Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Cộng đồng Sinh viên Vừa kiếm tiền vừa bảo vệ môi trường

Vừa kiếm tiền vừa bảo vệ môi trường

Viết email In

Ba sinh viên của trường Đại học Cần Thơ đang đồng sở hữu một cửa hàng bán đồ trang trí, đồ lưu niệm nằm ngay trong khuôn viên trường. Những sản phẩm “thủ công mỹ nghệ” bày bán ở đây đều được tái chế từ những thứ bỏ đi như giấy vụn, túi nilon...

Kiếm được tiền, lại tốt cho môi trường

Cửa hàng được đặt tên là 3R Goods. Anh Quách Văn Đen, sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành khoa học môi trường, một trong ba người đồng sở hữu cửa hàng, giải thích 3R chính là Reduce, Reuse, Recycle (tạm hiểu là giảm rác thải, tái sử dụng và tái chế). Ngay phía trước, cạnh lối vào cửa hàng, một tấm biển nhỏ ghi: “Trao đổi, thu mua sách vở, giáo trình, vật dụng sinh hoạt, quà tặng”.

Những loại “rác” ấy được những người chủ cửa hàng thu gom từ sinh viên, không chỉ nhằm mục đích bảo vệ môi trường, mà còn dùng để tái chế thành những sản phẩm có ích. Chẳng hạn sách vở, tài liệu cũ... khi sinh viên tốt nghiệp thay vì bỏ đi, thì sẽ được gom và phân loại, bán lại cho những sinh viên có nhu cầu với giá rẻ.

  • Ảnh bên : Anh Quách Văn Đen giới thiệu bức tranh làm từ nilon tại cửa hàng 3R Goods. (Ảnh: Lệ Hương)

Giá bán những loại tài liệu như vậy bình quân chỉ bằng một phần ba so với việc photocopy tài liệu để sử dụng”, anh Đen cho biết. Còn giấy vụn, bọc nilon... được dùng làm nguyên liệu cho những bức tranh nổi, khung ảnh, chậu mai giả...

Cuối góc cửa hàng có một bức tranh lớn, khắc họa một con rồng đang uốn lượn. “Bức tranh này có giá 2 triệu đồng”, ông chủ Trần Thanh Toàn cho biết. Nếu không nói ra, khó ai biết nguyên liệu chính để tạo hình chú rồng oai phong lẫm liệt ấy là... xơ dừa. Còn những bức tranh chân dung chạm nổi khá đẹp thì được làm bằng nilon.

Nếu đốt nilon để ép, tạo hình sẽ sinh ra khói, không đúng với phương châm bảo vệ môi trường của nhóm. Do vậy, chúng tôi đã dùng nhiệt, sau đó dùng khuôn ép hoặc nắn thủ công để tạo ra những bức tranh này”, anh Toàn nói.

Ngay cả những cây đè lưỡi (que gỗ bác sĩ dùng để khám miệng cho bệnh nhân) cũng được 3R Goods thu gom về. Họ rửa sạch những chiếc que này, ghép lại thành những mô hình nhà sàn, bàn ghế... khá bắt mắt. Những sản phẩm này có giá khoảng 60.000 đồng, có thể dùng trang trí phòng khách. Hoặc dùng que gỗ làm thành những khung ảnh bán với giá 15.000 đồng...

Những thứ bỏ đi, nhưng đối với những người chủ của 3R Goods, đấy lại là những thứ có thể kiếm ra tiền nếu biết cách tận dụng, thay vì thải ra gây nguy hại cho môi trường.

Hai sản phẩm chủ lực của cửa hàng 3R Goods chính là những chậu mai giả và tranh thư pháp. Tùy những dịp lễ Tết, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hoặc ngày lễ Tình nhân 14-2... mà cửa hàng tung ra những sản phẩm phù hợp nhu cầu của sinh viên.

Trong cửa hàng còn dành hẳn một góc riêng trưng bày những sản phẩm ký gửi của các sinh viên khác. Đó có thể là những đồng tiền cổ, những đồ chơi xếp giấy, những túi đựng hàng làm bằng giấy cũ...

Mùa cao điểm, doanh thu 3R Goods có thể trên 3 triệu đồng/ngày. Không cao, nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã giúp các bạn sinh viên khác nhận thức được rằng, thay vì làm hại môi trường, chúng ta có thể kiếm được tiền nhờ việc bảo vệ môi trường”, anh Toàn nói.

Trong cuộc sống hàng ngày, khi xây hoặc tân trang nhà cửa, thay đổi những vật dụng sinh hoạt trong gia đình... một khối lượng lớn đồ dùng đã qua sử dụng được thải ra. Và thay vì bỏ chúng đi, thì những việc 3R Goods đang làm cho thấy chúng vẫn rất hữu ích.

Chung ý tưởng

Trần Thanh Toàn vừa tốt nghiệp, trở thành bác sĩ thú y, nhưng anh vẫn chưa có ý định đi xin việc mà trước mắt chỉ muốn gắn bó với 3R Goods để tìm hướng phát triển thêm. “Chúng tôi mơ ước có một số vốn lớn để làm hẳn một chiếc tàu du lịch. Ở đó, khách có thể vừa ăn uống, ngắm cảnh sông nước, vừa có thể mua hàng lưu niệm làm từ giấy vụn, túi nilon... mang về. Hoặc sẽ thành lập một công ty, với tên gọi Công ty Môi trường và Tái chế 3R Goods”, Toàn nói.

Hiện tại, việc tồn tại của cửa hàng 3R Goods vẫn nhờ sự hỗ trợ của trường Đại học Cần Thơ, từ mặt bằng kinh doanh, cơ sở sản xuất. Thầy Phan Thanh Bình, giảng viên mỹ thuật của trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang, vừa giúp ba “ông chủ” kỹ thuật sản xuất tranh, vừa nhận giảng dạy về mỹ thuật miễn phí cho sinh viên khác tại cửa hàng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, cho biết đây là ý tưởng kinh doanh được Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao và quyết định hỗ trợ. Ba bạn sinh viên này cùng yêu thích kinh doanh, và quyết định chọn hình thức kinh doanh liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Câu “Giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu” là phương châm kinh doanh được dán ngay cửa ra vào cửa hàng 3R Goods ngay từ ngày khởi nghiệp.

Trên thế giới, mô hình kinh doanh 3R rất thành công, được áp dụng dưới nhiều hình thức, đặc biệt là kết hợp với kinh doanh trong cộng đồng. Với tuyên ngôn là bảo vệ môi trường thông qua sản phẩm của mình và họ đã thành công.

3R Goods cũng đang xây dựng trang web http://www.3r-goods.com để giới thiệu sản phẩm, đồng thời mở hướng liên kết các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Cần Thơ để ký gửi hàng hóa.

Ngoài ra, những người chủ của 3R Goods còn muốn tổ chức các cuộc hội chợ trao đổi vật dụng cho sinh viên nhân các dịp lễ hội, dịp đầu năm học... “Để được như vậy, chúng tôi cần thêm nhiều sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân”, anh Đen mong mỏi.

Sáu tháng tuổi, 3R Goods tạm thời chỉ mong đóng góp một chút công sức để cải thiện môi trường tại chính ngôi trường mình đã theo học. Bởi theo ước tính của họ, với lượng sinh viên hiện nay, hàng năm có khoảng 130.000 ki lô gam giấy vụn và giáo trình, 2.100 bếp ga cũ, 6.300 bàn học, 2.100 thau giặt đồ và cũng từng ấy những chiếc xô nhựa... dôi ra. Nếu không biết tái sử dụng, đấy sẽ là những đống rác kinh hoàng.

Lệ Hương

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 3748 khách Trực tuyến

Quảng cáo