Mô hình của dự án khu biệt thự resort – du lịch sinh thái biển Lăng Cô. (Ảnh: TL)
Trước thực trạng các chủ đầu tư không tiến hành triển khai dự án sau khi được giao đất, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thu hồi giấy Chứng nhận đầu tư của bốn trong số 44 dự án đã cấp phép. Tuy nhiên, trong tháng 7.2011, khi thanh tra bộ Kế hoạch và đầu tư tiến hành thanh tra công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các dự án đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã phát hiện thêm nhiều dự án được giao đất trên ba năm, nhưng vẫn không triển khai dự án.
Theo kết luận của thanh tra, hầu hết các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Thừa Thiên – Huế đều triển khai cầm chừng, tiến độ xây dựng quá chậm. Một số dự án đã được giao đất từ năm 2007 và năm 2008, nhưng đến nay, chủ đầu tư không triển khai xây dựng các hạng mục của dự án, trong khi đó, các cơ quan chức năng lại không gia hạn tiến độ thực hiện dự án, hoặc thu hồi giấy phép đầu tư theo quy định.
Bộ Kế hoạch và đầu tư đã yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phải xử lý dứt điểm, kể cả việc ra quyết định chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi giấy Chứng nhận đầu tư đối với năm dự án đã được cấp phép đầu tư, nhưng không triển khai xây dựng, đó là dự án: Khu du lịch sinh thái biển Lăng Cô; Khu du lịch nghỉ mát sinh thái biển Diana; Khu biệt thự, du lịch sinh thái Lăng Cô; Khu biệt thự nghỉ dưỡng quốc tế Hoà Bình; Khu liên hiệp nghỉ dưỡng Conic – Lăng Cô. Bên cạnh đó, bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đề nghị tỉnh xem xét, quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư và thu hồi giấy Chứng nhận đầu tư đối với hai dự án: Khu du lịch Thuận An Resort và Khu du lịch nghỉ dưỡng bí ẩn hành hương. |
Trong thời gian tiến hành thanh, kiểm tra việc triển khai các dự án bất động sản du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại Thừa Thiên – Huế, thanh tra bộ Kế hoạch và đầu tư đã kiểm tra 29/40 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có 18 dự án đầu tư đã được giao đất, 11 dự án chưa được giao đất. Trong số 18 dự án đã được giao đất, chỉ có hai dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, bốn dự án mới hoàn thành một phần đưa vào khai thác, bảy dự án đang xây dựng và năm dự án không triển khai xây dựng. Như vậy, đến nay, tổng số vốn các nhà đầu tư thực hiện tại 40 dự án đạt khoảng 1.318 tỉ đồng/30.550 tỉ đồng vốn đăng ký (bằng 4,3%); tổng số diện tích đất mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho các nhà đầu tư là 407,6ha/1.318 tỉ đồng (bằng 30%).
Thanh tra bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã kiến nghị UBND tỉnh xử lý nghiêm những sai sót trong quá trình xem xét cấp giấy Chứng nhận đầu tư, triển khai thực hiện các dự án đầu tư, sớm tạo ra quỹ đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án sử dụng đất nhằm phát huy hiệu quả việc sử dụng đất đai trong lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Tuân Đặng
Tin mới hơn:
- Các dấu hiệu "rửa tiền" trong kinh doanh bất động sản
- Hà Nội tạm dừng cấp đất, xây nhà cho công chức
- Kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án do trượt giá
- Dolphin Plaza trao chìa khóa những căn hộ đầu tiên
- Vụ khách sạn trong công viên: Không đền bù chi phí cơ hội
Tin cũ hơn:
- Hơn 1.000 dự án triển khai trái tinh thần nghị quyết 11
- Tập đoàn Marriott quản lý khách sạn Renaissance Đà Nẵng
- Mạnh dần xu hướng bán lại khu thương mại tại các dự án
- HUD đầu tư khu đô thị 170 ha tại Khánh Hòa
- Sửa Luật Đất đai theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp