Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật 1.200 dự án “treo” trên cả nước

1.200 dự án “treo” trên cả nước

Viết email In

Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý đất đai, tình trạng các dự án quá 12 tháng nhưng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng đất chậm tiến độ còn phổ biến ở hầu hết các địa phương.

Đến nay, cả nước có khoảng 1.200 dự án “treo” với diện tích trên 130.000 ha, trong đó có 670 dự án xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp với diện tích 48.000 ha; 230 dự án xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với diện tích 14.000 ha; 180 dự án xây dựng, chỉnh trang khu đô thị và khu dân cư nông thôn với diện tích 3.900 ha.

Các địa phương có nhiều dự án “treo” gồm: Nam Định (80 dự án), Tp.HCM (50), Quảng Nam (50), Đồng Nai (40), Vĩnh Phúc (32), Hà Nội (29), Cần Thơ (24), Bà Rịa - Vũng Tàu (24), Hải Dương (18), Đà Nẵng (16), Khánh Hòa (10).

Khu công nghiệp chiếm đất nhiều, sử dụng ít

Tính đến tháng 4/2008, cả nước có 185 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích là 44.895 ha. Bên cạnh các khu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, còn có hàng trăm cụm, điểm công nghiệp được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập với tổng diện tích khoảng 26.000 ha.

Hiện nay, có nhiều khu, cụm công nghiệp đã tiến hành thu hồi, san lấp mặt bằng nhưng chậm tiến độ trong xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư kém, tỷ lệ lấp đầy thấp, dẫn đến tình trạng đất đai bị bỏ hoang hoá, lãng phí trong nhiều năm.

Cụ thể như: Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư thành lập từ năm 1995 đến nay mới lấp đầy 18, 8%; Khu công nghiệp Đồ Sơn thành lập từ năm 1997 đến nay mới lấp đầy 24,1%; Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 được thành lập từ năm 1998 đến nay mới lấp đầy 9,6%; Khu công nghiệp Khánh An (Cà Mau) được thành lập từ năm 2004 đến nay vẫn đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, mới cho thuê được 3ha, lấp đầy 1,22%; Khu công nghiệp Cát Lái 4 (Tp.HCM) và Khu công nghiệp Kim Hoa (Vĩnh Phúc) đã được thành lập từ năm 1997-1998 nhưng chưa hoàn thành xây dựng cơ bản.

Đặc biệt, nhiều địa phương có điều kiện thành lập và xây dựng các khu công nghiệp ở những khu vực đất đồi núi, đất nông nghiệp kém hiệu quả nhưng vẫn tiến hành quy hoạch và đề nghị cho thành lập các khu công nghiệp trên những vùng đất thuận lợi về hạ tầng, đất nông nghiệp bằng phẳng (chủ yếu là đất trồng lúa).

Ví như tỉnh Vĩnh Phúc: năm 2007 đã quy hoạch Khu công nghiệp Bá Thiện 327 ha, Khu công nghiệp Quang Minh II với 267 ha, Khu công nghiệp Bình Xuyên 271 ha; tỉnh Bắc Ninh, năm 2007-2008 quy hoạch các khu công nghiệp VSIP 700ha, Khu công nghiệp Quế Võ 637 ha, Khu công nghiệp Nam Sơn-Hạp Lĩnh 603 ha; tỉnh Hải Dương: Khu công nghiệp Cộng Hoà 357 ha, Khu công nghiệp tàu thuỷ Lai Vu 213 ha và Khu công nghiệp Đại An mở rộng 433 ha (đưa tổng diện tích khu Đại An lên 604 ha lấy chủ yếu vào đất lúa); tỉnh Tiền Giang có Khu công nghiệp Long Giang 540 ha...

Theo báo cáo không đầy đủ của các địa phương, từ năm 2006 đến nay, trên phạm vi cả nước có 11 tỉnh thực hiện thu hồi đất để giao, cho thuê không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt (có 98 công trình với tổng diện tích 17.541 ha).

Những địa phương có số lượng công trình vi phạm nhiều là Bình Dương (29 trường hợp), Phú Thọ (14 trường hợp), Lạng Sơn (13 trường hợp), Vĩnh Long (8 trường hợp) và Hưng Yên (7 trường hợp).

Địa phương giao đất theo phong trào

Theo ông Hoàng Tuấn Hiệp (Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp), tình trạng đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa bị bỏ hoang hoá, không sản xuất được do bị ảnh hưởng bởi việc giao đất, cho thuê đất để xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và các khu đô thị mới xảy ra ở nhiều địa phương do việc giao đất, cho thuê đất phân tán, manh mún (đất nông nghiệp hiện có 70 triệu thửa), chưa tuân thủ quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

Sự chia cắt đó còn trầm trọng hơn do sự hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân golf... trên các cánh đồng, đã, đang và sẽ phá vỡ hệ thống thủy lợi và gây ô nhiễm nặng tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Hiện nước ta có 144 dự án kinh doanh sân golf đã được cấp phép hoặc có chủ trương cho phép. Nếu 144 dự án này đều trở thành hiện thực thì phải bố trí trên 44.580 ha đất.

GS. Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học đất nhận định: có thể thấy, việc ồ ạt triển khai các dự án sân golf thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước đã và đang gây nên sự lãng phí tài nguyên đất. Theo tính toán, mỗi ha dành cho xây dựng khu công nghiệp, sân golf thường kéo theo khoảng 1-2 ha đất liền kề không sử dụng được do ô nhiễm nước, khí thải.

Bà Hoàng Thị Vân Anh, Tổng cục Quản lý đất đai nhấn mạnh, nhìn chung, việc quy hoạch chuyển mục đích đất nông nghiệp để sử dụng vào các mục đích phát triển công nghiệp, đô thị và các mục đích phi nông nghiệp trong nhiều trường hợp còn chạy theo phong trào của các địa phương, chưa thực sự được cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

Chính vì do nôn nóng quy hoạch, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất khi chưa tính toán kỹ nhu cầu sử dụng đất và lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực để triển khai nên tình trạng dự án đã được thu hồi, giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai vẫn diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương...

Sự phát triển của đất nước yêu cầu quy hoạch sử dụng đất cần bố trí hợp lí, tiết kiệm. Theo bà Hoàng Thị Vân Anh, cần phải đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai như: tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra, thanh tra về đất đai do UBND các cấp thực hiện; vận hành có hiệu quả cơ chế giám sát việc thực thi pháp luật về đất đai do hội đồng nhân dân các cấp thực hiện.

Đồng thời tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ quan báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, người dân tham gia việc phát hiện những vi phạm pháp luật về đất đai trong quản lý cũng như trong sử dụng đất.

Bên cạnh đó cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là đối với trường hợp cán bộ quản lý vi phạm pháp luật về đất đai.

Cần đổi mới hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bằng cách: áp dụng công nghệ thông tin vào việc lập quy hoạch sử dụng đất dựa trên việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất, cơ sở dữ liệu tiềm năng đất đai, phân tích các chỉ tiêu về kinh tế xã hội, môi trường để tìm phương án quy hoạch hợp lý.

Xây dựng các quy định cụ thể để kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra, cần kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê không đúng đối tượng, đất Nhà nước đã giao, đã cho thuê nhưng không sử dụng, sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích; thường xuyên rà soát quy hoạch để phát hiện và xử lý dứt điểm tình trạng quy hoạch “treo” và dự án “treo”...

Huyền Ngân 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2670 khách Trực tuyến

Quảng cáo