Toàn bộ hạng mục dự án đầu tư hạ tầng ưu tiên của thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành đúng thời gian quy định và đúng các mục tiêu ban đầu là nâng cao tính hiệu quả và tính bền vững của các dịch vụ hạ tầng đô thị ở thành phố Đà Nẵng.
Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của thành phố Đà Nẵng. Dự án có tổng mức đầu tư 218,471 triệu USD, trong đó nguồn vốn ưu đãi (IDA) của Ngân hàng Thế giới là 152,438 triệu USD và vốn đối ứng trong nước 66,033 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án từ 25/11/2008-30/6/2013.
Mục tiêu của Dự án là nâng cao tính hiệu quả và tính bền vững của các dịch vụ đô thị ở thành phố Đà Nẵng thông qua việc nâng cấp đô thị, cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường và xây dựng các tuyến đường giao thông chiến lược ở các khu vực đã được lựa chọn và tăng cường thể chế trong hoạch định đầu tư và quản lý các dịch vụ đô thị.
Dự án bao gồm 4 hợp phần: Hợp phần A thực hiện nâng cấp khu vực đô thị, bao gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu thu nhập thấp, khu tái định cư và chương trình cho vay cải tạo nhà ở; Hợp phần B thực hiện cải tạo cơ sở hạ tầng môi trường; Hợp phần C thực hiện xây dựng cầu và đường đô thị; và Hợp phần D sẽ nâng cao năng lực và hỗ trợ thực thi dự án. Các hợp phần của Dự án đã mang lại nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể, Hợp phần A của dự án đã hoàn thành 13 khu thu nhập thấp trên các địa bàn phường của thành phố Đà Nẵng. Tại các khu thu nhập thấp này, Dự án đã đầu tư hơn 30km đường bê tông nhựa, bê tông xi măng, 33,3km đường dây điện chiếu sáng và 565 bộ đèn, 41,4km hệ thống cáp nước, 32,9km hệ thống thoát nước và đấu nối thoát nước, cơ sở hạ tầng xã hội gồm các nhà cộng đồng, trường mẫu giáo và chợ.
Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng 3 khu tái định cư, tổng diện tích 18,3ha. Đầu tư xây dựng 3 chung cư có diện tích sàn xây dựng 18.000m2, một trường học 20 phòng, các khu tái định cư đã cung cấp 212 căn hộ chung cư và 586 lô đất phục vụ tốt cho nhu cầu tái định cư của dự án và đảm bảo cho những người dân bị giải toả của dự án có điều kiện sống tốt hơn nhiều so với chỗ ở trước đây.
Hợp phần B đã hỗ trợ cho thành phố Đà Nẵng quản lý tốt hơn sự xuống cấp về môi trường do sự tăng trưởng dân số và không gian đô thị mở rộng. Đặc biệt là việc cải tạo môi trường sống xung quanh sông Phú Lộc, một điểm nóng về ô nhiễm môi trường của thành phố trong nhiều năm qua.
Sau khi cải tạo, đây là một trong những công trình tiêu biểu của Dự án góp phần thay đổi hoàn toàn diện mạo cảnh quan đô thị của khu vực, giải quyết một cách triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường qua đó nâng cao rõ rệt điều kiện sống, thu nhập và điều kiện kinh tế của người dân trong khu vực.
Ngoài ra, các hạng mục thí điểm đấu nối hộ gia đình, chiến lược quản lý nước thải, mô hình thủy lợi cho hệ thống thoát nước, cải tạo hệ thống thoát nước tại các quận trên địa bàn thành phố...là những nền tảng quan trọng giúp thành phố Đà Nẵng quản lý và triển khai một cách có hiệu quả hệ thống thu gom và xử lý nước thải, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một thành phố môi trường.
Các hạng mục của Hợp phần C nhằm giúp thành phố thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững theo định hướng phát triển của thành phố thông qua việc đầu tư các con đường chiến lược nối liền trung tâm thành phố với các khu vực ven đô thị của thành phố Đà Nẵng.
Trong khi đó, Hợp phần D, đã góp phần đào tạo các khoá chuyên ngành và các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước để phục vụ cho việc phát triển thành phố Đà Nẵng./.
Văn Sơn
- Thủ Thiêm: rục rịch chuyển động
- Thu hút đầu tư ở Thủ Thiêm: cách nào cho hiệu quả
- “Đền bù đúng, đủ cho dân tại khu công nghệ cao Hoà Lạc”
- Hà Nội rà soát hàng loạt dự án khu đô thị
- Ngọt đắng với Centre Point
- Đảo Kim Cương, những căn nhà cấp 4: Giống và khác nhau
- Gói tín dụng chưa chạm nhiều vào tồn kho bất động sản
- “Triệt” xây nhà không phép bằng cấp phép tạm
- 100 nhà đầu tư quan tâm đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết
- Vingroup xây trung tâm tài chính tại Thủ Thiêm