Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Định giá đất thấp: Lợi cho cổ phần hoá nhưng tiếp tay cho lợi ích nhóm

Định giá đất thấp: Lợi cho cổ phần hoá nhưng tiếp tay cho lợi ích nhóm

Viết email In

Việc định giá đất thấp, thậm chí bằng không khi cổ phần hóa đã làm thất thoát tài sản nhà nước, tuy nhiên nhiều DN cho rằng đây là việc làm phù hợp giúp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng như giúp các đơn vị này làm ăn hiệu quả hơn.

Cách đây không lâu, Công ty TNHH MTV Sách Việt Nam (Savina) đã thực hiện IPO vào cuối tháng 3/2016. Phiên đấu giá thu hút 243 nhà đầu tư, trong đó có 3 nhà đầu tư tổ chức tham gia với khối lượng đặt mua gấp 1,8 lần khối lượng chào bán 16,7 triệu cổ phiếu. Kết quả chỉ có 74 nhà đầu tư trúng giá 13.072 đồng/cổ phần và thu về cho Nhà nước 219 tỷ đồng.  

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Trọng Tuấn – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sách Việt Nam (Savina) thừa nhận, sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của Savina đã tăng từ 68 tỷ đồng lên 679 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, Savina đã vực dậy phần nào doanh nghiệp (DN) và phần còn lại DN này tiếp tục triển khai dự án Trung tâm Văn hóa và Dịch vụ thương mại Savina Plaza trên khu đất 4.600 m2 tại số 22A-22B phố Hai Bà Trưng. Ông Tuấn chia sẻ thêm, trong dài hạn Công ty sẽ phát triển các dự án đầu tư tại các vị trí đất đang sử dụng như Dịch Vọng, Đông Anh, Hàng Bài… 


Công ty Thống Nhất đã mở rộng kinh doanh thêm bất động sản 

Một DN khác là Công ty TNHH MTV Thống Nhất, sau nhiều năm kinh doanh cầm chừng với việc sản xuất xe đạp, sau cổ phần hóa Công ty Thống Nhất đã mở rộng kinh doanh thêm bất động sản bao gồm cho thuê tòa nhà văn phòng, căn hộ…Thống Nhất hiện đang quản lý 6 khu đất dưới hình thức thuê đất, với diện tích lên tới 30.000 m2 tại Hà Nội. 

Hai DN trên chỉ là một phần nhỏ trong số các DN làm ăn hiệu quả hơn sau khi cổ phần hóa. Lý giải điều này, ông Nguyễn Minh Ngọc – Giám đốc Tư vấn Tài chính DN cho rằng, giai đoạn trước khi Nghị định 187/2004 về việc chuyển công ty nhà nước thành CTCP ra đời, đất thuê hàng năm được tính vào giá trị DN (theo giá thị trường) khiến giá trị DN đội lên rất nhiều, có đơn vị tăng tới 20 lần vì có nhiều đất, bản thân lãnh đạo DN còn không tự tin có thể làm ra kết quả kinh doanh lớn như vậy, trong khi người muốn mua cổ phần thì nghi ngại không dám đầu tư… khiến công tác cổ phần hóa DNNN rất chậm chạp.

Theo ông Ngọc, sau khi Nghị định 187/2004 ra đời, tiếp theo là Nghị định số 59/2011/NĐ-CP quy định đất trả tiền hàng năm không tính vào giá trị DN thì tiến độ cổ phần hóa được đẩy mạnh. Như vậy, so với quá khứ thì hiện nay, chúng ta đã thực hiện cổ phần hóa được rất nhiều DNNN.

Đặt lên bàn cân giữa ôm đống đất để duy trì DNNN èo uột, không thu được thuế, không đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động với bỏ đi quyền khai thác trước mắt và buộc DN phải hoạt động theo cơ chế khác, mang lại giá trị thu lâu dài, tạo lợi nhuận cho cổ đông, thu nhập người lao động cao lên, bản thân tôi cho rằng hoán đổi giá trị đất đai thu dần bằng thuế là hợp lý. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi 3 bên: Với DN, tổng động viên được nguồn vốn trong nền kinh tế vào hoạt động SXKD, vòng quay tài sản tốt, mang về lợi tức cho các nhà đầu tư. Nhà nước cũng nhờ đó mà thu được các loại thuế cho ngân sách. Đâu đó cũng có lợi ích nhóm song quy định như thế là cần thiết và phù hợp để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa hiện rất trì trệ” – ông Ngọc khẳng định.

Nhưng tiếp tay lợi ích nhóm

GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, giá trị của đất đai khi đưa vào cổ phần hóa DNNN từng được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau và có cách tiếp cận rất khác nhau. Xác định theo bảng giá thì tạo lợi ích cho DN, tạo đà cho DN sau cổ phần hóa có vốn liếng mà phát triển. Nhưng cổ phần hóa phải sòng phẳng, đưa giá trị đất về đúng giá trị thật trên thị trường để tránh được tiêu cực từ chuyện lợi dụng sự chênh lệch giá đất, làm lệch lạc mục tiêu phát triển DN. Nhưng nếu đã tính sát giá thị trường thì DN không được lợi gì cả, hiệu quả sản xuất kinh doanh sau khi cổ phần hóa phải do chính hoạt động sản xuất kinh doanh tự tạo ra.

Định giá theo thị trường có nghĩa là sát với tình hình thị trường. Nếu Nhà nước muốn cổ phần hóa nhanh để lấy tiền đầu tư vào việc khác thì cũng có thể cho giảm giá đất đi so với giá thị trường coi như chi phí cơ hội” – ông Võ khẳng định.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Trí phân tích, sau hàng chục năm hoạt động, rất ít DNNN sản xuất kinh doanh có lãi dựa trên khả năng sản xuất kinh doanh của chính DN; bên cạnh đó đa số vẫn sử dụng công nghệ rất lạc hậu so với sự phát triển của thế giới; sản phẩm làm ra chất lượng thấp, giá thành sản xuất cao, không đủ sức cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước; dư nợ quá lớn dẫn đến vốn chủ sở hữu gần như bị âm hoặc không đáng kể.

Tuy nhiên, khi cổ phần hóa, các DNNN đang làm ăn thua lỗ này vẫn tạo được sự “tranh mua” cổ phần vì đã giúp nhà đầu tư thu được lợi nhuận ngay sau khi mua cổ phần DNNN thực hiện cổ phần hóa. Nguyên do là tại thời điểm cổ phần hóa, các DN này là chủ sử dụng của hàng triệu mét vuông đất.

Như vậy, rõ ràng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư khi tham gia mua cổ phần DNNN cổ phần hóa chủ yếu là do sự phát sinh giá trị thặng dư của quyền sử dụng đất trước và sau khi cổ phần hóa. Và, vì giá trị thặng dư của quyền sử dụng đất mà nhà đầu tư thu được này quá lớn, nên với nhà đầu tư thì giá trị thặng dư của quyền sử dụng đất chính là “lực hấp dẫn”, còn đối với Nhà nước thì đây lại là “lỗ hổng” làm phát sinh lợi ích nhóm, phát sinh tiêu cực, dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước.

Câu chuyện giá trị đất đai trong cổ phần hóa DNNN luôn có sức nóng cao, chưa bao giờ có thể hạ nhiệt. Đây cũng có thể coi là tình trạng phổ biến diễn ra ở hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa cũ đang chuyển đổi cơ chế kinh tế từ bao cấp sang thị trường. Để bịt các kẽ hở về giá trị, chúng ta cần kiện toàn hệ thống pháp luật về định giá đất, kể cả đất thuê, điều mà Luật Đất đai 2013 chưa vượt qua được. Thứ nữa, cần nâng cao cả chất lượng và đạo đức của hệ thống định giá viên” – ông Trí cho biết.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất bổ sung vào Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về các tổ chức tư vấn định giá trong nước, nước ngoài được phép đăng ký cung cấp dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Nếu đề xuất này được thông qua, các tổ chức nước ngoài sẽ có cơ hội tham gia vào công việc khá nhạy cảm này để đảm bảo công bằng. 

Linh Vân 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1559 khách Trực tuyến

Quảng cáo