Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Cơ chế mới gọi vốn Metro

Cơ chế mới gọi vốn Metro

Viết email In

Phát triển hệ thống Metro là xu hướng của nhiều thành phố (TP) lớn trên thế giới. Tuy nhiên, do lượng vốn đầu tư lớn nên việc kêu gọi đầu tư cho các dự án Metro tại TP HCM đang gặp rất không ít khó khăn. 

Sau nhiều lần lỗi hẹn, hiện TP đã đang khởi công hai tuyến Metro số 1 và số 2. đối với tuyến Metro số 1, chi phí xây dựng ban đầu là 1,09 tỷ USD (năm 2007), tương đương với 17.387 tỷ đồng, nay đã bị đội vốn thêm hơn 30.000 tỷ đồng thành 2,49 tỷ USD (khoảng 47.325 tỷ đồng), trong đó, hơn 2,2 tỷ USD vốn ODA từ phía Nhật Bản, còn lại là vốn đối ứng của TP; Kinh phí thực hiện tuyến Metro số 2 cũng bị đội lên từ 1,3 tỷ USD lên 2,1 tỷ USD.  

Dự án cũ đội vốn gấp 2 lần

Như vậy, chỉ trong vòng vài năm mà các dự án Metro đã bị đội vốn lên gấp 2 lần trong khi thiết bị, công nghệ hầu như không có gì thay đổi lớn. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo ông Lê Khắc Huỳnh, Phó Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM, tuyến Metro số 1 tăng vốn là do thiết kế cơ sở trong dự án đầu tư được phê duyệt chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, UBND TP HCM đã phải phê duyệt thiết kế làm rõ thiết kế cơ sở của dự án; Đồng thời, tính toán và cập nhật lại mức đầu tư tại thời điểm năm 2009 theo quy định hiện hành như: Tăng lương tối thiểu, biến động về tỷ giá, chi phí nguyên vật liệu, dự án được triển khai ở khu vực trung tâm nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều biến động, việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật gặp khó khăn. 

“Còn với dự án Metro số 2, do trượt giá trong 4 năm qua, từ thời điểm phê duyệt (2010) tới thời điểm thực hiện thiết kế nền tảng (2014). Cùng với đó, chủ đầu tư cũng phải điều chỉnh thiết kế dẫn đến tăng khối lượng trong các hạng mục thiết kế như: Điều chỉnh quy hoạch thu hẹp lòng đường Cách mạng tháng tám, thay đổi thiết kế các nhà ga ngầm” - ông Huỳnh cho biết.

Một trong các giải pháp cho các dự án Metro của TP là tập trung tìm kiếm vốn đầu tư cho hạ tầng từ nhiều nguồn vốn khác nhau. 

Ông Huỳnh cũng cho biết thêm: VN chưa có khung tiêu chuẩn nào với đường sắt đô thị, nhà thầu kê lên bao nhiêu thì phải duyệt bấy nhiêu. Các dự án metro từ khâu nghiên cứu khả thi đến thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công đều phụ thuộc tư vấn của nhà tài trợ, dẫn đến phải chấp nhận đội vốn, vay thêm một khoản. Hơn nữa, hệ thống cơ chế chính sách và văn bản pháp luật quy định về quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước, đặc biệt là vốn vay đầu tư cơ sở hạ tầng GTVT không theo kịp yêu cầu thực tế.

Dự án mới chờ vốn 

Theo ông Bùi Xuân Cường - PGĐ Sở GTVT TP HCM cho biết: Các dự án Metro của TP HCM đều cần lượng vốn rất lớn. Do thiếu vốn nên hiện tuyến Metro số 1 đang được triển khai rất chậm. Tuy nhiên, TP đã và đang có những chính sách kêu gọi vốn. Bên cạnh giải pháp thu hút vốn ODA từ Nhật Bản và Đức thì TP cũng đang có chủ trương ưu tiên huy động vốn dưới hình thức đối tác công tư (PPP) - tức là mời DN, nhà đầu tư cùng hợp tác với TP trong việc xây dựng các tuyến Metro với nhiều chính sách ưu đãi từ phía TP như giao mặt bằng sạch, hỗ trợ thủ tục hành chính. “Cũng chính vì lượng vốn lớn nên không thể mời một DN tham gia toàn bộ mà nên chia ra từng phần và mời gọi các DN tham gia đầu tư vào từng phần, từng gói thầu như nhà ga, trạm điều hành, dịch vụ thương mại, bảo trì… như thế sẽ hấp dẫn DN hơn. Sự tham gia của DN sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho ngân sách TP” - ông Cường phân tích.

Theo ông Cường, giai đoạn từ 2010- 2020, TP HCM cần hơn 40 tỷ USD cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là số vốn “khủng”, trong khi ngân sách TP mới chỉ đáp ứng được khoảng 15%. Vì vậy, một trong các giải pháp cho các dự án Metro của TP là tập trung tìm kiếm vốn đầu tư cho hạ tầng từ nhiều nguồn vốn khác nhau, như vốn hỗ trợ phát triển (ODA), các hình thức đầu tư BOT, BT và ưu tiên hình thức hợp tác công tư (PPP) mà Sở và Bộ Kế hoạch đầu tư đang triển khai thí điểm cho một công trình xây dựng hạ tầng. 

Toàn TP hiện có 6 Dự án Metro tại theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt:

  • Tuyến 1: Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km.
  • Tuyến 2: Ngã tư An Sương - Thủ Thiêm dài 19 km, hướng tuyến đi theo các trục đường: Thủ Thiêm - BT - Phạm Hồng Thái - CMT8 - Trường Chinh.
  • Tuyến 3: QL13 - Bến xe Miền Đông - Nguyễn Thị Minh Khai - Hùng Vương - Kinh Dương Vương - BX Miền Tây - Tân Kiên dài 24 km, hướng tuyến: QL13 - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Thị Minh Khai - Hùng Vương - Kinh Dương Vương.
  • Tuyến 4: Cầu Bến Cát - Gò Vấp - đường Nguyễn Văn Linh dài 24 km, hướng tuyến: Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trưng - Khánh Hội - Nam Sài Gòn.
  • Tuyến 5: Cầu Sài Gòn - BX Cần Giuộc dài 17 km, hướng tuyến: Điện Biên Phủ - Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ - Lý Thường Kiệt - Phù Đổng Thiên Vương - BX Cần Giuộc.
  • Tuyến 6: Ngã ba Bà Quẹo - Vòng xoay Phú Lâm dài 6 km, hướng tuyến: Âu Cơ - Lũy Bán Bích. 

Nguyễn Thành (Diễn đàn Doanh nghiệp) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2189 khách Trực tuyến

Quảng cáo