Sau 14 năm treo, mới đây tỉnh Quảng Nam quyết định cho phép người dân cơi nới, làm mới nhà cửa trên đất của mình. Người dân hồ hởi ùn ùn động thổ làm nhà, chia khẩu. Câu chuyện đang nóng ở dự án khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn - Quảng Nam).
Được cởi trói, đua nhau làm nhà
Dự án Khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc (nằm giữa Đà Nẵng và Hội An, Quảng Nam) được Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 1999 với diện tích 2.700 héc ta cho đến nay vẫn chỉ là những con đường lầy lội, bãi cỏ bỏ hoang chủ yếu cho bò gặm. Còn 50 ngàn dân trong vùng dự án khổ sở suốt 14 năm nay vì không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa.
Ông Trần Tráng, trưởng thôn Hà Quảng Đông (xã Điện Dương), cho hay, chừng ấy năm, nhiều người sống trong cảnh đất của nhà mình, do ông bà để lại mà cứ phải sống chui lủi. Chính quyền bắt được thì rêu rao xây nhà trái phép để trục lợi!
- Ảnh bên: Một dự án trong khu đô thị đã triển khai cơ sở hạ tầng nhưng vẫn chỉ là nơi dành cho bò (ảnh: Nam Cường)
Theo ông Đặng Hoàng Duy - Trưởng Ban Quản lý Khu đô thị này, từ đầu năm 2013, UBND tỉnh quyết định cho người dân được làm nhà trên đất của mình tại những khu chưa có quy hoạch 1/500 (quy hoạch của nhà đầu tư).
Chỉ trong mấy tháng, Ban Quản lý đã nhận được gần 500 hồ sơ xin cấp và tham mưu cho chính quyền cấp 250 giấy phép xây dựng.
“Không thể cấm người dân được, 14 năm nay họ ca thán quá nhiều. Nếu bây giờ không cho phép sẽ không yên với dân." Đặng Hoàng Duy, Trưởng BQL khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc |
“Không thể cấm người dân được, 14 năm nay họ ca thán quá nhiều. Nếu bây giờ không cho phép sẽ không yên với dân. Thực sự thì họ quá bí bách rồi, họ xây thì bị dẹp bỏ. Hiện chúng tôi đang khảo sát lại quy hoạch, ranh giới để đề nghị cấp hết giấy phép cho dân”.
Nhà anh Nguyễn Văn Tiến (Điện Ngọc) mới xây được hơn tháng, gần hoàn thành phần thô.
“Năm 2003, đúng lúc chuẩn bị làm nhà thì có lệnh quy hoạch, thực chất họ đã cấm trước rồi. Bốn đứa con lớn dần lên, căn nhà cấp 4 ọp ẹp cực kỳ bất tiện. Đề xuất chính quyền mấy lần cho sửa chữa nhưng chịu. Giờ thì phải làm cái thiệt to”, anh Tiến chia sẻ.
Trong xóm, cùng cảnh với anh Tiến là hàng chục hộ khác, hiện cũng đang xây nhà. Chỉ một quãng đường ngắn chưa đầy 100m ở xã Điện Ngọc, đã có 3 ngôi nhà đang được xây mới. Ở sâu trong các thôn xóm, người dân 5 xã là Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông và Điện Nam Bắc (thuộc huyện Điện Bàn) đang như bước vào “mùa” xây dựng với vật liệu ùn ùn đổ về.
Bánh vẽ
Riêng 190 héc ta thuộc dự án Làng Đại học Đà Nẵng nằm trong khu đô thị này, hiện chủ đầu tư là ĐH Đà Nẵng đang có ý kiến ra Bộ GD&ĐT xin Chính phủ cho phép ngừng triển khai. |
Theo Ban Quản lý khu đô thị, trong số 2.700 héc ta quy hoạch có 400 héc ta đất khu công nghiệp (đã triển khai), 600 héc ta giải phóng mặt bằng, số còn lại đang có dân ở. Tại đây có 51 nhà đầu tư “xí phần”, trong đó dự án bất động sản có 23 nhà đầu tư; dự án giáo dục, y tế, xã hội, du lịch có 31 nhà đầu tư.
“23 nhà đầu tư bất động sản, chúng tôi thấy chủ yếu xí phần rồi để đó. Ký quỹ có 30 triệu đồng/héc ta nên họ ký ầm ầm, xí phần. Lỗi cũng thuộc chúng tôi, hồi đó nếu không quá ham mời gọi cho kín chỗ, thẩm định kỹ năng lực thì không đến nỗi. Mới đây, chúng tôi đánh giá lại, hơn 10 “ông” dừng triển khai hẳn rồi. Có cái tỉnh đã thu hồi, có cái xin gia hạn. Chậm nhất đến tháng 9 này mà không triển khai sẽ thu hồi hết” – ông Duy cho biết.
Cũng từ năm 2013, tỉnh Quảng Nam quyết định ai muốn đầu tư phải ký quỹ 500 triệu đồng/héc ta, và cam kết đẩy tiến độ theo từng tháng, quý.
Nam Cường
- Chưa có hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội
- Ký gói thầu 3A dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi
- Đại gia Singapore cùng Becamex phát triển các khu công nghiệp VSIP là ai?
- Chia nhỏ căn hộ: Càng làm càng rối
- TPHCM kêu gọi đầu tư vào Thủ Thiêm
- "Nóng" các ý kiến về thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư
- CBRE: 60% nhà tại các khu đô thị mới Hà Nội chưa có người ở
- Sẽ siết lại hoạt động kinh doanh bất động sản
- TPHCM: Không cho chia nhỏ căn hộ dự án khu trung tâm
- Bộ GTVT công bố xếp hạng các đơn vị tư vấn, nhà thầu năm 2012