Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại khi tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ do cơ chế chính sách thu hút đầu tư chưa được minh bạch, đặc biệt là với hình thức hợp tác công - tư (PPP).
Đây là vấn đề được các nhà đầu tư nêu ra tại hội thảo về phát triển cơ sở hạ tầng đường bộ Việt Nam, do Hiệp hội các doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức ngày 17/5 tại TPHCM.
Theo số liệu của Vụ Kế hoạch Đầu tư Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong giai đoạn từ 2012 -2015 vẫn còn 107 dự án đầu tư nâng cấp cải tạo đường bộ tại Việt Nam chưa bố trí được nguồn vốn.
Đối với các dự án đường cao tốc, trong tổng số 14 dự án kêu gọi đầu tư từ nay đến năm 2020 thì mới có 6 dự án xác định được nguồn vốn, 8 dự án còn lại chưa xác định được nguồn vốn đều được Bộ GTVT đề xuất đầu tư theo hình thức PPP. Tổng số vốn cho 14 dự án đường cao tốc dự kiến lên đến 370.000 tỉ đồng.
(Ảnh: Anh Quân)
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết, từ nay đến năm 2020, phát triển hạ tầng sẽ được Chính phủ ưu tiên đầu tư, trong đó sẽ thu hút các thành phần kinh tế tham gia theo hình thức PPP.
Tuy nhiên, vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất tại hội thảo là việc đảm bảo quyền lợi cũng như việc chia sẻ rủi ro của nhà nước với nhà đầu tư như thế nào khi đầu tư theo hình thức PPP.
Trả lời các nhà đầu tư, ông Nguyễn Danh Huy, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư Bộ GTVT, cho biết ngoài vấn đề giải phóng mặt bằng do nhà nước thực hiện, nhà đầu tư còn được hưởng các ưu đãi theo quyết định 71/2010/QĐ- TTg về cơ chế thí điểm đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền sử dụng hoặc thuê đất trong thời gian thực hiện dự án; nhà đầu tư còn được quyền mua ngoại tệ để chi trả cho việc thực hiện dự án và đảm bảo cung cấp các dịch vụ công…
Ngoài ra, trước khi chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ gửi hồ sơ chi tiết về dự án nếu nhà đầu tư thấy chưa phù hợp thì có thể đề nghị thêm bớt các điều khoản, sau đó hai bên có thể bàn bạc thống nhất trước đi quyết định đầu tư. Hiện nay, các dự án đầu tư theo hình thức PPP được Bộ GTVT đề xuất đều có đề cập đến việc chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, ông Huy cho biết.
Một số nhà đầu tư cũng tỏ ra lo lắng khi có thông tin một nhà đầu tư BOT đề nghị trả lại dự án trước thời hạn vì việc thu phí không đủ trả nợ và để tránh trường hợp này nhà nước cần đảm bảo những gì để nhà đầu tư không gặp phải trường hợp như vậy.
Giải thích vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức khẳng định các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư chưa hề xảy ra việc nhà đầu tư trả lại dự án trước thời hạn. Đối với các dự án BOT trước khi đi đến thống nhất đầu tư đã có khảo sát lưu lượng xe lưu thông để có tính toán chi phí và đảm bảo quyền lợi giữa hai bên.
Ông Đức cũng cho biết thêm rằng trong thời gian tới Luật Đất đai sẽ được sửa đổi, khi đó sẽ có nhiều điều khoản minh bạch hơn để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là vào lĩnh vực hạ tầng.
Lê Anh
- Hà Nội: Thêm hai cao ốc văn phòng tham gia thị trường
- Quảng Ninh đề nghị thu hồi 2 dự án “rùa” của PVN
- Hướng dẫn mới về chuyển đổi hình thức đầu tư dự án
- Doanh nghiệp nhà nước giữ đất làm vốn
- Lam Sơn Square - Trung tâm thương mại cho thuê như chợ truyền thống
- HUD chào bán hơn 100 căn hộ Văn Quán giá từ 27,5 triệu đồng/m2
- Hà Nội mời góp ý về quy hoạch phân khu đô thị
- Huy động 200 triệu USD cho dự án khu đô thị Tây Hồ Tây
- Phú Mỹ Hưng sắp chào bán biệt thự lâu đài Chateau
- Hà Nội yêu cầu “đổi” nhà thầu dự án Đường 5 kéo dài