Ashui.com

Tuesday
Dec 10th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật “Đánh bạc” với dự án 3 tỉ đô

“Đánh bạc” với dự án 3 tỉ đô

Viết email In

Hàng trăm hộ dân xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) đang chờ đổi đời bằng cách cầm cố sổ đỏ, vay mượn lãi suất cao xây nhà chờ dự án nhiệt điện 3 tỉ USD đền bù khi di dời. Họ tin rằng, việc xây xa nhà cửa từ vườn ra ngõ, từ ngõ ra ruộng sẽ đem lại khoản đền bù lớn mà không hiểu rằng đó là việc làm như canh bạc mong manh.

Canh bạc chờ đền bù 

Thôn Vĩnh Sơn chưa thoát được cảnh khổ nghèo vì thế đất loi choi dưới chân núi Hoành Sơn. Làm lụng vất vã nhưng không đủ ăn, nên khi nghe tin có đền bù lớn từ dự án nhiệt điện Quảng Trạch của tập đoàn dầu khí Việt Nam, người làng bổng nhiên nhộn nhạo lên. Họ biến các mảnh vườn cằn cỗi thành nhà cửa đón đợi… đền bù.


Bỏ nông nghiệp và nghề biển, ở nhà xây nhà cửa đợi đền bù (Ảnh: Quốc Nam)

Chỉ chưa đầy mười ngày, Vĩnh Sơn đã mọc lên hàng trăm căn nhà không móng, tường xây không giằng sắt, không trụ đỡ, chằng néo mái cũng không. Hàng trăm căn nhà đó không có người nào dám vào ở vì sợ sập, lung lay trước gió.

Họ xây với tốc độ chóng mặt, và cách xây cũng không giống ai khi có nhà xây một phần xi măng… bảy phần cát. Thậm chí có nhà còn xây với tỷ lệ một xi măng mười cát vì đằng nào cũng bị đập sau đền bù.

Không chỉ Vĩnh Sơn mà làng 19 tháng 5, Thọ Sơn cũng ào ạt xây nhà chóng vánh. Nhà có điều kiện thì bỏ tiền xây, nhà nghèo thì cầm cố sổ đỏ, mua vật liệu về xây cho giống xóm làng đợi đền bù.

Ông Nguyễn Tiến, một người dân cắm sổ đỏ nói: “Tui xây trước mắt là ba căn, mỗi căn hết ba chục triệu, tất cả cắm sổ đỏ hết. Nhưng tui tính rồi, đền bù ít nhất mỗi căn cả trăm triệu, xong xuôi cũng còn vài trăm triệu để sống”.

Cụ Tiến là người mấy năm nay được trợ cấp hộ nghèo. Cuộc sống suốt đời chưa được bữa cơm thịnh soạn đầy đủ thịt cá, nhưng vẫn chấp nhận để sổ đỏ ở ngân hàng thuê thợ xây nhà xiêu vẹo chờ đền bù cho thấy sức hút đổi đời từ dự án 3 tỉ USD là rất lớn. Một canh bạc đối với người có sổ nghèo như ông.

Họ xây từ vườn ra đường làng, rồi khi hết diện tích xây xa, họ “sáng kiến” ra cách xây luôn cả ruộng lúa với tư duy “không đền kiểu này thì cũng đền kiểu kia. Kiểu chi chẳng được đền bù”.

Không đền bù nếu vi phạm


Không một diện tích đất nào bị bỏ không với canh bạc đền bù (Ảnh: Quốc Nam)

Chính quyền địa phương nhìn nhà cửa mọc lên ào ào như “đánh bạc” nhưng không thể kềm toả “độ nóng” ấy, bởi đất trong dân chưa có quyết định thu hồi, trong khi đó tập đoàn dầu khí Việt Nam làm công trình ngang đâu trả tiền đền bù tới đó nên rất khó cho chính quyền xử lý. Xã chỉ mới thống kê được 100 hộ dân không phép xây dựng, số còn lại dân bất hợp tác.

Tuy nhiên, ban đền bù giải toả của UBND huyện Quảng Trạch đã tuyên bố không đền bù cho những căn nhà lấy đất vườn xây xa nhà cửa. Còn ông Đậu Minh Ngọc, chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, xã Quảng Đông đã có báo cáo tình hình, huyện đang rốt ráo ngăn chặn xây nhà trái phép. Huyện đã chỉ đạo xã Quảng Đông về lập biên bản, xử phạt hành chính những hộ vi phạm và yêu cầu các hộ dân đình chỉ ngay xây dựng trái phép. “Chúng tôi cương quyết không đền bù đối với những hộ vi phạm”, ông Ngọc quả quyết. Như vậy, trong "cuộc chơi" với dự án tỉ đô này có lẽ chỉ có chủ vật liệu xây dựng và thợ xây thắng lớn.

Ông Phan Ngọc Duy, phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho hay, huyện đang tổ chức đoàn về làm việc với xã để giải quyết sự việc này. Mặc dù trước đó huyện cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, rồi phối hợp các tổ chức đoàn thể xuống tận dân giải thích, động viên người dân không nên làm như thế và kể cả áp dụng các biện pháp mạnh song hiện người dân vẫn bất chấp để tiếp tục xây dựng nhà trái phép.

Khi được hỏi tại sao người dân lại bất chấp như vậy, ông Ngọc cho rằng, để xảy ra tình trạng nói trên có phần do công tác đền bù giải phóng mặt bằng không đồng bộ. Theo ông Ngọc, tập đoàn Dầu khí Việt Nam thỏa thuận cho tỉnh ứng tiền để đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, việc rót tiền nhỏ giọt của tập đoàn Dầu khí Việt Nam khiến công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.

“Không đủ tiền buộc chúng tôi phải chia ra di dời dân nhiều đợt mà không thể làm đồng loạt cùng lúc khiến tình hình càng thêm rối. Hộ đi trước thắc mắc hộ đi sau được lợi hơn về giá đền bù cũng như diện tích đất cấp tại khu tái định cư nhiều hơn; người chưa đi thì lợi dụng chưa có quyết định thu hồi đất để làm liều” , ông Ngọc nói. Ví dụ, nếu như trước đây các hộ dân di dời đến nơi ở mới chỉ được cấp 250m2 đất ở thì nay những hộ di dời sau lại được cấp 500m2 đất ở; rồi giá đền bù đất, các tài sản trên đất cũng cao hơn nhiều lần so với trước khiến các hộ dân đi rồi không đồng tình...

Quốc Nam

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2912 khách Trực tuyến

Quảng cáo