Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Phản biện Để vốn ODA không còn là “chùm khế ngọt”

Để vốn ODA không còn là “chùm khế ngọt”

Viết email In

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Theo đó, UBND cấp tỉnh được vay lại từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi khi đáp ứng các điều kiện có dự án được cấp có thẩm quyền cho phép huy động vốn vay để thực hiện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội hoặc dự án có phần vốn góp của ngân sách địa phương theo phương thức hợp tác công tư, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Luật Đầu tư công. 


Theo quy định mới, các khoản vay lại vốn ODA, vay ưu đãi không vượt quá 10% nguồn thu ngân sách địa phương. Đối với một tỉnh như Bình Dương có thể được tiếp cận khoản vay lên tới khoảng 700 triệu đô la Mỹ trả trong 10 năm.
(Ảnh: Mai Lương) 

Tốt trên lý thuyết

Có thể nói rằng sự ra đời của nghị định này là một nỗ lực của Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng coi vốn ODA, vốn vay ưu đãi Chính phủ là “chùm khế ngọt” với các địa phương, và nhiều cá nhân liên đới. Do vốn ODA và vốn vay ưu đãi Chính phủ từ trước đến nay chủ yếu được phân bổ theo kiểu xin cho, cấp phát nên địa phương nào “giỏi xin” thì sẽ được cho mà không nhất thiết phải gắn với hiệu quả kinh tế xã hội của đồng vốn được sử dụng, và cũng không nhất thiết phải gắn với trách nhiệm trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến thất thoát, lãng phí, sử dụng không hiệu quả các nguồn vốn vay này. 

Từ thực tế trên, đã có một số đề xuất Chính phủ cho vay lại các nguồn vốn ưu đãi này thay vì cấp phát.

Việc cho vay lại được cho là sẽ buộc người sử dụng vốn vay - UBND các tỉnh có trách nhiệm hơn với đồng vốn mà họ đi vay về. Vì là vốn vay lại chứ không phải là được “cho không” như trước đây nên họ trở nên có trách nhiệm hơn với “tiền của người khác”, trước khi vay phải cân nhắc nguồn và khả năng trả nợ, đồng thời sẽ phải gánh chịu hậu quả khi không trả được nợ.

Lý thuyết là như vậy. Và rõ ràng là Nghị định 52 đã đi theo hướng này khi có các điều khoản quy định về điều kiện được vay lại, tỷ lệ cho vay lại, trách nhiệm trả nợ, và xử lý rủi ro (khi UBND tỉnh không trả được nợ).

Nhưng thực tế có thể vẫn... còn lỗ hổng

Chính phủ liệu có những biện pháp xử lý, trừng phạt nghiêm khắc gì nếu một địa phương nào đó “vỡ nợ” vốn vay lại? 

Nghị định 52 về bản chất vẫn là cơ chế xin cho, vẫn còn lỗ hổng, dễ bề bị lợi dụng.

Theo nghị định này, để được vay lại vốn ưu đãi, ngoài việc phải có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép huy động vốn, và được bố trí vốn đối ứng, địa phương đó còn không được có dư nợ vượt quá hạn mức dư nợ của ngân sách địa phương, không có nợ vay lại của Chính phủ quá hạn, và nghĩa vụ trả nợ hàng năm đối với vốn vay lại ưu đãi không vượt quá 10% nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Như vậy, với các địa phương đáp ứng được các điều kiện về dư nợ trong hạn mức, không có nợ quá hạn, và nghĩa vụ trả nợ hàng năm chưa vượt mức, dù hiện tại có thể là họ chưa hoặc không có (nhiều) dự án để được hưởng vốn vay lại ưu đãi thì họ sẽ “vẽ” ra cho đủ số các dự án loại này một cách không khó khăn gì, vì cơ quan “có thẩm quyền” như nêu chung chung trong Nghị định 52 hoàn toàn có thể là “người nhà” cả.
Điều quan trọng ở đây là tâm lý nếu đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi thì chẳng tội gì không “vẽ” ra dự án để “xin” được tiền về cái đã, còn thực tế ra sao thì... tính sau, vốn là điều chẳng còn lạ lẫm gì ở Việt Nam qua hàng loạt vụ án kinh tế đình đám liên quan đến vốn Chính phủ vay nước ngoài về giao, cho các doanh nghiệp nhà nước vay lại.

Và cũng vì đã được quy định rõ ràng trong nghị định trên nên việc “xin” tiền càng trở nên đơn giản hơn so với trước đây, vì các bộ hữu trách không còn lý do gì để không phê duyệt khi mọi điều kiện để cho vay lại đều được đáp ứng đầy đủ trên giấy tờ.

Tiếp theo, Nghị định 52 chưa đề cập đến một vấn đề quan trọng là quy định chỉ một số trường hợp hữu hạn nào đó thì Chính phủ mới đứng ra đàm phán với các đối tác nước ngoài để vay vốn và cho các UBND tỉnh vay lại. Với các điều kiện để được vay lại vốn vay nước ngoài chung chung, đại trà như nêu trong nghị định thì rất có khả năng là mọi dự án của UBND tỉnh sẽ là đối tượng được hưởng nguồn vốn vay lại ưu đãi này, miễn là địa phương đó thỏa mãn được các điều kiện chung chung này.

Điều này không chỉ dẫn đến hậu quả nguồn vốn ưu đãi tiếp tục bị dàn trải, Chính phủ phải luôn chạy theo nhu cầu vay lại vốn ngày càng tăng lên của các địa phương cả nước. Trong trường hợp Chính phủ không đáp ứng nổi nhu cầu vay lại này (mà chắc chắn là vậy) thì lại dẫn đến chế độ phân phối vốn như trước đây dựa trên quan hệ xin cho, và/hoặc tỉnh nào, dự án nào “nhanh chân” và khéo “quan hệ” thì sẽ xin được vốn.

Đối với những dự án, địa phương “chậm chân” hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện để vay lại vốn ưu đãi thì đây là một thiệt thòi, ngáng trở lớn (và trong dài hạn) nếu họ muốn phát triển, muốn vươn lên thông qua các dự án mà hoàn toàn có thể là tốt, có hiệu quả, nhưng không thực hiện được chỉ vì không tiếp cận được vốn (ưu đãi), một phần do vốn này đã bị hút về các địa phương, dự án khác. 

Tiền vay mình hưởng, trả nợ là việc của người khác!

Đến đây, sẽ có nhiều người lập luận rằng chuyện địa phương “thích” vay lại vốn dù không thực sự cần thiết sẽ là khó xảy ra vì địa phương phải tính đến chuyện trả nợ, sẽ phải chịu hậu quả, trách nhiệm khi không trả được nợ (đúng hạn). Điều này như đã nói, chỉ đúng trên lý thuyết.

Khác với vay nợ tư nhân, nơi người đi vay phải thế chấp tài sản hoặc tín chấp, bảo lãnh (bằng uy tín của bản thân hay bằng tài sản và/hoặc uy tín của người khác), UBND các tỉnh vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ không cần bảo lãnh. Cá nhân vay nợ có thể “xù” nợ nhưng gánh nặng trả nợ và hậu quả sẽ còn theo họ suốt nên đôi khi việc không trả nợ chỉ là cực chẳng đã.

Trong khi đó, mang tiếng là UBND tỉnh vay nhưng đằng sau đó là một số cá nhân liên đới điều khiển và họ mới chính là những đối tượng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi vay được vốn. Quan trọng hơn, các cá nhân này làm việc theo nhiệm kỳ nên với họ, cứ vay (và hưởng lợi) đi đã, còn việc có trả được nợ hay không, bao giờ trả được nợ, ai và giải quyết thế nào với những hậu quả sau này khi không trả được nợ... là việc của tập thể, của cả địa phương, hoặc ít ra thì là của những người kế nhiệm họ. Và cứ như những gì đang diễn ra hiện nay thì quá lắm những người này chỉ bị cách những chức vụ trong quá khứ có liên quan đến việc vay lại vốn ưu đãi.

Hơn nữa, xử lý cá nhân thì còn dễ, nhưng sẽ không dễ nếu xử lý cả một địa phương. Chính phủ liệu có những biện pháp xử lý, trừng phạt nghiêm khắc gì nếu một địa phương nào đó “vỡ nợ” vốn vay lại? 

Phan Minh Ngọc 
(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...