Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Doanh nghiệp nhà nước giữ đất làm vốn

Doanh nghiệp nhà nước giữ đất làm vốn

Viết email In

Trong đề án khai thác nguồn lực tài chính đất đai phục vụ cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, vấn đề sắp xếp lại đất đai được đặt lên hàng đầu. Hiện tại, Chính phủ đã cho phép một số tập đoàn sắp xếp lại để tạo nguồn vốn chứ không được đầu tư đất đai.

Trong một báo cáo gửi Chính phủ gần đây, Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính đánh giá, khá nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm giữ nhiều mặt bằng nhưng không sử dụng hết vào mục đích sản xuất kinh doanh và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.


Một khu đất thuộc Vinashin hiện bỏ hoang

Đặc biệt, không ít các doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được kế thừa toàn bộ nhà, đất từ doanh nghiệp cũ đã thực hiện chuyển mục đích, cho thuê lại kiếm lời, cá biệt một số nhà đất bị chiếm dụng hoặc bỏ trống, trong khi đó nhiều tổ chức khác lại không có mặt bằng để sản xuất kinh doanh.

Hồi năm 2007, Chính phủ đã có văn bản chỉ thị việc sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phải tiến hành dứt điểm trong vòng năm năm, tức vào 2011 phải hoàn thành, nhưng đến nay mới có hơn 60% các đơn vị trình phương án sắp xếp.

Văn bản trên còn nói rõ sẽ áp dụng biện pháp chế tài, nếu như cơ quan nào không thực hiện báo cáo sẽ không được phép đầu tư xây dựng thêm, Nhà nước ngừng cấp tiền ngân sách, thủ trưởng bị xử lý theo quy định. Thế nhưng đến nay mọi việc vẫn như cũ.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý công sản cho thấy trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước và cơ sở hoạt động hiện có diện tích 1,5 tỷ m² với tổng giá trị khoảng 594.000 tỷ đồng và hơn 100 nghìn m² nhà. Giá trị nhà đất chiếm 97,2% giá trị tài sản của nhà nước, trong đó riêng giá trị đất chiếm 76,2% tổng giá trị tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp.

Tại một cuộc hội thảo bàn về việc sử dụng đất đai khu vực nhà nước tổ chức hồi tháng 3 vừa qua, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, nhận định phần lớn các khu đất đẹp nhất, đắc địa nhất ở các đô thị đều thuộc về những đơn vị nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty.

Không ít trụ sở bề thế tọa lạc giữa trung tâm nhưng sử dụng không hiệu quả, đất có giá trị thương mại cao lại chuyển qua sử dụng vào các mục đích khác. Đây là hậu quả của sự sắp xếp bất hợp lý do yếu tố lịch sử để lại, nhưng cũng có nguyên nhân từ sự chây lì và không muốn giao trả của các cơ quan.

Điều này đã khiến công cuộc sắp xếp lại đất đai thuộc sở hữu nhà nước diễn ra vô cùng chậm chạp, gây lãng phí lớn cho ngân sách.

Chỉ riêng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước hiện đang quản lý sử dụng khoảng 155 triệu m² đất nhưng nay chỉ mới phê duyệt sắp xếp lại 9 triệu m², chuyển nhượng gần 100.000m²… Theo số liệu chưa đầy đủ, khoản thu từ sắp xếp nhà đất là 24.812 tỷ đồng, riêng đối với các tập đoàn - tổng công ty, số thu từ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trên 15.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn để tái cơ cấu vẫn cố giữ lại đất đai như Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) nắm tới 1.200 hécta chưa sử dụng, không tự giác sắp xếp lại mà còn đề xuất bán để tạo nguồn vốn.

Tổng công ty Lương thực miền Nam có 351 mặt bằng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, các điểm bán lẻ này khi chuyển đổi biến thành nhà ở cán bộ công nhân viên, phần còn lại được cho thuê mượn, lấn chiếm…

Trên thực tế, tại nhiều thành phố lớn, một bộ phận đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã bị sử dụng sai mục đích như cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở, sử dụng để kinh doanh, dịch vụ, thậm chí bỏ trống khi khai thác không hiệu quả... dẫn đến thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Ai cũng thấy rõ một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là tiền thuê đất quá thấp. Theo số liệu của ngành thuế, tiền thu từ thuê đất trong năm 2010 là 3.000 tỷ đồng, nếu chia cho khoảng 200.000 doanh nghiệp thuê đất, thì mỗi đơn vị đóng bình quân 1,5 tỷ đồng/năm.

Nếu tính theo diện tích trên một mét vuông thì bình quân cả nước chỉ thu tiền thuê đất là 2.316 đồng/m². Vậy mà trên thực tế, nhiều doanh nghiệp còn đang đóng mức thấp hơn cả mức này, chỉ từ 800-1.000 đồng/m².

Đã có quá nhiều ưu đãi dành cho “thành phần chủ đạo” làm méo mó thị trường địa ốc và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Doanh nghiệp nhà nước thì lãng phí tài sản toàn dân trong khi doanh nghiệp tư nhân phải thuê mặt bằng giá cao làm đội chi phí sản xuất.

Đây là một hậu quả xấu không chỉ gây thất thoát một nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước mà còn không đảm bảo tính minh bạch của thị trường.

Đứng trước bất hợp lý này, việc sắp xếp lại tình trạng sử dụng đất đai trở nên cấp bách. Theo số liệu của Cục Quản lý công sản, nếu nhìn vào hiện trạng sử dụng nhà đất, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, có thể thấy trong khi diện tích đất thuộc diện phải xử lý, sắp xếp lại lên tới hơn 2,1 tỷ m² thì diện tích thực thu hồi chỉ ở mức hơn 3,3 triệu m², một con số quá lớn được giữ lại để doanh nghiệp và các tổ chức tiếp tục sử dụng. Có thể nói thực chất hiệu quả xử lý, rà soát chuyển đổi đất công sản chưa thuyết phục.

Vậy mà chỉ với 0,5% quỹ đất phải sắp xếp lại trên đây, nguồn thu ngân sách đã lên tới hơn 24.000 tỷ đồng, trong đó riêng số thu từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trên 15.000 tỷ đồng.

Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nguồn thu từ bán và chuyển mục đích sử dụng chỉ ba cơ sở nhà đất của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã đạt trên 1.809 tỉ đồng; còn Tổng công ty Lương thực miền Nam khoản thu này là hơn 700 tỉ đồng...

Quả thật, nếu việc sắp xếp, giải quyết những bất hợp lý về nhà đất khu vực nhà nước được thi hành triệt để thì nguồn vốn từ đất đai sẽ lớn biết chừng nào.

Bộ Tài chính đã từng nêu đích danh nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn để tái cơ cấu và phát triển sản xuất kinh doanh nhưng vẫn cố giữ lại đất đai để làm tài sản.

Bộ này cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để chống thất thu như cần đưa giá đất về sát với giá thị trường, thực hiện đấu giá đất, đồng thời giải pháp quan trọng vẫn là phải rà soát lại cơ chế ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vì với 1,5 tỷ m² đất các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý hiện nay thì riêng khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỷ m², bằng 80% diện tích. Nhưng hiện tại các đơn vị này vẫn đang sử dụng đất dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, mang nặng tính bao cấp.

Minh Trí

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2750 khách Trực tuyến

Quảng cáo