Ashui.com

Tuesday
Jan 07th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật TPHCM: Ách tắc dự án các khu đất vàng

TPHCM: Ách tắc dự án các khu đất vàng

Viết email In

Kết luận cuối cùng về việc đấu thầu chọn nhà đầu tư khu đất vàng Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) còn phải chờ. Nhưng những rắc rối thời gian qua ở khu đất này, kéo theo hàng loạt khu đất vàng "treo", trong khi hạ tầng TP.HCM vẫn ngổn ngang, người dân lãnh đủ.

Khu đất vàng Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo được mở thầu ngày 17.12.2007. Có 4 liên danh nộp hồ sơ dự thầu, sau đó có 2 lọt vào danh sách ngắn là liên danh Thái Sơn và liên danh Khánh Gia. Tháng 4.2008, UBND TP.HCM phê duyệt cho liên danh Thái Sơn (gồm 8 thành viên) trúng thầu. Sau đó liên danh Khánh Gia khiếu nại quyết liệt và đến đầu năm 2009 thì Thanh tra Chính phủ vào cuộc.

Còn nhớ, cùng lúc TP.HCM đưa ra đấu thầu khu đất vàng trên, còn có 1 khu đất vàng khác cũng làm thí điểm là khu chợ Văn Thánh (đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh). Cả hai khu đất vàng được chọn đi tiên phong làm thí điểm gần như đều có hội đồng đấu thầu, hồ sơ mời thầu, quy trình, thủ tục, cách tổ chức... giống như nhau; nhưng số phận 2 khu bây giờ lại khác nhau. Trong khi khu đất vàng Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo bị ách lại thì tại dự án ở khu chợ Văn Thánh, chủ đầu tư đã triển khai việc đầu tư xây dựng.

  • Ảnh bên : Khu đất vàng Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo

Người dân thiệt nhiều        

Năm 2007, TP.HCM lên danh sách 25 khu đất vàng dự kiến đưa ra đấu thầu để tăng thu cho ngân sách TP; chỉnh trang, nâng cấp đô thị; thu hút đầu tư; góp phần thực hiện tính công bằng đối với môi trường đầu tư của TP.HCM, tạo động lực cho phát triển. Nhưng chỉ mới khu đầu tiên đưa ra thí điểm đã "vướng" và ách lại, kéo theo hàng loạt khu đất vàng khác tiếp tục phải nằm yên.

Ai cũng thấy, thời điểm này, giá vật liệu xây dựng đang xuống, rất thuận tiện cho việc xây dựng công trình. Lãi suất cho vay cũng đang rất thấp. Đầu tư xây dựng vào thời điểm này có thể thấy là chi phí đầu tư thấp, thuận lợi cho việc phát triển. Vậy mà các khu đất vàng vẫn không nhúc nhích. Đã vậy, những người dân sống, cư ngụ trong các khu đất vàng này cũng không yên tâm an cư. Nhà bị quy hoạch thì không sửa chữa, xây dựng được, không biết lúc nào bị di dời giải tỏa đi, khiến cuộc sống không ổn định.

Nhưng cái mất mát nhiều nhất của người dân TP.HCM mà ít ai nghĩ đến, đó là cơ sở hạ tầng không được cải thiện. Khi tham giá đấu thầu (và sau đó được công bố trúng đấu thầu), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN - BIDV (đại diện liên danh Thái Sơn) cam kết hỗ trợ cho TP.HCM 1.900 tỉ đồng. Hoặc giả không phải BIDV thì nhà đầu tư nào trúng thầu cũng hỗ trợ cho TP rất lớn. Nói rộng ra, "tiền hỗ trợ" của đơn vị trúng đấu thầu ở 25 khu đất vàng (nếu đưa ra đấu thầu) có thể lên hàng chục nghìn tỉ đồng, đó là chưa kể tiền sử dụng đất mà các đơn vị trúng thầu phải nộp cho ngân sách.

Số tiền này có thể làm được gì? Hãy nhìn xem, vốn đầu tư xây dựng công trình mà TP đang "đói vốn" trầm trọng, chạy đôn chạy đáo để thực hiện: cầu Phú Long (Q.12) 687,9 tỉ đồng; đường song hành QL22 (Q.12) 221,2 tỉ đồng; cầu, đường Bình Triệu 2 giai đoạn 2 gần 1.000 tỉ đồng xây lắp và khoảng 2.800 tỉ đồng đền bù giải tỏa; đường Bắc - Nam TP.HCM giai đoạn 2 là 88,8 tỉ đồng; mở rộng tỉnh lộ 10: 771,9 tỉ đồng; cầu Rạch Chiếc khoảng 1.000 tỉ đồng... Còn đằng này, BIDV rút lui sẽ không mất 1.900 tỉ đồng, khỏe re. Hàng loạt khu đất khác cũng nằm yên, "vàng" có mà không sử dụng được. 

Trần Hùng

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 6628 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  


Loading...