Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Những mục tiêu cho giao thông TPHCM trong 5 năm tới

Những mục tiêu cho giao thông TPHCM trong 5 năm tới

Viết email In

Công tác phát triển hạ tầng giao thông đang được TPHCM đặt ra với nhiều mục tiêu như hoàn thành tuyến metro số 1, vành đai 2-3 và mở rộng các tuyến đường nội đô thành phố. Các dự án này sẽ góp phần nâng cao kết nối giao thông thành phố trong 5 năm tới.  

Metro số 1


Công nhân đang lăp đặt thiết bị vận hành cho tuyến metro số 1.
(Ảnh: MH)

Tuyến metro số 1 được khởi công vào năm 2012, dự án ban đầu có tổng mức đầu tư khoảng 17.388 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh lên 43.700 tỉ đồng. Theo thiết kế, dự án dài gần 20 km từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (thành phố Thủ Đức), với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao.

Mỗi đoàn tàu gồm 3 toa, dài 61,5 m và có thể chở 930 khách gồm 147 khách ngồi và 783 khách đứng, có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật; ghế ưu tiên phụ nữ mang thai, người già. Tốc độ tối đa thiết kế là 110km/giờ đoạn trên cao và 80km/giờ đoạn hầm.

Hiện, tuyến metro số 1 đã hoàn thành hơn 90% khối lượng và dự kiến đưa vào khai thác năm 2023.

Đường vành đai 2 – 3 TPHCM

Đường vành đai 2 được quy hoạch từ năm 2007, tổng chiều dài hơn 64 km, tuy nhiên hiện tuyến này còn 14 km chưa khép kín. Tháng 2 vừa qua, TPHCM đã gấp rút tái khởi động lại đường vành đai này.

Theo thiết kế, vành đai 2 tạo thành đường vòng quanh TPHCM bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái (thành phố Thủ Đức), nút giao Gò Dưa (thành phố Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1.


Đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) vừa được mở rộng là một thành phần trong đường vành đai 2.
(Ảnh: Lê Vũ)

Theo kế hoạch khép kín vành đai 2 của TPHCM, từ nay đến cuối năm 2022, hoàn tất giai đoạn tiền khả thi và trình chủ trương đầu tư dự án. Đến năm 2023, tập trung công tác duyệt dự án khả thi, chuẩn bị công tác khảo sát mặt bằng. Cuối năm 2023, dự kiến duyệt dự án khả thi và bắt đầu khởi động công tác giải phóng mặt bằng.

Giai đoạn 2024-2025, bắt đầu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Cố gắng tìm cơ chế triển khai song song công tác giải phóng mặt bằng để có thể cuối năm 2024 thì khởi công những gói thầu khép kín vành đai 2. Thi công và hoàn thành trong năm 2026.

Đường vành đai 3 dài 76,34 km với tổng vốn đầu tư 75.378 tỉ đồng đang được TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An phấn đấu khởi công vào tháng 6/2023.

Theo kế hoạch, thời gian thi công dự án là 36 tháng, đặt mục tiêu thông xe toàn tuyến, hoàn thành cơ bản phần cao tốc vào tháng 10/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.

Đường nội đô thành phố


Tuyến đường xung quanh khu vực Tân Sơn Nhất được xúc tiến mở rộng.
(Ảnh: MH)

Dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn với Cộng Hòa (Tân Bình) có chiều dài hơn 4 km, quy mô 6 làn xe, điểm đầu giao đường Trần Quốc Hoàn – đường Phan Thúc Duyện, điểm cuối tuyến giao đường C12 – Cộng Hòa – Trường Chinh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng. Theo Sở GTVT TPHCM, dự kiến đến tháng 11 này dự án được khởi công và hoàn thành vào tháng 9/2023.

Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám dài hơn 783 m, mặt đường rộng 22 m với tổng vốn đầu tư hơn 290 tỉ đồng. Sở GTVT TPHCM cho biết dự kiến tháng 10/2022 dự án được khởi công và hoàn thành sau 6 tháng thi công.

Dự án mở rộng cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (Tân Bình) có tổng mức đầu tư gần 167 tỉ đồng. Theo thiết kế, chiều dài tuyến được mở rộng dài khoảng 134 m, bề rộng mặt đường từ 14-19 m. Dự kiến, dự án được khởi công vào tháng 10/2022 và hoàn thành trong 3 tháng.

Minh Hoàng

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3164 khách Trực tuyến

Quảng cáo