Chính phủ vừa có chỉ đạo phải đấu giá công khai, minh bạch khi giao đất, cho thuê đất. Đây là động thái quyết liệt khi tình trạng tiếp tay cho các “quân xanh, quân đỏ” đang ngày một lộng hành trong hoạt động đấu giá đất đai hiện nay.
Sau hơn 1 tuần tham gia đấu giá một khu đất vàng trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội), một doanh nghiệp triển khai hàng loạt dự án nhà ở xã hội trên địa bàn cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng bởi quá trình đấu giá không suôn sẻ như ông nghĩ.
Luật Đấu giá tài sản đang được người dân kỳ vọng sẽ minh bạch hóa hoạt động đấu giá đất đai
Trao đổi với phóng viên, doanh nghiệp này cho biết, là 1 trong 65 người nộp hồ sơ đăng ký mua lô đất ở Vạn Phúc có giá khởi điểm 68 triệu đồng/m2. “Tuy nhiên khi đến địa điểm tham gia đấu giá thì bị chặn lại và ép không được tham gia đấu giá. Tôi rất bức xúc vì nhóm người này quá liều lĩnh và đe dọa trắng trợn nhưng vì sự an toàn nên buộc tôi phải rút lui”.
Còn tại TP HCM, trước đây các nhà đầu tư “giành giật” nhau để có được khu đất vàng nhưng gần đây họ tỏ ra không còn mặn mà nữa.
Một nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT TP HCM tiết lộ, năm ngoái đơn vị đã tổ chức bán đấu giá 28 khu đất vàng trên địa bàn thành phố với tổng diện tích gần 855.000 m2. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ đấu giá thành công bốn khu đất với tổng diện tích hơn 9.5000 m2. Ngoài ra còn có ba khu đất được tổ chức đấu giá nhưng không có khách hàng đăng ký tham gia. Hỏi ra thì nhiều DN cho biết: “Có đăng ký thì miếng đất đó chưa chắc đã đến tay mình”.
Trên thực tế, còn rất nhiều góc khuất trong đấu giá đất. Chuyên gia kinh tế Đặng Hùng Võ chỉ rõ sự nhũng nhiễu về “quân xanh quân đỏ” khi chính quyền chỉ cung cấp thông tin cho một tổ chức nào đó, rồi tổ chức đó sẽ là “quân xanh”, chính quyền là “quân đỏ” sau đó ém thông tin để thắng. Đây là hình thức mang tính gian dối về mặt thông tin, để tránh cạnh tranh trong đấu giá.
Cũng theo ông Võ: “Cơ quan nhà nước cấp trên thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra thì có thể mở đường cho người dân tham gia vào giám sát. Theo đó, người dân có thể quan sát và phản ánh qua đường dây nóng. Nếu có can thiệp hoặc thấy không minh bạch họ có thể quay phim chụp ảnh để phản ánh cho thực tế”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay kinh doanh đấu giá ở Việt Nam chưa được ban hành Luật riêng mà chủ yếu được quy định tại Mục 2 Chương VI Luật Thương mại 2005 và được coi như là một giao dịch dân sự nên được điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự 2005, Nghị định 17/2010/NĐ-CP và các Nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, chính bản thân những quy định về đấu giá từ các nguồn văn bản pháp luật trên cũng có sự mâu thuẫn gây khó khăn cho người áp dụng.
Mới đây, Quốc hội cũng đang lấy ý kiến để ban hành Luật đấu giá tài sản. Góp ý cho Dự luật này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân đề nghị: “Nhằm hạn chế người tham gia đấu giá cũng cần bổ sung quy định trong trường hợp chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá, chấp nhận giá là trường hợp đấu giá không thành”.
Sau rất nhiều năm dựa trên khung pháp lý là Nghị định và các thông tư hướng dẫn, việc xây dựng và ban hành Luật Đấu giá tài sản đang được người dân kỳ vọng sẽ minh bạch hóa hoạt động đấu giá đất đai, hạn chế tối đa các tiêu cực đã và sẽ nảy sinh trong thực tế.
Lưu Vân
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
- Thành phố Hồ Chí Minh tìm vốn đầu tư tuyến metro số 5 giai đoạn 2
- Starlake Hà Nội, khi mặt bằng giai đoạn 1 đã xong
- TPHCM bắt đầu xây nhà ga ngầm Bến Thành
- Đổi mới tách thửa tại TP.HCM
- Cocobay Đà Nẵng được bán nhà hình thành trong tương lai
- Cải tạo, xây dựng chung cư cũ: TP HCM có nhiều kiến nghị mới
- Đã đến lúc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế?
- TPHCM xây Bến xe miền Tây mới ở khu Nam Sài Gòn
- Định giá đất thấp: Lợi cho cổ phần hoá nhưng tiếp tay cho lợi ích nhóm
- Bình Dương khởi đầu xây dựng đô thị thông minh