Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Dấu ấn REE trong hành trình “thoát hiểm” của VSH

Dấu ấn REE trong hành trình “thoát hiểm” của VSH

Viết email In

Trong thời gian Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) vướng vào vụ kiện với nhà thầu Trung Quốc, hàng loạt cổ đông lớn lần lượt thoái vốn, tuy nhiên REE đã không bỏ rơi VSH.

Tòa Án nhân dân thành phố Hà Nội vừa có quyết định về việc hủy hoàn toàn phán quyết ngày 10/4/2019 của Hội đồng Trọng tài, buộc VSH phải bồi thường số tiền hơn 2.163 tỉ đồng cho tổ hợp nhà thầu gồm Viện thiết kế Hydro China Huadong và Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18 Trung Quốc. Việc VSH “thoát” khỏi nguy cơ bồi thường hơn 2.000 tỉ đồng lần này được xem là có sự hỗ trợ lớn từ Công ty CP Cơ Điện lạnh REE.


Bà Nguyễn Thị Mai Thanh là nhân tố quan trọng giúp VSH thoát hiểm.
(Ảnh: Forbes Việt Nam)

Thuỷ điện Thượng Kon Tum, đây là một trong những dự án lớn trọng điểm của quốc gia, do VSH làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 7.408 tỉ đồng. Dự án được khởi công vào năm 2009, thiết kế xây dựng trên sông Đắk Nghé (nhánh chính thượng nguồn sông Sê San) với quy mô công suất lắp máy 220 MW, sản lượng điện hàng năm dự kiến đạt 1,094 tỉ kW.

Cú “lội ngược dòng”

Năm 2010, VSH và tổ hợp nhà thầu Trung Quốc ký hợp đồng xây dựng hạng mục Tuyến năng lượng của dự án Thủy điện Thượng Kon tum. Phía nhà thầu sau đó đã dừng công việc vì cho rằng chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Ngược lại, phía VSH cho rằng nhà thầu vi phạm nghiêm trọng hợp đồng do chậm trễ thi công.

Đến ngày 23/8/2014, tổ hợp nhà thầu Trung Quốc đã gửi đơn kiện VSH lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đề nghị phân xử các nội dung liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng. VSH cũng đã có hồ sơ tự bảo vệ và đơn gửi VIAC đề nghị phân xử về việc nhà thầu Trung Quốc vi phạm hợp đồng.

Trong phán quyết ngày 10/4/2019, VIAC đã tuyên buộc VSH phải thanh toán và bồi thường cho tổ hợp nhà thầu Trung Quốc số tiền 2.163 tỉ đồng.

Ngày 2/5/2019, VSH đã nộp hồ sơ đến tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam yêu cầu hủy phán quyết của Hội đồng trọng tài buộc VSH phải bồi thường cho Tổ hợp nhà thầu Hoa Đông với tổng giá trị 2.163 tỉ đồng.

Trong quá trình vụ kiện diễn VSH đã chứng kiến hàng loạt cổ đông lớn thoái vốn khiến doanh nghiệp này cũng mấy phen chao đảo. SCIC là cổ đông lớn đầu tiên “mở đường” lui khi công khai chào bán cạnh tranh 49,5 triệu CP VSH, tương đương 24% vốn điều lệ VSH vào tháng 11/2016. Giao dịch này cũng được ghi nhận là có giá trị nhất trong năm 2016 của SCIC.

Trong năm 2018 kế hoạch thoái vốn khỏi VSH của các cổ đông lớn cũng rậm rịch diễn ra. Bước vào năm 2019 các kế hoạch này cũng đã được thực hiện khi Công ty TNHH Hoàn Mỹ đã hoàn tất bán ra gần 14 triệu cổ phiếu, tương ứng 6.75% vốn VSH và không còn là cổ đông lớn. Tiếp đó Perfetto bán 14,17% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành VSH. Gần đây, cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 30% cổ phần VSH là Genco 3 cũng lên phương án thoái vốn.

Trong khi hàng loạt cổ đông lớn “tháo chạy” thì REE không chỉ  mua vào 19,2% và trở thành cổ đồng lớn của VSH tại thời điểm cuối năm 2016 mà tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 21% vào cuối tháng 9/2019, đồng thời chịu trách nhiệm giải quyết luôn vụ kiện tụng tại Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum.

Khi nhận chuyển nhượng cổ phiếu từ SCIC bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE cho rằng, phía Trung Quốc có khả năng thắng kiện khá cao nhưng REE cũng quyết tâm không chịu thua vì đã tìm ra được các chứng cứ mới để lập luận nhà thầu này đã có những vi phạm pháp luật khi đầu tư tại Việt Nam. Kết quả VSH “thoát hiểm” sau 3 năm theo đuổi vụ kiện.

Tiếng thở phào của REE

Đây không phải “cuộc chiến” duy nhất mà REE phải đối mặt khi tham gia vào HĐQT của VSH. Là doanh nghiệp chiếm tỷ trọng đầu tư lớn nhất trong kế hoạch M&A thủy điện của REE, nhưng VSH là miếng ngon khó nhằn nhất khi gặp rắc rối cả bên ngoài lẫn bên trong ngay từ thời điểm đầu tham gia.

Trong tổng số vốn 1.232 tỉ giải ngân đầu tư thì REE đã giành đến khoảng 674 tỉ cho việc mua cổ chiếm 54,7% tổng vốn đầu tư. Những gì REE đã làm trong gần nửa năm đầu tham gia khi ra ĐHĐCĐ thường niên 2017 của VSH đã bị phủ định sạch sẽ.

Cả 10 nội dung được HĐQT trình tại Đại hội đều bị phủ quyết từ báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán, kết quả sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng 2016, phân phối lợi nhuận 2016, cho đến kế hoạch 2017, hợp đồng tín dụng bổ sung cho dự án Thượng Kon Tum. Ngay cả lựa chọn đơn vị kiểm toán cho năm tài chính 2017, thù lao HĐQT và BKS 2016 và kế hoạch thù lao HĐQT, BKS 2017 cũng không ngoại lệ.


Lợi nhuận của VSH rụt giảm rõ rệt trong quí 3-2019 vì những lùm xùm xoay quanh vụ kiện

Ngay cả việc ông Lê Tuấn Hải, đại diện REE người đã làm thành viên HĐQT công ty từ 6/1/2017 cũng đành thôi nhiệm sau 5 tháng sau khi tỷ lệ nhất trí bầu tại Đại hội chỉ đạt 60,53%, không đủ tỷ lệ thông qua.

Bên cạnh ông Hải, REE cũng tính đưa thêm ông Quách Vĩnh Bình, Phó giám đốc CTCP REE vào HĐQT khi ông Phan Hồng Quân, Thành viên HĐQT độc lập có thư từ nhiệm ngày 25/05/2017. Tuy nhiên, vấn đề này đã bị cổ đông Genco 3 phản đối do ông Bình là người có liên quan đến cổ đông lớn REE, không đủ tiêu chuẩn là ứng cử viên thành viên HĐTQ độc lập.

Từ diễn biến các kỳ ĐHĐCĐ thường niên VSH có thể thấy một bầu không khí căng thẳng bao trùm, các nhóm cổ đông lớn khác đang cố phủ định và quyết tâm không cho REE thâm nhập sâu vào hoạt động kinh doanh công ty.

Đến nay khi các xung đột trong nội bộ cổ đông lớn đã phần nào hạ nhiệt, cơ cấu cổ đông cũng thoáng hơn khi đã lần lượt thoái vốn khỏi VSH. Sau khi vụ kiện đã được giải quyết có thể REE đã được trút gánh nặng trong 3 năm “nằm gai nếm mật” cùng doanh nghiệp này. Dù tình hình kinh doanh quý 3-2019 của VSH không mấy khả quan nhưng những nỗi lo ngắn hạn đã qua.

Có thể REE sẽ ghi nhận khoản lỗ hợp nhất 48 tỉ đồng từ công ty này trong năm 2020, mức lỗ này là không đáng kể so với dự báo lợi nhuận của REE trong năm 2020. Đồng thời sau khi thoát khỏi vụ kiện cũng kỳ vọng nhà máy Kon Tum sẽ bắt đầu đóng góp cho lợi nhuận của công ty từ năm 2021 trở đi.

Ngày 23/12 tới đây, VSH sẽ tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường báo cáo tiến độ thực hiện dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, cùng kết quả phát hành trái phiếu và kế hoạch huy động vốn cho dự án này. Về việc phát hành trái phiếu của VSH, tính đến nay HĐQT Công ty đã thông qua việc ký kết hợp đồng phát hành 2 đợt trái phiếu với tổng giá trị 300 tỉ đồng cho REE. Động thái này có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho VSH dưới sự dẫn dắt của ông lớn điện lạnh này.

Việt Dũng

(TBKTSG)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2157 khách Trực tuyến

Quảng cáo