Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Cộng đồng Sinh viên Ba hướng để hoàn thiện kiến thức của sinh viên kiến trúc

Ba hướng để hoàn thiện kiến thức của sinh viên kiến trúc

Viết email In

Các vấn đề từ độ vênh giữa thực tiễn và nhà trường

Trong 5 năm học đại học, sinh viên chỉ có 3,5 năm học các môn chuyên ngành và cơ sở ngành. Với tốc độ phát triển đô thị, của khoa học kỹ thuật hiện nay, không ai có thể nói rằng với  từng ấy năm học đại học sẽ có đủ kiến thức cho chúng ta dùng cả đời, cũng không ai có thể nói rằng với 3,5 năm học ấy cho chúng ta hiểu tường tận tất cả  các khía cạnh của hoạt động nghề nghiệp thiết kế kiến trúc, từ thiết kế nhà ở đến công trình cộng cộng, quy hoạch...

Vì vậy việc vênh giữa thực tiễn và đào tạo trong nhà trường là điều đương nhiên xảy ra. Trường Đại học chỉ có thể trang bị một số kiến thức cơ bản để khi ra trường người sinh viên tiếp tục hoàn thiện kiến thức của mình trong từng môi trường hoạt động nghề nghiệp cụ thể.


Ảnh minh họa: đồ án sinh viên

Tuy nhiên nhiều sinh viên cũng chưa hiểu hết được sự khác biệt này và dẫn đến sự hoang mang, không hiểu lượng kiến thức thế nào là đủ, nhất là với các sinh viên mới ra trường, còn thấy sự khác biệt giữa học tập và thực tế là quá lớn nhưng chưa biết cách để hoàn thiện.

Các nội dung đào tạo trong nhà trường thường chú trọng giảng dạy nguyên lý thiết kế, khuyến khích khả năng tư duy sáng tạo kiến trúc. Trong mỗi môn học, mỗi đồ án lại thường chú trọng về một khía cạnh nào đó của chuyên môn kiến trúc, chỉ đến đồ án tốt nghiệp mới có cơ hội giải quyết các vấn đề một cách tương đối toàn diện. Để phù hợp với quá trình tiếp cận tư duy của người học, nhiều hàm số phức tạp của xã hội, kỹ thuật có thể đã được loại bớt để người sinh viên có thể tiếp cận giải quyết từ vấn đề nhỏ đến lớn, từ đơn giản dần đến phức tạp.

Cách đánh giá giữa khi học và thực tế cũng khác nhau. Trong đồ án môn học dường như nếu bạn mạnh hơn về sáng tạo hình khối, không gian, thể hiện đẹp thì một số lỗi kỹ thuật có thể được bỏ qua. Các đồ án điểm 7- 8 đã làm hài lòng nhiều bạn sinh viên, mặc dù tự mình biết bài còn có lỗi và có thể làm tốt hơn.

Trong khi thực tiễn bất cứ vấn đề nào dù lớn nhỏ cũng đòi hỏi sự giải quyết đồng bộ, hoàn chỉnh. Thực tế đòi hỏi các đồ án phải đạt 10 điểm. Một ngôi nhà dù bạn đã thiết kế hình thức đẹp thì cũng không chấp nhận việc vẽ thiếu 1 vài cửa hoặc bố trí sai 1 khu vệ sịnh. Thậm chí trên hồ sơ bạn đã cố găng hết sức rà soát để không có một lỗi nào thì khi triển khai thực tế vẫn còn thường xuyên xuất hiện những sai sót mới phát hiện ravà phải tiếp tục điều chỉnh.

Trong thực tế bài toán khó nhất với kiến trúc không chỉ ở sự sáng tạo thẩm mỹ hình khối, công năng mà còn ở sự giải quyết phối hợp giữa kiến trúc với kỹ thuật, công nghệ trong các điều kiện kinh tế, xã hôi cụ thể.  Đây cũng là vấn đề mà người sinh viên thường chưa có được thời gian đủ để rèn luyện các kỹ năng này một cách thành thục.

Công nghệ và các yêu tố kỹ thuật trong kiến trúc hiện nay đang phát triển rất nhanh, trong khi những vấn đề này ở nhà trường thường là những vấn đề đơn giản, những công nghệ mới, kỹ thuật kiến trúc mới ít đưa vào trong giảng dạy. Thực tế cho thấy phải mất thêm 2-5 năm để một người KTS ra trường có thể rèn luyện và bổ sung các kiến thức, kỹ năng sử dụng kiến thức kỹ thuật, công nghệ, sử dụng vật liệu... trong thiết kế và triển khai các bản vẽ kỹ thuật, bản vẽ thiết kế thi công một cách hoàn chỉnh, đúng yêu cầu. Đó cũng chỉ là các kiến thức kỹ thuật cơ bản của các loại công trình như nhà ở, văn phòng...thấp tầng, còn nếu đi sâu vào các công trình phức tạp hơn như công trình thể thao, nhà siêu cao tầng... thì sự học hỏi tìm hiểu còn phải thêm thời gian nữa.

Kỹ năng ứng xử nghề nghiệp cũng còn ít được giảng dạy trong nhà trường: Khả năng thuyết trình, làm việc nhóm, sự hiểu biết về hệ thống quản lý chuyên ngành có liên quan đến nghề nghiệp (quy trình trình duyệt, nguồn vốn, chủ đầu tư)… cũng là những kiến thức phải được bổ sung trong thực tế.

Chúng ta cũng thấy nhiều bạn nữ khi học trong trường có kết quả cao nhưng khi làm việc thực tế không hiệu quả bằng các bạn nam, cũng chính vì những kỹ năng ứng xử, khả năng thuyết trình, gặp gỡ , thuyết phục, hiểu biết hệ thống quản lý của các bạn nam được tiếp cận nhanh, năng động hơn.

Những sáng tác thành công chỉ đến khi một kiến trúc sư đã hấp thụ đủ các kiến thức về kỹ thuật, công nghệ, tư duy khoa học, kiến thức xã hội, văn hóa và tư duy sáng tạo một cách nhuần nhuyễn, qua một quãng thời gian thử thách tôi luyện nhất định. Chúng không đến một cách may mắn ngẫu nhiên.

Ba hướng hoàn thiện kiến thức, gỉam bớt những độ vênh giữa nhà trường và thực tiễn

Như vậy rất cần các bạn sinh viên hiểu rõ về chương trình đào tạo và sự tương thích với môi trường làm việc tương lai của mình, biết mình cần học bổ sung những gì. Dưới đây là 3 định hướng để bạn từng bước nâng cao chuyên môn nghề nghiệp ngay còn trong nhà trường, có thể rút ngắn được thời gian bỡ ngỡ khi ra trường:

  1. Thực tập, làm việc ở các xưởng thiết kế, làm quen với các công việc triển khai bản vẽ kỹ thuật, việc này có lợi cả về chuyên môn kỹ thuật, lẫn rèn luyện tính cẩn thận, chính xác kỹ thuật.  Gíup các bạn hiểu các yêu cầu khắt khe về thực tế của tiến độ, của sự phối hợp trong làm việc...
  2. Hãy tham dự các cuộc thi thiết kế. Đây là dịp tốt để nâng cao tư duy sáng tác. Cũng đừng hy vọng quá vào việc đạt giải mà coi đây là cơ hội nâng cao bản thân mình, tự học hỏi, tránh bị trì trệ về tư duy sáng tác do làm quá nhiều việc về kỹ thuật. Các cuộc thi chỉ thiên về ý tưởng nên nó rất gần với các tư duy sáng tạo các bạn đã được tiếp cận trong nhà trường.
  3. Đọc sách lý luận kiến trúc, tham dự các nhóm nghiên cứu: Đây là cơ hội để phát triển tư duy lý luận khoa học, rất tốt cho khả năng tổ chức dây chuyền công năng chặt chẽ, lồng ghép các vấn đề văn hóa, kiến thức xã hội và tiếp cận các vẫn đề mới, nâng cao kiến thức đa ngành...

Trong trường Đại học Xây dựng, với sự có mặt của Công ty tư vấn ĐHXD, 11 Trung tâm, Viện khoa học công nghệ, hàng năm có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều nhóm nghiên cứu, nhiều thầy cô tâm huyết với nghề kiến trúc hoàn toàn có thể giúp các bạn sinh viên hoàn thiện các kỹ năng để tự tin bước vào cuộc sống miễn là các bạn có sự nhiệt tình, mong muốn cùng tham gia.

Nghề kiến trúc sư là một nghề đòi hỏi sự nỗ lực, học hỏi và sáng tạo không ngừng. Các bạn đừng coi ra trường là kết thúc quá trình học tập. Đó chỉ là sự khởi đầu của quá trình làm nghề và liên tục học tập, sáng tạo. Những thành công của nghề nghiệp bao giờ cũng là kết quả của trí tuệ và mồ hôi, tinh thần bền bỉ chính vì thế những tác phẩm kiến trúc thành công được cả xã hội kính trọng. Hãy liên tục học tập hoàn thiện mình, chắc chắn các bạn sẽ có thành công trong tương lai.

PGS.TS Phạm Hùng Cường - Đại học Xây dựng 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 1644 khách Trực tuyến

Quảng cáo