TP HCM muốn ủy quyền cho UBND các quận, huyện thực hiện việc phê duyệt dự toán kinh phí sửa chữa và kinh phí kiểm định; ban hành văn bản thông báo kết quả kiểm định cho chủ sở hữu nhà chung cư; phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới thay thế chung cư cũ; công nhận chủ đầu tư; chấp thuận, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt phương án di dời, bố trí tạm cư và phương án cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp; ban hành Quyết định chấp thuận đầu tư dự án.
Hiện trên địa bàn TP HCM, có khá nhiều chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 nay đã xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Mạnh Cường)
Bên cạnh đó, đối với các công việc thuộc thẩm quyền của các Sở, ngành sẽ phân công cho các quận, huyện thực hiện như: ban hành văn bản kết luận kiểm định; tổ chức thẩm định và phê duyệt phương án phá dỡ nhà chung cư do chủ đầu tư tổ chức lập; điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu 1/2000; thẩm định và phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật, giao thông; thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công; cấp phép xây dựng...
Về chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc, UBND các quận, huyện sẽ chủ động thực hiện quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch cho các vị trí chung cư cũ, để đảm bảo dự án triển khai hiệu quả khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm xây dựng tiêu chí về việc điều chỉnh chỉ tiêu tại các vị trí chung cư cũ cũng như việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 để UBND các quận-huyện thực hiện.
Tránh kéo dài việc thỏa thuận bồi thường, thành phố kiến nghị không áp dụng thực hiện phương thức bồi thường mà thực hiện phương thức tái định cư (tại chỗ hoặc nơi khác) theo nguyên tắc: nhà đầu tư được nhà nước lựa chọn làm chủ đầu tư có trách nhiệm ứng vốn để quận, huyện chi trả tiền tạm cư cho các hộ dân; thực hiện đầu tư xây dựng và bàn giao quỹ nhà tái định cư cho UBND quận, huyện để tổ chức bố trí tái định cư tại chung cư xây dựng mới.
Chủ đầu tư không trực tiếp thực hiện việc tái định cư cho người dân. Quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu và chủ sử dụng hợp pháp nhà chung cư được bảo toàn trước, trong và sau khi di dời, tạm cư và tái định cư.
Ngoài ra, trong kiến nghị cũng đề cập đến tiêu chuẩn căn hộ tái định cư phải có diện tích tối thiểu bằng 1,1 lần so với diện tích căn hộ cũ và người dân không phải đóng thêm bất kỳ khoản tiền nào.
“Trường hợp căn hộ được bố trí tái định cư có diện tích nhỏ hơn 25m2 thì được bố trí căn hộ có diện tích tối thiểu là 25m2”, kiến nghị nêu rõ.
Theo lý giải, vì đây là phần hỗ trợ riêng cho các đối tượng có nhà ở nhỏ hơn mức tối thiểu của nhà ở xã hội, các hộ có diện tích căn hộ nhà ở tái định cư lớn hơn mức tiêu chuẩn tối thiểu của nhà ở xã hội thì không được hỗ trợ.
Đặc biệt, trong phần kiến nghị có nêu lên trường hợp có nhu cầu chính đáng, đó là hộ gia đình có nhiều nhân khẩu thì được xem xét, giải quyết cho thuê mua hoặc thuê nhà ở xã hội.
Nếu trường hợp đã ký hợp đồng bố trí nhà ở tái định cư, nhưng người dân không có nhu cầu ở tại chung cư xây dựng mới thì vẫn được bán căn hộ tái định cư theo hình thức chuyển nhượng căn hộ hình thành trong tương lai. Hay trong trường hợp chưa ký hợp đồng bố trí nhà ở tái định cư, nhưng người dân muốn nhận tiền tại thời điểm di dời thì được thanh toán khoản tiền tương đương với giá trị căn hộ được tái định cư...
(Báo Xây dựng)
- Starlake Hà Nội, khi mặt bằng giai đoạn 1 đã xong
- TPHCM bắt đầu xây nhà ga ngầm Bến Thành
- Đổi mới tách thửa tại TP.HCM
- Cocobay Đà Nẵng được bán nhà hình thành trong tương lai
- "Góc khuất" trong hoạt động đấu giá đất đai
- Đã đến lúc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế?
- TPHCM xây Bến xe miền Tây mới ở khu Nam Sài Gòn
- Định giá đất thấp: Lợi cho cổ phần hoá nhưng tiếp tay cho lợi ích nhóm
- Bình Dương khởi đầu xây dựng đô thị thông minh
- Tập đoàn Nam Cường đầu tư 400 tỷ xây công viên tại Hà Đông