Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tương tác Phản biện Ba đột phá chiến lược cụ thể để triển khai cơ chế đặc thù của TPHCM

Ba đột phá chiến lược cụ thể để triển khai cơ chế đặc thù của TPHCM

Viết email In

Công thức dẫn đến những thành công trong quá khứ ở TPHCM đúng với những lý thuyết và kinh nghiệm ở những nơi khác nhau trên thế giới đã được tổng kết. Thành phố có thể lựa chọn những vấn đề mang tính chiến lược để triển khai sớm Nghị quyết 98…

TPHCM đang đối diện với thách thức về phát triển cũng như vị thế có lẽ là lớn nhất từ năm 1975 đến nay. Trong Hội nghị sơ kết giữa kỳ do Thành ủy TPHCM tổ chức vào ngày 15/7/2023, lãnh đạo trung ương đã có những phát biểu thẳng thắn về những vấn đề của thành phố cũng như kỳ vọng của cả nước.


TPHCM sẽ có cách làm hợp lý để phát huy vai trò đầu tàu, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.
(Ảnh: H.P)

Trong hội nghị, lãnh đạo thành phố cũng đã nêu ra những vướng mắc, hạn chế, yếu kém và thách thức của địa phương có nền kinh tế lớn nhất cả nước, nhưng đã đi chậm một cách tương đối so với một số địa phương trong nước và các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Cơ chế đặc thù phiên bản 2.0 (Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua) là điểm tựa để thành phố có những bước đi chiến lược nhằm cải thiện tình hình. Lựa chọn duy nhất của thành phố là phải làm bằng được với những kết quả cụ thể và rõ ràng.

Kết quả chưa được như kỳ vọng của Nghị quyết 54 (cơ chế đặc thù phiên bản 1.0) cùng những kế hoạch hay chương trình mang tính chiến lược trong hơn hai thập niên qua cho thấy cách làm đóng vai trò then chốt. Kinh nghiệm thành công từ bên ngoài và của chính thành phố trong quá khứ có thể đưa ra những gợi ý về cách thức triển khai Nghị quyết 98.

Kinh nghiệm quốc tế

Vào năm 2002, nguyên Chủ tịch tập đoàn Hyundai Lee Myung-bak đã ra tranh cử vị trí thị trưởng thành phố Seoul khi đô thị 10 triệu người này đang gặp phải những thách thức làm cho chất lượng sống của người dân và năng lực cạnh tranh giảm sút. Trong bối cảnh giao thông đang tắc nghẽn nghiêm trọng, ông đã đưa ra ý tưởng “ngược đời” là phá đường cao tốc huyết mạch giữa thành phố để phục hồi lại dòng suối Cheonggyecheon cùng với việc cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, nhất là các tuyến xe buýt. Hơn thế, việc này không có trong quy hoạch của Seoul lúc đó.

Ông cùng các đồng sự của mình đã có thể thực hiện việc được xem như “đội đá vá trời” chỉ trong một nhiệm kỳ bốn năm. Với kết quả thành công ở Seoul, năm 2007, ông đã dễ dàng chiến thắng để trở thành Tổng thống của Hàn Quốc. Tăng thêm màu xanh, tạo rừng trong phố và mang thiên nhiên đến cho đô thị 10 triệu dân trong diện tích 605 ki lô mét vuông (bằng 30% TPHCM) được xem là di sản lớn nhất của ông.

Có ít nhất ba yếu tố trọng yếu dẫn đến sự thành công của người có tinh thần dám nghĩ, dám làm Lee Myung-bak. Thứ nhất, các vấn đề được chọn mang tính chiến lược, tháo các điểm nghẽn và có tính chất khả thi, cụ thể. Thứ hai, lập kế hoạch và chuẩn bị một cách chu đáo. Việc này đã kéo dài hai năm trong nhiệm kỳ bốn năm của ông. Thứ ba, ông đã vận động được sự ủng hộ của các bên liên quan, đặc biệt là những bên có lợi ích dài hạn gắn với lợi ích chung khi việc này thành công.

Trước Lee Myung-bak, Seoul đã có nhiều thị trưởng “máy ủi” (dám nghĩ, dám làm và làm được) khác, đặc biệt là Kim Hyun-ok. Vị tướng giải ngũ và là đồng sự của Tổng thống Park Chung-hee lúc đó đã làm thị trưởng bốn năm 17 ngày (tháng 3/1966 đến tháng 4/1970).

Ông chính là người chỉ đạo thực hiện kế hoạch lấp dòng suối Cheonggyecheon để xây dựng đường cao tốc trên đó. Ông đã tạo nền móng cho Seoul thay đổi bộ mặt, nhất là cơ sở hạ tầng để trở thành một trong những đô thị hàng đầu khu vực từ đống đổ nát sau chiến tranh.

Một chiều dài đường giao thông không tưởng và rất nhiều hạ tầng khác đã được xây dựng trong nhiệm kỳ bốn năm của ông. Gangnam (diện tích nhỏ hơn thành phố Thủ Đức) – từ vùng đất trồng bắp cải phía Nam sông Hàn không có người ở đã trở thành vùng đô thị với 5 triệu người sau hơn hai thập kỷ đã được bắt đầu từ thời của Kim Hyun-ok.

Không chỉ Seoul mà chúng ta có thể tìm được rất nhiều trường hợp thành công ở các địa phương khác trên thế giới với những lãnh đạo dám nghĩ, dám làm và quan trọng là làm được.

Thị trưởng Thượng Hải Chu Dung Cơ bắt đầu công việc từ năm 1987, chỉ trong mấy năm, đã có thể vận động và chuẩn bị để Thượng Hải lấy lại được vị trí “đầu rồng” của mình. Điều này đã thành hiện thực với sự thành công của Phố Đông và nhiều hạ tầng cũng như chính sách chiến lược khác. Đây là một ví dụ của việc gắn khát vọng và sự phát triển của địa phương với khát vọng và sự phát triển của quốc gia.

Thống đốc Mitt Romney ở bang Massachusetts, Mỹ (cùng giai đoạn với Lee Myung-bak) là một ví dụ khác. Trong cái nôi của Đảng Dân chủ, nhưng người thuộc Đảng Cộng hòa này đã đưa ra được bảo hiểm y tế cho toàn dân (Romneycare) mà sau này Tổng thống Obama đã áp dụng cho cả nước Mỹ (Obamacare).

Xa hơn nữa là Thị trưởng Paris Georges-Eugène Haussmann, trong nhiệm kỳ năm năm (1877-1882), đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của đô thị được mệnh danh là kinh đô ánh sáng này. Ông được xem là hình mẫu của một lãnh đạo thành phố dám nghĩ, dám làm và có thể làm được điều mà số đông không dám nghĩ đến.

Tinh thần của dân, do dân và vì dân đã giúp đội ngũ của thành phố dưới sự dẫn dắt của ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) và Năm Xuân (Mai Chí Thọ) dám đưa ra những thử nghiệm trái với đường lối của Đảng lúc đó.

Thực tiễn ở TPHCM

TPHCM cũng có những khoảnh khắc và ví dụ cụ thể về sự thành công. Cách làm dẫn đến sự nở rộ của những đột phá mang tính chiến lược ở thành phố trong “đêm trước đổi mới” và khoảng một thập niên sau đó có giá trị tham khảo rất lớn. Tinh thần của dân, do dân và vì dân đã giúp đội ngũ của thành phố dưới sự dẫn dắt của ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) và Năm Xuân (Mai Chí Thọ) dám đưa ra những thử nghiệm trái với đường lối của Đảng lúc đó.

Đội ngũ của thành phố đã thấu hiểu những băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo quốc gia vì mục tiêu mang lại ấm no, hạnh phúc cho toàn dân, nhưng thấy cách làm theo kinh tế kế hoạch chưa đúng và chưa trúng.  Đi trên lằn ranh, nhưng thành phố có được sự ủng hộ và hỗ trợ cần thiết của lãnh đạo quốc gia. Thành phố đã lo được nỗi lo của đất nước.

Cái hay của lãnh đạo thành phố lúc đó là biết dùng đúng người, đúng việc. Ai có thể hiểu cái bụng đói sẽ như thế nào và cách thức thuyết phục người dân hơn “chị nuôi” Ba Thi – một nông dân gộc, nhưng sắc sảo và tinh tường? Những thương nhân người Việt gốc Hoa là những người giỏi buôn bán và giao thương với nước ngoài nhất đã được giao phó trọng trách trao đổi hàng hóa với bên ngoài. Và nhiều người khác đã được sử dụng đúng để tạo nên một ê kíp giúp cho hơn ba triệu dân của thành phố không bị đói, sản xuất được phục hồi; và quan trọng hơn trở thành những đột phá chiến lược dẫn đến “đổi mới” của cả nước.

Đổi mới có thể xem là một “cơ chế đặc thù” hay cơ chế mới cho sự phát triển của Việt Nam. Khi bắt đầu, gần như không ai hình dung ra các bước đi và cách làm cụ thể như thế nào. Vai trò tiên phong của thành phố đã được phát huy. Tiếp thu tinh hoa của nhân loại, dựa vào những người hiểu biết đã có kinh nghiệm là cách làm mang lại hiệu quả nhất.

Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí đã dám giao ông Phan Chánh Dưỡng (một người Việt gốc Hoa) cùng với các thành viên trong nhóm Thứ Sáu (những người đã làm việc trong chế độ trước đây) nghiên cứu và thử nghiệm mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp và phát triển đô thị mới. Vai trò của những người trong các khâu của quá trình mày mò ý tưởng và triển khai đã được phát huy như ông Trần Du Lịch với Viện Kinh tế thành phố (nay là Viện Nghiên cứu Phát triển) hay Giao Thị Yến với HIFU (giờ đây là HFIC).

Sự thành công của TPHCM và các địa phương trong vùng, nhất là Sông Bé (sau này là Bình Dương) dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Minh Triết lúc đó đã mở ra kỷ nguyên thu hút đầu tư và phát triển thành công cho Việt Nam trong cả thời kỳ đổi mới. Sự ra đời và phát triển của khu công nghệ cao với vai trò trực tiếp của ông Phạm Chánh Trực và những người khác cũng là một kinh nghiệm quý.

Công thức tạo ra những thành công hay đột phá chiến lược kể trên của TPHCM là các ý tưởng và việc làm cụ thể được dẫn dắt hay triển khai bởi những người dám nghĩ, dám làm, hiểu và biết cách vận dụng hệ thống để đạt kết quả. Họ đã biết cách: (i) hiện thực hóa các ý tưởng chiến lược mang tầm quốc gia hay chia sẻ trăn trở của lãnh đạo quốc gia nên có được sự ủng hộ và định hướng cần thiết; (ii) dụng nhân như dụng mộc và biết cách khơi gợi tinh thần của đội ngũ; và (iii) với tinh thần phụng sự, vì dân nên đã có được sự ủng hộ và đồng lòng cần thiết để làm những việc tưởng như không thể.

Cái hay của lãnh đạo thành phố lúc đó là biết dùng đúng người, đúng việc.

Chọn các điểm chiến lược cho Nghị quyết 98

Là người nghiên cứu về TPHCM, tôi thấy rằng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội vào năm 2017 và việc thành lập thành phố Thủ Đức từ năm 2020 là hai chuyển biến hay cú huých đáng kể nhất trong hơn hai thập kỷ qua ở TPHCM. Tuy nhiên, kết quả đến giờ này là chưa thực sự rõ ràng, chưa đạt được các kết quả như kỳ vọng, chưa tạo ra những chuyển biến mang tính chiến lược là những đánh giá thẳng thắn của cả TPHCM và các cơ quan trung ương về Nghị quyết 54.

Nghị quyết 54 dài gần 3.000 chữ và Nghị quyết 98 dài hơn 13.000 chữ. Ưu điểm của Nghị quyết 98 là đã có gần như tất cả những vấn đề mà nếu làm được sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể cho TPHCM và thành phố sẽ phát huy vai trò đầu tàu của mình. Tuy nhiên, đây cũng chính là nhược điểm vì khó biết trọng tâm hay đột phá chiến lược cụ thể là gì.

Trong các thông tin truyền thông cho nghị quyết này, tôi chưa tìm thấy liệt kê hay điểm một vài đầu việc mang tính chiến lược để người dân có thể hiểu, hình dung, chia sẻ cảm hứng và giám sát chính quyền. Việc để số đông có thể hiểu và hình dung những việc quan trọng sẽ được làm và kết quả dự kiến là hết sức quan trọng.

Mong muốn thành phố có được sự thành công với Nghị quyết 98, tôi xin đề xuất 3 việc phải làm được trong 5 năm tới gồm: (1) thay đổi bộ mặt giao thông đô thị; (2) triển khai thành công các cách thức khai thác giá trị từ đất để tạo ra nguồn lực (quan trọng nhất) cho sự phát triển; và (3) đưa Thủ Đức thành động lực tăng trưởng và phát triển quan trọng nhất của thành phố. Các chỉ tiêu hay kết quả cụ thể nên được đưa ra gắn với ba vấn đề nêu trên.

Tóm lại, công thức dẫn đến những thành công trong quá khứ ở TPHCM đúng với những lý thuyết và kinh nghiệm ở những nơi khác nhau trên thế giới đã được tổng kết. Thành phố có thể lựa chọn những vấn đề mang tính chiến lược để triển khai sớm Nghị quyết 98. Hy vọng lần này TPHCM sẽ có cách làm hợp lý để phát huy vai trò đầu tàu, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Huỳnh Thế Du

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo