Chiều ngày 25/7, đại diện của hàng trăm khách hàng của dự án xây dựng khu chung cư Usilk City (dự án có vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng, đã nhiều lần chậm tiến độ, nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài - Hà Đông - Hà Nội) đã có buổi gặp gỡ với đại diện công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long - chủ đầu tư dự án để thống nhất thêm về một phương thức khá lạ để giải quyết tình trạnh đình trệ đã kéo dài gần một năm của dự án này.
Đây là một cách thức giải quyết được cả 2 bên thống nhất mà nhiều chuyên gia luật, bất động sản cho rằng, nó khá hợp lý để áp dụng cho nhiều dự án bất động sản khác bị đóng băng ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Ngọc Thành, người được bầu cho nhóm đại diện 637 khách hàng, dự án này gặp nhiều vướng mắc về tiến độ vì dòng tiền vào dự án bị chậm do lỗi cả phía chủ đầu tư và phía khách hàng - nhiều người chậm nộp tiền, và cơ bản do cả hai phía mất niềm tin vào nhau trong thời gian qua. Do đó, để giải quyết, ban đại diện khách hàng đưa ra giải pháp: trong 23 tuần còn lại dự kiến hoàn thành dự án, các khách hàng của Usilk City đều mở tài khoản riêng tại ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) và từ đây, mỗi tuần, khách hàng sẽ nộp vào một tài khoản chung có sự quản lý của một nhóm gồm đại diện chủ đầu tư và 3 đại diện của khách hàng. Sau khi nhóm trên và có sự tham gia của khách hàng dự án đi kiểm tra thực tế, có giám sát kỹ thuật tiến độ thi công theo từng tuần của các đơn vị thi công - bằng văn bản thì khách hàng sẽ đồng ý giải ngân, chuyển tiền đến tài khoản chung để chi cho việc thực hiện dự án.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần Sông Đà -Thăng Long, đánh giá đây là một giải pháp hợp lý của khách hàng, công ty này đã nhất trí cùng thực hiện. Nhưng công ty này cũng đã đề nghị khách hàng ký một bản phụ lục hợp đồng cho việc này và đa số khách hàng của dự án cũng chấp nhận.
“Giải pháp này sẽ đảm bảo dòng tiền vào dự án vẫn được tiếp tục, khắc phục tình trạng dự án bị dở dang, khiến các hạng mục đang đầu tư bị xuống cấp, lãng phí, làm đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Dũng nói.
Theo ban đại diện khách hàng của dự án này, cho đến nay, đến 90% khách hàng đã đồng ý thực hiện theo phương án trên.
Theo ông Nguyễn Hồng Hà, luật sư văn phòng Luật sư Hà Đăng, đây là dạng thỏa thuận về giao dịch dân sự, thể hiện ý chí, mong muốn của các bên để thực hiện hợp đồng, giải quyết được các vấn đề vướng mắc, tồn tại của dự án và không phạm luật. “Tôi cho rằng, những thỏa thuận như thế này, hoàn toàn có thể áp dụng cho nhiều dự án bất động sản có tình trạng vướng mắc, tranh chấp, nghi kỵ giữa 2 bên - chủ đầu tư - khách hàng khác, giống như dự án Usilk City”, ông Hà nói.
Ban đại diện liên lạc của khách hàng dự án Usilk City cho biết, đã có một số nhóm khách hàng, chủ đầu tư của các dự án khác liên hệ để tham khảo, áp dụng phương thức này tại dự án của họ.
Mạnh Quân (SGTT)
- Đảo Kim Cương, những căn nhà cấp 4: Giống và khác nhau
- Gói tín dụng chưa chạm nhiều vào tồn kho bất động sản
- “Triệt” xây nhà không phép bằng cấp phép tạm
- 100 nhà đầu tư quan tâm đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết
- Vingroup xây trung tâm tài chính tại Thủ Thiêm
- Bộ Xây dựng phản hồi về “thông tin trái chiều” của gói 30.000 tỷ
- Hà Nội duyệt “siêu” tổ hợp StarCity Center tại Cầu Giấy
- Điều ít biết về cao ốc 65 tầng Lotte Center Hanoi
- Syrena Việt Nam đầu tư gần 2 tỷ USD cho dự án Ha Long Marina
- Thay đổi lớn trong tính giá bồi thường thu hồi đất tại Hà Nội