Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Hạn chế địa phương vay lại vốn ODA

Hạn chế địa phương vay lại vốn ODA

Viết email In

Từ 15/6/2017, các địa phương muốn vay lại vốn ODA để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng một số điều kiện khắt khe hơn của Chính phủ. 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định (52) về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (ODA) đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Theo đó, UBND cấp tỉnh chỉ được vay lại từ nguồn vốn vay ODA khi có dự án được cấp có thẩm quyền cho phép huy động vốn vay để thực hiện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội hoặc dự án có phần vốn góp của ngân sách địa phương theo phương thức hợp tác công tư, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương; và dự án được bố trí vốn đối ứng.  


Nhiều dự án hạ tầng ở các tỉnh, thành có sử dụng vốn ODA.
Ảnh: internet 

Tổng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại thời điểm thẩm định chủ trương đầu tư chương trình, dự án không vượt quá hạn mức dư nợ của ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; không có nợ vay lại của Chính phủ quá hạn trên 180 ngày; và nghĩa vụ trả nợ hàng năm của UBND cấp tỉnh đối với các khoản vay lại vốn ODA không vượt quá 10% nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp tại thời điểm xem xét khoản vay lại. 

Đáng chú ý là nghị định quy định chi tiết tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA đối với các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất (quy định hiện hành không quy định).

Cụ thể, địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 10% vốn vay ODA; địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70% áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 20% vốn vay ODA; địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50% áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA.

Đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương thì áp dụng tỷ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA. Nhưng riêng Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ vay lại vốn vay ODA là 80%.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định tỷ lệ vay lại vốn vay ODA sử dụng làm phần đóng góp của địa phương trong các dự án hợp tác công tư (PPP) là 70%.

Và, theo nghị định, nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi theo lãi suất trong hạn, phí thu xếp vốn, phí quản lý phải theo quy định tại thỏa thuận vay ký với bên nước ngoài. Còn đối với các nghĩa vụ trả nợ bao gồm phí cam kết, lãi phạt chậm trả, phí trả nợ trước hạn và các chi phí khác phát sinh tính trên toàn bộ số vốn vay ODA, vay ưu đãi được tiếp nhận, UBND cấp tỉnh bố trí từ nguồn ngân sách địa phương để trả. 

Đặc biệt, nghị định cũng quy định rõ, trong giai đoạn 2017-2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính phải công bố tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất trước ngày 15/6/2017. 

* Riêng việc sử dụng vốn vay ODA thuộc chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của Luật đầu tư công theo cơ chế ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương, vay vốn khẩn cấp đối phó với thiên tai, thảm họa không thuộc phạm vi nghị định này. 

Quang Chung 
(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2567 khách Trực tuyến

Quảng cáo