Nguồn vốn tín dụng từ Trung Quốc tương tự như các khoản tín dụng xuất khẩu, là khoản vay có điều kiện, tức chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Hơn nữa, lãi suất các khoản vay này cũng kém ưu đãi hơn so với các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.
Do đó, trong Báo cáo định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025 gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc trong thời gian tới.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông đến nay chưa thể đi vào khai thác. (Ảnh: Báo Hà Nội Mới)
Theo Bộ KH&ĐT, vốn vay từ Trung Quốc có lãi suất 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%; thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm. Các khoản tín dụng ưu đãi được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Trong khi nguồn vốn vay tại các quốc gia khác chỉ khoảng 0-2% và ít điều kiện hơn.
Ví dụ, nguồn vốn vay từ Hàn Quốc có lãi suất dao động từ 0% đến 2% tùy theo điều kiện đấu thầu. Lãi suất 0% áp dụng đấu thầu giữa các công ty Hàn Quốc; lãi suất 2% áp dụng đối với các dự án đấu thầu giữa các công ty Hàn Quốc và Việt Nam. Thời gian vay từ 25-40 năm, thời gian ân hạn từ 7-10 năm.
Bộ KH&ĐT cho rằng, tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp sử dụng cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc cũng thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng vốn đầu tư… ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư.
Ví dụ cụ thể là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đã tăng vốn gấp 5 lần so với dự toán ban đầu (từ 8.769 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng).
Do đó, trong giai đoạn 2018-2020, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc.
Trong giai đoạn 2016-2017, Trung Quốc đứng thứ 5 trong số các quốc gia cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi cho Việt Nam, sau WB, JICA, ADB…, đạt khoảng 281,38 triệu đô la Mỹ. Trong đó, khoản vay ưu đãi chiếm tỉ trọng lớn, gần 90%.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết thực tế hơn 84 tỉ đô la vốn ODA. Dư nợ nước ngoài của Chính phủ tính đến 2017 đã lên tới 45,8 tỉ đô la, tỉ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm khoảng 20,52% GDP và tỉ lệ ODA giải ngân/nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm 7,9%.
Riêng trong giai đoạn 2016-2017, tổng số vốn vay ODA đã ký kết của Việt Nam khoảng 6.800 triệu đô la Mỹ.
Thùy Dung
(TBKTSG)
- Đà Nẵng: Đất trung tâm không còn dành cho sản xuất
- Đường sắt đô thị: vũng lầy có đáy?
- “Nguồn lực vàng” đang bị lãng phí
- Vi phạm đất đai Hà Nội: Sở và địa phương báo chênh nhau 200 dự án
- Hà Nội sẽ công khai 47 dự án vi phạm Luật đất đai, sắp thu hồi
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận lần đầu về dự án Luật Kiến trúc
- Đà Nẵng: Khu công nghiệp thành khu đô thị
- Vì sao Bộ Tài chính đề xuất dừng đổi đất lấy hạ tầng?
- Đề nghị Hà Nội rà soát việc đổi hàng trăm ha đất lấy 5 tuyến đường
- Quảng Nam: Nhiều bất cập liên quan đến quản lý quy hoạch sử dụng đất