Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Sẽ xây dựng Tổ hợp không gian khoa học tại Bình Định

Sẽ xây dựng Tổ hợp không gian khoa học tại Bình Định

Viết email In

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng dự án Tổ hợp không gian khoa học tại tỉnh Bình Định. 

Công trình được xây dựng trên diện tích đất 2ha với tổng vốn đầu tư hơn 110 tỉ đồng, gồm: Nhà mô hình vũ trụ, Bảo tàng khoa học và Đài quan sát thiên văn phổ thông. Đây sẽ là tổ hợp khoa học đại chúng đầu tiên ở Việt Nam. 

Dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2015 - 2018, được đầu tư một phần từ ngân sách trung ương, phần còn lại do ngân sách tỉnh Bình Định tự cân đối, đồng thời tranh thủ vận động thêm các nguồn tài trợ khác.  

Khi đi vào hoạt động dự án sẽ góp phần xây dựng thành phố Quy Nhơn thành khu đô thị khoa học và giáo dục, là điểm đến và cầu nối của khoa học và giáo dục Việt Nam với các nước, góp phần khích lệ lòng say mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học của thế hệ trẻ Việt Nam. 


Tòa nhà ICISE.
(Ảnh: Văn Lưu) 

Dự án “Tổ hợp không gian khoa học” nằm trong khu vực Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại KV2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Tổ hợp này gồm 3 bộ phận: Nhà mô hình vũ trụ, Bảo tàng khoa học và Đài quan sát thiên văn phổ thông. 

Nhà mô hình vũ trụ: Được trang bị các thiết bị, công nghệ trình chiếu mô phỏng vũ trụ, giải thích vấn đề về thiên văn học bằng những hình ảnh sống động, là những bài học thiên văn bổ ích cho học sinh các lứa tuổi. Ngoài ra còn có nhà mô hình vũ trụ bơm hơi, đường kính khoảng 10 m, có sức chứa khoảng 60 người, hoàn toàn bằng chất liệu plastic. Loại nhà này dùng để trình chiếu lưu động tại các địa phương, trường học về hoạt động của vũ trụ, bằng hình ảnh sinh động. 

Bảo tàng khoa học: Để trưng bày, triển lãm khoa học, với nhiều chủ đề khác nhau: Vật lý, hóa học, kỹ thuật, khoa học sự sống, khoa học môi trường…, nhằm giúp người xem khám phá khoa học một cách tương tác, mang tính vừa chơi, vừa học. Từng chủ đề được bố trí thành một khu vực riêng. Ví dụ, khu khám phá vật lý học có thí nghiệm về cơ học, tĩnh điện, laser, âm thanh và sự rung; thí nghiệm về vật lý hạt nhân và vật lý hạt; từ tính siêu dẫn… Khu khám phá toán học, khám phá dãy số pi; tam giác Pascal...
Trong bảo tàng khoa học còn có khu khám phá khoa học sự sống. Người xem có thể chiêm ngưỡng mô hình hệ tuần hoàn cơ thể người; sự hình thành thai nhi trong cơ thể người mẹ, khám phá cấu trúc tế bào, AND…. Đặc biệt, khu khám phá thiên văn học, có các thí nghiệm trái đất quay quanh mặt trời, mô hình các hành tinh trong hệ mặt trời, trong vũ trụ của NASA (trạm vũ trụ quốc tế). Người xem có thể tìm hiểu về dương lịch, âm lịch, cách tính khoảng cách giữa các hành tinh... khu khám phá về khoa học môi trường, tại đây có trình bày về chu trình tuần hoàn vật chất, hệ sinh thái, hậu quả của ô nhiễm môi trường, phá rừng…

Đài quan sát thiên văn phổ thông: Tại đây được bố trí khoảng 10 kính thiên văn phổ thông với mục đích đưa thiên văn học đến với học sinh, sinh viên và công chúng. Các kính thiên văn này được bố trí ở vị trí hợp lý trong khu vực, hòa trong cảnh quan không gian xanh để mọi người quan sát được các vì tinh tú trong không gian vũ trụ bao la. 

“Tổ hợp không gian khoa học” có không gian rộng thoáng, thân thiện với môi trường, gồm quán cà phê, góc đọc sách, thư viện khoa học cộng đồng và khu bán hàng lưu niệm… Diện tích cho tổ hợp này là 2 ha, trong đó dành cho việc xây dựng nhà mô hình vũ trụ và bảo tàng khoa học là 3.000 m2, còn lại 17.000 m2 cho cây xanh cảnh quan, đài quan sát thiên văn phổ thông, bãi đỗ xe, khu sinh hoạt ngoài trời, đường đi bộ….

Kinh phí xây dựng “Tổ hợp không gian khoa học” trên 100 tỉ đồng, chủ yếu dành cho xây dựng, mua sắm thiết bị. Kinh phí tư vấn khoa học quốc tế, đào tạo vận hành do các chuyên gia của Pháp về lĩnh vực này hỗ trợ và do Hội Khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” do GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch hội) kêu gọi chuyên gia Pháp giúp đỡ.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, Bộ KH-CN sẽ trình Dự án này lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan. Nếu được chấp thuận, Dự án này sẽ được bổ sung vào kế hoạch đầu tư phát triển năm 2015 của quốc gia và được đầu tư kinh phí thực hiện. Ngoài ra, còn có nguồn kinh phí đầu tư phát triển KH-CN từ Bộ KH-CN, và vốn đối ứng của tỉnh. Dự án “Tổ hợp không gian khoa học” do Sở KH-CN tỉnh làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện Dự án chia thành 2 giai đoạn: 2015 - 2016 và 2017 - 2018.

Đây là lần đầu tiên mô hình “Tổ hợp không gian khoa học” hình thành tại Việt Nam, cũng là dự án vệ tinh, cộng hưởng với ICISE, để hình thành, phát triển khu đô thị khoa học và giáo dục tại Bình Định. Tạo dựng nơi đây một không gian khám phá khoa học cho mọi lứa tuổi, kích thích niềm đam mê khoa học sáng tạo cho tuổi trẻ. Đây còn là nơi gặp gỡ của các nhà khoa học trong và ngoài nước, là nơi học tập, nghiên cứu cho sinh viên, học sinh; và sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn của Bình Định. 

(Theo Báo Bình Định

(DĐDN) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2041 khách Trực tuyến

Quảng cáo