Theo Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép UBND TP. Hà Nội thực hiện cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trước đó, tại Thông báo số 345/TB-VPCP ngày 30/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Dự án trên được thực hiện cơ chế đặc thù về việc xác định mốc thời điểm thu hồi đất, chủ sử dụng đất, tài sản và hồ sơ quản lý đất đai hiện có làm căn cứ lập phương án bồi thường, tại văn bản 10610/VPCP-KGVX ngày 25/12/2012 và việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tại văn bản 2691/VPCP-KTN ngày 4/4/2013.
Phối cảnh dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các cơ chế, chính sách nói trên với các quy định pháp luật mới được ban hành hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; đề xuất bổ sung đồng bộ các cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.Hà Nội đã thực hiện rà soát và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù trên và một số nội dung mới, như: phạm vi áp dụng (cả dự án đất dịch vụ, dự án khớp nối hạ tầng); đối tượng hưởng bồi thường, tái định cư; một số chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất thực hiện giải phóng mặt bằng.
Xét đề nghị của UBND thành phố Hà Nội và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội như đề nghị.
Được biết, Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1998. Diện tích theo quy hoạch của dự án là gần 1.590 ha, trong đó diện tích không phải giải phóng mặt bằng là 117 ha; diện tích giải phóng mặt bằng là 1.469 ha.
Khu Công nghệ này đã thu hút được khoảng 70 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, một số dự án đã không triển khai như cam kết; việc thực hiện các dự án đang gặp những khó khăn, vướng mắc như cơ chế, chính sách thay đổi theo thời gian và do ảnh hưởng khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội (thay đổi cơ chế, chính sách áp dụng và tổ chức thực hiện về xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất…); công tác giải phóng mặt bằng mới chỉ đạt 70%; việc xây dựng các khu tái định cư chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đồng bộ với tiến độ giải phóng mặt bằng;…
Dự án Đại học Quốc gia cũng gặp những khó khăn, vướng mắc tương tự như dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
(Báo Đầu tư)
- Sẽ xây dựng Tổ hợp không gian khoa học tại Bình Định
- Dự án WB5 trễ hẹn vì chậm giải phóng mặt bằng
- Ba phương án “xóa sổ” Khu công nghiệp Biên Hòa 1
- Cơ chế mới gọi vốn Metro
- Quảng Ngãi: Quy hoạch xây dựng Khu du lịch Sa Huỳnh
- 33.000 tỷ đồng xây chuỗi đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài
- Công khai nguyên nhân vết nứt cao tốc Nội Bài-Lào Cai
- Vốn cho sân bay Long Thành dựa chủ yếu vào tư nhân và ODA
- Doanh nghiệp địa ốc Singapore chuyển nhượng dự án The Ascent cho HoaBinh House
- Quỹ phát triển Nhà ở xã hội: Tiềm ẩn rủi ro như một tổ chức tín dụng