Thẩm định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất mà Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất, Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) nhận định: dự kiến tổng mức đầu tư có thể chấp nhận được nhưng tiến độ dự kiến khó khả thi.
Bộ KH&ĐT vừa trình Chính phủ báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong báo cáo, bộ này đã đánh giá về con số gần 11.000 tỉ đồng tổng mức đầu tư cho dự án với nhận định: trong giai đoạn chủ trương đầu tư, phương pháp tính toán và dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư dự án như của ACV có thể chấp nhận được.
Khu vực dự kiến xây dựng nhà ga T3 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM (ảnh: Nhà Đầu tư)
Tuy nhiên, cũng theo bộ này, ở bước lập báo cáo khả thi tiếp theo, ACV cần tiếp tục rà soát quy mô, khối lượng các hạng mục thuộc dự án bảo đảm đúng định mức kinh tế kỹ thuật.
“ACV phải chịu trách nhiệm về nội dung, phương pháp tính toán và sự phù hợp khối lượng và đơn giá áp dụng để xác định tổng mức đầu tư dự án bảo đảm hiệu quả đầu tư”, báo cáo nêu rõ.
Một điểm đáng chú ý trong hồ sơ dự án của ACV là doanh nghiệp này đề xuất thực hiện toàn bộ dự án trong khoảng thời gian 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Cụ thể, sau 12 tháng thực hiện chuẩn bị đầu tư, ACV sẽ triển khai bước đầu tư xây dựng và hoàn tất sau 24 tháng; 1 tháng tiếp theo sẽ dành cho công tác xin cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, dự kiến tiến độ này được Bộ KH&ĐT đánh giá là “khó khả thi vì dự án phải thực hiện các công việc như thi tuyển kiến trúc; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; thiết kế kỹ thuật..., tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng...”.
Bộ KH&ĐT đề nghị ACV rà soát, tính toán cụ thể điều chỉnh phù hợp với thực tế và chịu trách nhiệm việc dự kiến tiến độ thực hiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất do Công ty tư vấn độc lập của Pháp ADPI lập (tư liệu: Ashui.com)
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, diện tích mặt bằng nhà ga khoảng 110.000 m2, mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.670 m, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ hệ thống kỹ thuật, giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mặt, thoát nước thải). Dự án được xây dựng trên diện tích 16,05 ha với tổng vốn đầu tư 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn góp của ACV.
(Chinhphu.VN)
- Hạ tầng kết nối TPHCM: ách tắc tứ phía
- Xây dựng trái phép tràn lan: Khi “chiếc áo pháp luật” đang quá chật
- TPHCM kiểm tra 101 dự án nhà ở ven sông tại 9 quận, huyện
- Sửa Luật Đất đai, giá đất được tính đủ các giá trị tăng thêm
- Đà Nẵng: Đề xuất hủy bỏ các dự án không khả thi sau khi rà soát
- Nâng tổng mức đầu tư sân bay Sa Pa lên hơn 7.000 tỷ đồng
- Đà Nẵng lên tiếng về vụ dự án Cocobay
- Quốc hội: Chính phủ không bảo lãnh vốn cho dự án sân bay Long Thành
- Cocobay 'vỡ trận' cam kết lợi nhuận khủng
- Dấu ấn REE trong hành trình “thoát hiểm” của VSH