Quốc hội ngày 26/11 đã thông qua Nghị quyết về giai đoạn 1 của Dự án sân bay Long Thành với lưu ý "vốn là của nhà đầu tư, Chính phủ không bảo lãnh". Đồng thời không xem xét việc chỉ định Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án bởi đây là thẩm quyền của Thủ tướng.
Dự án sân bay Long Thành sẽ không sử dụng bảo lãnh Chính phủ. Ảnh: ACV
Theo Chinhphu.vn, chiều 26/11, với hơn 90% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành sẽ gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ, với công suất 25 triệu hành khách một năm và 1,2 triệu tấn hàng hoá mỗi năm.
Nghị quyết được thông qua không có nội dung đề xuất giao là nhà đầu tư, thực hiện dự án như báo cáo nghiên cứu khả thi Chính phủ trình Quốc hội trước đó.
"Việc lựa chọn nhà đầu tư cần đảm bảo quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; cũng như quản lý của Nhà nước về hàng không, quân sự. Vốn đầu tư giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành phải là vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ", Quốc hội lưu ý.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã có báo cáo làm rõ những vấn đề mà đại biểu quan tâm, còn tranh luận. Ông Thanh khẳng định thẩm quyền quyết định đầu tư là của Thủ tướng. Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 gần 111.690 tỷ đồng (khoảng 4,77 tỉ đô la). Với dự án lớn, được Chính phủ trình Quốc hội quyết định từng giai đoạn là phù hợp. Quyết định của Thủ tướng sẽ dựa trên báo cáo của Hội đồng thẩm định quốc gia.
Ông Thanh nhấn mạnh, Quốc hội sẽ giám sát trong quá trình Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định về dự án, để làm rõ hơn nữa tổng mức đầu tư, hiệu quả tài chính của dự án, sử dụng công nghệ, quản lý vận hành, các cơ chế chính sách đặc thù cho dự án. Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm toàn diện các nội dung trình Thủ tướng trước khi quyết định.
Trước băn khoăn việc chọn doanh nghiệp Nhà nước hay tổ chức đấu thầu, đề xuất Chính phủ không cấp bảo lãnh vay vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết dự án sân bay Long Thành liên quan mật thiết đến lợi ích quốc gia. Thẩm quyền chọn nhà đầu tư là của Thủ tướng. Đây là dự án đặc thù, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm bảo quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia. Nghị quyết của Quốc hội sẽ giao Thủ tướng xem xét lựa chọn nhà đầu tư vừa có năng lực tài chính, vừa có kinh nghiệm quản lý vận hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc giải phóng mặt bằng hiện nay là khá chậm. Nguyên nhân chậm chủ yếu do áp giá bồi thường. Do đó, ông cho rằng việc đền bù cần làm công khai, minh bạch, cần có thời gian cho người dân xây dựng nhà ở, cơ sở tôn giáo, hạ tầng trước khi di dời. Đề nghị Chính phủ cần quyết liệt trong triển khai công việc, để bàn giao mặt bằng vào cuối năm 2020.
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được xếp vào dự án quan trọng quốc gia, được xác định theo hình thức và phương án đầu tư cho từng dự án thành phần. Tổng mức đầu tư khi hoàn thành là 16 tỉ đô la (theo đơn giá khái toán năm 2014) cho 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; (ii) Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 01 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 01 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm; (iii) Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự án đầu tư giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng hai tuyến đường giao thông kết nối số 1 và số 2 vào sân bay. Tổng mức đầu tư được xác định cho các hạng mục đầu tư cụ thể. Trong đó, các công trình phục vụ quản lý bay: 138 triệu đô la, các công trình thiết yếu: 3,844 tỉ đô la... Riêng đối với hạng mục 4b, đây là các công trình dịch vụ sẽ thực hiện xã hội hóa đầu tư. Quy mô, thiết kế, tổng mức đầu tư, tiến độ triển khai… sẽ do các nhà đầu tư xã hội hoá đề xuất trên cơ sở nhu cầu thị trường nhằm tối đa hoá hiệu quả đầu tư vì vậy báo cáo nghiên cứu khả thi không đưa hạng mục 4b vào tổng mức đầu tư của dự án. Tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Quốc hội thông qua, khái toán tổng mức đầu tư dự án cũng không bao gồm hạng mục 4b này. Về nguồn vốn, phương án đầu tư: Việc đầu tư tuyến đường số 1 và tuyến số 2 có thể xem xét theo các phương án khác nhau. Song Chính phủ xem đây như một hạng mục không thể tách rời của dự án (phần kéo dài của đường trục chính của cảng hàng không), do ACV chịu trách nhiệm đầu tư đồng bộ cùng các công trình khác trong hạng mục các công trình thiết yếu của cảng. Chi phí đầu tư cho hai tuyến này dự kiến khoảng 4.802 tỉ đồng. Chi phí này đã được đưa vào tổng mức đầu tư dự án được Chính phủ trình Quốc hội là 111.689,6 tỉ đồng, tương đương 4,77 tỉ đô la, không vượt khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đã được Quốc hội thông qua. |
Ngọc Lan
(TBKTSG)
- Sửa Luật Đất đai, giá đất được tính đủ các giá trị tăng thêm
- Đà Nẵng: Đề xuất hủy bỏ các dự án không khả thi sau khi rà soát
- Dự án xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất: tiến độ khó khả thi
- Nâng tổng mức đầu tư sân bay Sa Pa lên hơn 7.000 tỷ đồng
- Đà Nẵng lên tiếng về vụ dự án Cocobay
- Cocobay 'vỡ trận' cam kết lợi nhuận khủng
- Dấu ấn REE trong hành trình “thoát hiểm” của VSH
- Sân bay Long Thành bị chê đắt đỏ, Chính phủ giải trình câu hỏi nóng
- Luật Đất đai 2013 sửa đâu sai đó, đề xuất làm luật mới
- Di dời ga Sài Gòn để kết nối tuyến metro số 2: Mục đích phục vụ giao thông hay kinh doanh bất động sản?