Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Muốn minh bạch phải đấu giá đất

Muốn minh bạch phải đấu giá đất

Viết email In

Đó là thông điệp được Thứ trưởng Bộ TN – MT Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định tại cuộc họp báo cáo Ban chỉ đạo trung ương về tình hình thi hành pháp luật đất đai tại các địa phương và định hướng sửa đổi Luật Đất đai 2003 ngày 23/4, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.

Nhiều bất cập

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, cho đến thời điểm này mới có 50 địa phương hoàn thành báo cáo tổng kết quá trình thi hành Luật Đất đai 2003; 13 tỉnh, thành và 7 bộ, ngành đang tổng hợp để hoàn thiện quá trình tổng kết. Bước đầu của quá trình tổng kết cho thấy, phải đánh giá rất cụ thể về việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước như quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời cần lấy ý kiến sâu rộng khi sửa luật đối với nội dung giao đất, cho thuê đất, giá đất và tăng cường giám sát thi hành luật.

Riêng đối với giá đất, Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, đây là gốc rễ của nhiều vấn đề khác liên quan đến đất đai, vì vậy giá đất phải được công khai, minh bạch và phải được áp dụng đấu giá hiệu quả để xóa bỏ cơ chế xin - cho. Tính hiệu quả trong sử dụng đất đòi hỏi phải được quản lý chặt từ trung ương tới địa phương. Theo đó, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất làm rõ theo hướng cấp nào phê duyệt cấp đó mới được quyền điều chỉnh.

  • Ảnh minh họa : Nhiều khu công nghiệp được xây dựng từ đất trồng lúa (Ảnh: Kỳ Anh)

Bên cạnh đó, còn nhiều bất cập khác cần khắc phục ngay như công tác Quy hoạch sử dụng đất đến 2010 (đề án đã được Quốc hội thông qua) đã được triển khai đồng bộ trên cả nước, tuy nhiên, đến cuối 2010, theo Tổng cục Thống kê, vẫn còn 81/697 huyện chưa hoàn thành (chiếm 11,6%); và 2.406/11.112 xã, phường, thị trấn chưa hoàn thành (chiếm 21,66%). Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến việc quy hoạch để chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích khác chưa được tính toán một cách kỹ lưỡng.

Nhiều địa phương đã sử dụng đất chuyên trồng lúa để xây dựng các khu công nghiệp, trong khi có khả năng sử dụng các loại đất khác, dẫn đến nhiều hộ nông dân thiếu đất hoặc không có đất để sản xuất. Mặt khác, việc quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi được xét duyệt còn bị buông lỏng, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý. Vụ việc tại Đắk Lắk mới đây, sau khi biến hơn 400ha rừng tự nhiên thành nương rẫy, hơn 100 hộ dân đã chặt phá rừng của Lâm trường Buôn Ja Wầm (Xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) để bán đất cho các đầu nậu với giá rẻ là một ví dụ điển hình.

Cần khắc phục cơ chế giao đất

Theo GSTS Đặng Hùng Võ, một trong những bất cập lớn nhất trong Luật Đất đai hiện nay là cơ chế giao đất chưa phù hợp với cơ chế thị trường.  “Về mặt pháp luật, theo quy định thì phải giao đất cho những dự án có tính khả thi cao, phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, giao đất cho nhà đầu tư có năng lực..., nhưng sự thực rất nhiều trường hợp chúng ta đã giao đất cho các nhà đầu tư không có năng lực, biết đấy nhưng có những yếu tố móc ngoặc ở đấy nên vẫn dẫn đến giao đất cho họ, hoặc giao cho một dự án nhiều khi xem xét không đến nơi đến chốn” - ông Võ nói. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng găm giữ đất tại các dự án rồi bỏ hoang hoá như đang xảy ra tại nhiều dự án trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Phòng; Vĩnh Phúc... 

“Giao đất theo cơ chế xin – cho như hiện nay là phải phát huy tính đạo đức của người quản lý, mà việc này rất khó. Theo tôi, đã đến lúc chúng ta không nên dùng cơ chế này nữa, mà nên dùng một cơ chế khác minh bạch hơn như đấu giá đất thì mới có thể loại bỏ được tình trạng các dự án “găm” đất bỏ hoang” - ông Võ nhấn mạnh.

Được biết, theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, trong tháng 5/2011, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ hoàn thiện báo cáo chính thức về việc tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003. Ngoài tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, báo cáo cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp, thành phần xã hội. Sau giai đoạn này, Ban chỉ đạo và Bộ TNMT sẽ chọn ra những vấn đề nổi cộm nhất để tổ chức hội thảo chuyên sâu. Thậm chí, có những vấn đề sau khi tổ chức hội thảo vẫn phải tiếp tục bàn và xin ý kiến ban chỉ đạo, Chính phủ để đảm bảo luật mới tháo gỡ được vướng mắc thực tế và có sức sống lâu hơn.

Minh Nhật

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2497 khách Trực tuyến

Quảng cáo