kỹ sư Cầu đường có thể chia hai loại: Tư vấn thiết kế công trình và Giám sát thi công. Mỗi công việc có những đặc thù riêng:
1. Kỹ sư tư vấn thiết kế:
Công việc của một kỹ sư (KS) tư vấn thiết kế là: Khảo sát địa hình, địa chất, lập dự án nghiên cứu tính khả thi của công trình, tính toán, lập bản vẽ chi tiết... trước khi thi công một cây cầu hay một tuyến đường nào đó. Đây là công việc thích hợp với những ai cần cù, chịu khó, có tính cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác.
Ngoài ra, KS tư vấn đòi hỏi trí sáng tạo, óc tưởng tượng và một kiến thức tổng quan về xã hội thật vững. Bạn phải nắm chắc chuyên môn, am hiểu thi công, am hiểu thiết kế, biết cách quản lý dự án và tính toán trên các hạng mục, đồng thời cũng phải có kiến thức về Luật pháp. Giao tiếp tốt và năng lực thuyết trình cũng là yêu cầu không thể thiếu nếu bạn muốn thuyết phục nhà đầu tư tin vào bản vẽ và dự án thiết kế mà mình dày công sáng tạo.
Ưu điểm của nghề tư vấn thiết kế là được làm việc ở các trung tâm, ít phải đi xa và luân chuyển theo công trình như KS giám sát. Trung bình, mỗi năm KS tư vấn thiết kế phải đi công trình từ 1 - 2 tháng. Trừ khi đảm nhận những dự án lớn thì phải đi lâu hơn, thậm chí phải thường trực ở công trình. Bởi, các công trình lớn thường xuyên thay đổi các chi tiết nên luôn cần 1 - 2 kỹ sư thường trực để chỉnh sửa thiết kế khi có thể.
Những người ngại đi công tác xa và có thiên hướng nghiên cứu khoa học thường chọn công việc này. Tuy nhiên, với những KS mới ra trường, nên xin đi làm giám sát công trình từ 1 - 2 năm để có kinh nghiệm thực tế. Bởi có đi công trình mới hiểu rõ thế nào là những chi tiết nhỏ trong giao thông, từ đó sẽ có hình dung tổng thể về trình tự thi công. Trực giác sẽ nắm bắt được nhiều hơn so với lý thuyết trong trường học.
2. Kỹ sư giám sát công trình:
KS giám sát là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng công trình. Những phần việc phải làm là: Theo dõi tiến độ một công trình; Nghiệm thu xác nhận khi công trình bảo đảm đúng thiết kế, theo quy chuẩn chất lượng; Yêu cầu nhà thầu đảm bảo những phần việc theo đúng hợp đồng. Kỹ sư giám sát có thể đề xuất những bất hợp lý trong quá trình tiến hành với chủ đầu tư để kịp thời sửa đổi...
Khác với KS tư vấn, KS giám sát thi công thường xuyên phải di chuyển theo các công trình. Vậy nên, chỉ những ai có sức khỏe tốt, có khả năng chịu đựng áp lực công việc cao lại hoạt bát và nhanh nhẹn mới thích hợp với công việc này. Giao tiếp tốt cũng là một lợi thế nếu muốn thăng tiến bởi nhận quản lý công trình, đội ngũ KS giám sát sẽ có "toàn quyền" với phần việc của mình, thậm chí có thể "thiên biến vạn hóa" trong một chừng mực nào đó. Cơ hội tăng thêm thu nhập cũng nhờ đó mà nhiều hơn. Và chất lượng công trình cũng phụ thuộc một phần vào đạo đức của người giám sát.
Bởi thế, nhiều người trong nghề đã nhận định rằng, so với công việc tư vấn thiết kế, làm giám sát công trình giúp bạn "khôn" ra, từng trải hơn, biết cách thiết lập quan hệ xã hội và tự lập hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, với những người được "bao bọc" trong môi trường sách vở quá lâu, chỉ cần đi theo công trình một thời gian ngắn đủ giúp bạn "lột xác" hoàn toàn. Đây cũng là ưu thế để nếu đi làm 1, 2 năm, muốn quay về làm thiết kế, bạn sẽ có trực giác tốt cho công việc vốn nặng tính lý thuyết này.
II. Nghề không bao giờ thất nghiệp
Ai là người cần để đưa các con đường trở lại hoạt động bình thường mỗi khi có sự cố? Không ai khác ngoài các kỹ sư cầu đường và nhân công của họ.
Tuy luôn phải đi làm xa, công việc lại vất vả, ít có thời gian gần gũi với gia đình, nhưng chắc chắn không bao giờ lo thất nghiệp, đó là nhận xét chung của hầu hết các kỹ sư cầu đường. Tất nhiên cũng có không ít đấng nam nhi chọn ngành này để được "thỏa chí tang bồng" đi cho biết đây, biết đó, bù đắp những năm "mài đũng quần" trên ghế nhà trường. Vậy nên, lời khuyên đưa ra là, nếu bạn mong một cuộc sống ổn định thì chớ nên chọn nghề này.
Với nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ cao trong thiết kế giao thông (cầu cống, đường xá, hầm) trong tương lai, "kỹ sư cầu đường" được dự báo sẽ tiếp tục là nghề "hút" nhân lực. Ông Doãn Kế Hoằng, Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế đường bộ Heco, thành viên của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải cho biết: "Đội ngũ tư vấn thiết kế vẫn còn thiếu nhiều, nhưng đó là thiếu nhân lực chất lượng cao". Ông giải thích thêm: “Chỉ riêng kỹ sư tư vấn thiết kế cầu đường, hiện nay, ở Bộ giao thông, ở các Sở giao thông của tỉnh rồi đơn vị tư nhân.... có khá nhiều, nhưng chất lượng vẫn còn rất yếu kém. Các công ty cầu đường phải thường xuyên gửi nhân lực tiềm năng ra nước ngoài để đào tạo”.
Ở trong nước hiện nay cũng có nhiều trường đào tạo chuyên ngành này với tên gọi Xây dựng Cầu đường mà 2 trường hàng đầu là ĐH Giao thông Vận tải HN và TP. HCM. Hoặc các bạn có thể học tại khoa Cầu đường của các trường ĐH, CĐ khác như: ĐH Bách Khoa (HN, TP. HCM, Đà Nắng), ĐH Xây dựng, ĐH Thủy Lợi, ĐH Cần Thơ... Sau khi nhận xong tấm bằng "Kỹ sư cầu đường", bạn có thể lựa chọn trở thành một kỹ sư tư vấn thiết kế hoặc kỹ sư giám sát thi công, tùy năng lực, sở thích hay thiên hướng nghề nghiệp.
(Ban nghiên cứu thông tin thị trường việc làm - tuyển dụng / ĐỨC ANH A&T)
- “Sự cố công trình chủ yếu do chủ đầu tư lơ là”
- Lấn cấn quản lý chất lượng công trình
- Nhà thầu: Chọn ai, ai chọn?
- Kỹ thuật phá hủy tòa nhà mới của Nhật Bản
- Khó đánh giá năng lực nhà thầu xây dựng
- Kết luận của Hội đồng nghiệm thu nhà nước về đập thủy điện Sông Tranh 2
- Giảm giá nhà ở xã hội nhờ khoa học công nghệ
- Hạn chế điều chỉnh giá xây dựng
- Siết chặt quản lý chất lượng công trình xây dựng
- Có nên làm đường bằng bêtông ximăng trên quy mô lớn?