Theo kế hoạch, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (WB5) sẽ hoàn thành trong năm 2013 nhưng đến nay, cuối năm 2014, dự án vẫn chưa thể kết thúc vì gặp phải một số điểm nghẽn trong khâu giải phóng mặt bằng.
Ngày 10/11/2014, Ngân hàng Thế giới (WB) đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tiến độ của dự án WB5.
Sau khi kiểm tra tình hình thực hiện dự án (từ ngày 27/10 đến 1/11), WB kiến nghị dự án cần tập trung vào vấn đề giải phóng mặt bằng, an toàn lao động trong quá trình thi công và sử dụng hợp lý các trang thiết bị phục vụ đào tạo.
Công trình âu tàu Rạch Chanh (Long An) được khởi công ngày 12/12/2012 (Nguồn: VTV Cần Thơ)
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết bộ này đang vay vốn của các địa phương có dự án đi qua để thực hiện việc giải phóng mặt bằng phục vụ thi công một số công trình. Ông Thể hứa: “Chậm nhất là tháng 2/2015, tất cả các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng sẽ được giải quyết để dự án có thể hoàn thành vào cuối năm 2015”.
Được biết, Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan trực thuộc (Ban quản lý dự án, các Cục, Tổng cục) phối hợp chặt chẽ với địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long được Bộ GTVT quyết định đầu tư năm 2007, với mục tiêu cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông; giảm thiểu điểm nghẽn trên các tuyến đường bộ và đường thủy then chốt; giảm chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ - phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Dự án này gồm bốn hợp phần: A (nâng cấp các tuyến quốc lộ 53, 54 và 91 - do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư); B (mở rộng hành lang các tuyến đường thủy phía bắc xuyên Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên và các tuyến duyên hải phía Nam - do Cục Đường sông làm chủ đầu tư); C (các tuyến đường tỉnh và đường thủy địa phương – do các địa phương chủ quản dự án); D (hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ GTVT và các tỉnh – do Cục Đường sông Việt Nam làm chủ đầu tư).
Phạm vi của dự án này gồm 14 tỉnh, thành (Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, An Giang, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, TPHCM).
Tổng mức đầu tư của dự án WB5 là hơn 312 triệu đô la Mỹ; trong đó vốn vay ưu đãi (ODA) của WB là 207,66 triệu đô la Mỹ; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc (ODA) là 25 triệu đô la Mỹ; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 79,36 triệu đô la Mỹ.
Riêng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án này là hơn 62 triệu đô la Mỹ.
Dự án WB5 khởi công hồi giữa năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào quý 4 năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa thể kết thúc.
Quang Chung (TBKTSG)
- TPHCM: Tây Ban Nha tài trợ 3,4 triệu euro cho dự án tuyến metro số 5
- Bổ sung trường hợp được vay vốn hỗ trợ nhà ở
- Đà Nẵng đầu tư phát triển dự án Ngo Quyen Trade Center
- Ý tưởng xây trụ sở mới của Hải Dương bị phê phán
- Sẽ xây dựng Tổ hợp không gian khoa học tại Bình Định
- Ba phương án “xóa sổ” Khu công nghiệp Biên Hòa 1
- Cơ chế mới gọi vốn Metro
- Quảng Ngãi: Quy hoạch xây dựng Khu du lịch Sa Huỳnh
- Thêm cơ chế đặc thù cho 2 dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội
- 33.000 tỷ đồng xây chuỗi đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài