Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Vốn cho sân bay Long Thành dựa chủ yếu vào tư nhân và ODA

Vốn cho sân bay Long Thành dựa chủ yếu vào tư nhân và ODA

Viết email In

Trong nỗ lực thuyết phục Quốc hội về tính khả thi của dự án sân bay Long Thành, Chính phủ khẳng định nguồn vốn cho dự án này dựa chủ yếu vào tư nhân và ODA. 

Trong báo cáo giải trình bổ sung về dự án này, mà Chính phủ sẽ trình bày trước Quốc hội ngày mai 29/10, Chính phủ cho biết trong giai đoạn 1 (2016-2026) dự án này sẽ cần lượng vốn khoảng 164.589 tỉ đồng.  

Số vốn này được huy động chủ yếu từ 3 nguồn:

Thứ nhất là vốn huy động từ khu vực ngoài nhà nước. Nguồn vốn này chiếm tới 56,3% tổng mức đầu tư, khoảng 92.648 tỉ đồng, trong đó có 71.079 tỉ đồng cho giai đoạn 1a (2016-2019), và 21.569 tỉ đồng cho giai đoạn 1b (2024-2026). 

Nguồn vốn này là hợp tác công tư (PPP), vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho các hạng mục có khả năng thu hồi vốn như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa. 

Thứ hai là vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) khoảng 47.859 tỉ đồng (tương đương 29,1% tổng mức đầu tư), trong đó 37.838 tỉ đồng cho giai đoạn 1a, và 10.021 tỉ đồng cho giai đoạn 1b.

Vốn ODA được dùng để xây các hạng mục khu bay như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu và trang thiết bị. Doanh nghiệp đầu tư vay lại vốn ODA từ Chính phủ và tự trả nợ.

Cuối cùng là vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cho giải phóng mặt bằng, đền bù, và tái định cư định là 21.849,4 tỉ đồng, trong đó 11.076,9 tỉ đồng cho giai đoạn 1a, và 10.772,5 tỉ đồng cho giai đoạn 1b.

Nguồn vốn ngân sách trong báo cáo bổ sung này, như vậy đã giảm so với con số 24.082 tỉ đồng mà Chính phủ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi kỳ họp thứ 8 này diễn ra.

Báo cáo, do Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trình bày, cho biết để giảm phần vốn NSNN dự kiến phải chi trong giai đoạn 1a của dự án, Chính phủ kiến nghị “cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam được sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa tổng công ty và các công ty con để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư phân kỳ 1 với số tiền dự kiến là 5.000 tỉ đồng”. 

Bộ Giao thông Vận tải tính toán, như vậy số tiền giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng phải bố trí từ NSNN chỉ còn 6.076,9 tỉ đồng cho giai đoạn 1a.

Tính toán về vốn NSNN của Bộ Giao thông Vận tải dựa vào báo cáo mới cập nhật của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, theo đó chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù, và tái định cư là 18.537,4 tỉ đồng, giảm so với con số trước đây là 20.770 tỉ đồng.

Báo cáo cho biết, giai đoạn 2 của dự án sẽ cần 3,818 tỉ đô la Mỹ, và giai đoạn 3 sẽ cần 7,061 tỉ đô la Mỹ.

Báo cáo khẳng định, tác động của các khoản vay lên nợ công là “không đáng kể” trong giai đoạn 1.

Chẳng hạn, tỷ lệ của khoản vay ODA so với GDP chỉ là 0,0072% năm 2016, và 0,0168% năm 2026; tỷ lệ vốn vay ODA cộng với NSNN so với GDP chỉ là 0,0100% năm 2016, và 0,0316% năm 2026.

Những số liệu trên được đưa ra trong bối cảnh báo cáo trước đây trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội bị chê là sơ sài, và được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu bổ sung. 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2020 khách Trực tuyến

Quảng cáo