Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Đã đến lúc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế?

Đã đến lúc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế?

Viết email In

Bảy năm trước, năm 2009, khi xây dựng dự thảo Luật thuế nhà, đất, Bộ Tài chính đã đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế nhưng Quốc hội không đồng ý. Nay, bộ này cho biết đang "định hướng" lại sắc thuế này; nhiều khả năng trong năm 2017 chưa thể áp dụng vì phải có thời gian xây dựng, xem xét kỹ, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ phải thu.

Sẽ đánh thuế nhà ở?

Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Huỳnh Quang Hải, cho biết bộ này đã giao Vụ chính sách thuế tính toán đánh thuế nhà ở, nhất là với những người sở hữu nhiều nhà ở. Bởi, nhiều nước đã áp dụng loại thuế này từ lâu còn chúng ta thì bỏ ngỏ trong khi thu ngân sách đang gặp khó khăn... 

Thực ra, chuyện thu thuế nhà ở đã từng được Bộ Tài chính đề xuất từ năm 2009. Lúc đó, xây dựng dự thảo Luật thuế nhà, đất, bộ này đã quy định những người sở hữu nhà ở trên 200 mét vuông sàn xây dựng hoặc có giá trị trên một tỉ đồng đều phải chịu thuế từ 1.000 - 4.000 đồng/mét vuông/năm tùy từng loại nhà hoặc 0,03% phần giá trị trên một tỉ đồng. 

Nhưng một phương án có thể thay thế cho quy định có phần “cứng rắn” nói trên cũng đã được Bộ Tài chính “dọn ra” cho Quốc hội lựa chọn. Đó là quy định chỉ thu thuế nhà ở (đối với người sở hữu) căn nhà thứ hai trở đi theo thuế tuyệt đối từ 1.000 - 4.000 đồng/mét vuông/năm tùy từng loại nhà nhưng không thu thuế đối với nhà dưới hai tầng.

Dù vậy, cuối cùng dự thảo Luật thuế nhà, đất không được Quốc hội thông qua vì nhiều ý kiến cho rằng chưa “đúng thời điểm”. Bây giờ, xã hội đã hình thành một tầng lớp giàu có, sở hữu nhiều nhà ở, cho nên Bộ Tài chính cho rằng cần phải tính toán lại việc thu loại thuế này để giúp điều tiết xã hội, tạo sự công bằng, có thêm nguồn tài chính đầu tư các dịch vụ công.

Không chỉ thế, theo một cựu quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh thuế nhà ở sẽ hạn chế được đầu cơ nhà đất và góp phần điều tiết nhu cầu nhà ở của xã hội. Bởi thuế nhà ở sẽ điều chỉnh trực tiếp đến thị trường bất động sản, chống tình trạng tiền đổ dồn vào mua tích trữ nhà, đẩy giá lên, gây khó cho người thực sự có nhu cầu.

Và, trong tình hình hiện nay, thuế đánh vào nhà có thể tạo được nguồn thu đáng kể, từng bước góp phần thực hiện công bằng xã hội, bù đắp một phần quan trọng về chi phí xây dựng, tu dưỡng cơ sở hạ tầng, hạn chế chênh lệch về thu nhập, đời sống xã hội, phục vụ yêu cầu kiểm kê, kiểm soát, khuyến khích sử dụng nhà tiết kiệm, hợp lý. 

Vì sao ủng hộ thuế nhà ở?

Theo giới chuyên gia, việc đánh thuế nhà ở (thuế tài sản) xuất phát từ nguyên tắc đánh thuế theo lợi ích - người được hưởng lợi nhiều từ Nhà nước phải nộp thuế cao. Bởi nhà đất được bảo tồn, phát triển và sinh lời là nhờ được thừa hưởng rất nhiều lợi ích từ các dịch vụ công cộng của Nhà nước để làm tăng thêm giá trị. Ví dụ, giá trị nhà đất có thể tăng lên do Nhà nước cải tạo, mở rộng điện, đường, trường, trạm không cần có sự đầu tư của chủ sở hữu. 

Năm ưu điểm của thuế nhà ở

1. Nhà ở nằm cố định, không thể di chuyển nên có căn cứ tính thuế ổn định, bảo đảm chống thất thu có hiệu quả.

2. Thuế suất có thể thay đổi trong phạm vi nhất định, không sợ bị ảnh hưởng đến giá cả, tiền vốn, đời sống tuyệt đại bộ phận tầng lớp dân cư.

3. Việc tổ chức quản lý thu thuế tương đối đơn giản.

4. Số thuế tương đối ổn định mặc dù có biến động về việc định giá nhà ở.

5. Thuế nhà ở bảo đảm chống thất thu thuận lợi, với số thu tương đối ổn định. 

Vì vậy, cũng có thể coi thuế nhà ở là một công cụ có hiệu lực phục vụ yêu cầu quản lý của Nhà nước trong hoàn cảnh sở hữu tài sản còn quá chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư. Qua thuế nhà ở, Nhà nước có thể thực hiện việc kiểm kê, kiểm soát, quản lý nhà ở trong xã hội và động viên một phần đóng góp của chủ sở hữu nhà ở có giá trị lớn, có nhiều thu nhập từ tiền cho thuê, chuyển nhượng, góp phần điều hòa thu nhập xã hội, thực hiện nghĩa vụ đóng góp công bằng, khuyến khích sử dụng tài sản nhà ở hợp lý, có hiệu quả.

Kinh nghiệm các nước cho thấy thuế nhà ở rất dễ thu do chủ sở hữu thường muốn công khai đăng ký để được Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu hay quyền sử dụng hợp pháp của mình khi có tranh chấp, kiện tụng… Vấn đề cần được quan tâm là mức đóng góp của chủ sở hữu nhà ở phải được xây dựng hợp lý, phù hợp, nhất là với nhà ở có giá trị lớn khiến người nộp thuế phải bỏ ra nhiều tiền.

Và, thuế nhà ở còn phục vụ yêu cầu điều chỉnh mối quan hệ hợp lý giữa tiêu dùng, đầu tư và tiết kiệm trong đời sống xã hội. Việc đánh thuế vào nhà ở sẽ góp phần hạn chế ý thích muốn tích lũy bằng nhà đất, khuyến khích tăng tiêu dùng hoặc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chủ trương kích cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Với những lý lẽ đó, việc nghiên cứu ban hành thuế nhà ở là cần thiết, nhằm phát huy tác dụng bổ sung cho thuế đánh vào thu nhập, đánh vào tiêu dùng trong hệ thống chính sách thuế. 

Vì sao phản đối?

Thuế nhà ở nhắm vào một số tầng lớp dân cư giàu có nên dễ được sự đồng tình, ủng hộ của đại bộ phận quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến không ủng hộ loại thuế này. Bởi nhà ở (tài sản) được hình thành trong quá trình tích lũy thu nhập đã từng bị đánh thuế thu nhập, khi mua sắm người mua đã phải chịu thuế tiêu dùng nằm trong giá trị (như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt…). Cho nên, nếu thu thuế nhà ở thì người sở hữu sẽ phải chịu hai lần thuế, tức là thuế chồng thuế.

Việc đánh thuế trên tài sản cất giữ là nhà ở, không tạo ra thu nhập mới, vô hình trung đã mang tính tước đoạt một phần tài sản của chủ sở hữu. Nếu xây dựng thuế suất cao thì sau một thời gian dài, có thể coi như chủ sở hữu không còn nắm giữ được tài sản đã có là nhà ở (nhà ở là tài sản của cá nhân được chuyển dần sang tài sản của nhà nước).

Có ý kiến còn lo ngại thuế nhà ở có thể gây ra những tác động không tốt về hiệu quả kinh tế. Vì, nếu thuế suất không hợp lý sẽ làm nản lòng các chủ sở hữu trong việc mạnh dạn, hăng hái lao động, tạo ra nhiều thu nhập để mua sắm nhà cửa. 

Bốn lý do Quốc hội không thông Luật thuế nhà, đất

1. Nhà là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Trước khi có được số tiền xây dựng nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ thuế và trong quá trình xây dựng nhà ở, người dân phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng, thi công xây dựng. Việc đánh thuế nhà sẽ dẫn đến thuế chồng lên thuế.

2. Trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thêm một sắc thuế có thể sẽ gây tâm lý không đồng thuận.

3. Trên thực tế, việc kiểm soát diện tích, đánh giá giá trị nhà để tính thuế là vấn đề phức tạp, trong khi các điều kiện thực hiện lại chưa sẵn sàng.

4. Theo Hiến pháp thì công dân có quyền sở hữu nhà ở, có quyền xây dựng nhà ở; Luật nhà ở cũng quy định công dân có quyền có chỗ ở thông qua việc tạo lập nhà ở hợp pháp hoặc thông qua việc thuê, mượn, ở nhờ nhà ở theo quy định của pháp luật. Vì vậy phải hết sức cân nhắc khi đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. 

Quang Chung 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3174 khách Trực tuyến

Quảng cáo