Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Nợ đọng xây dựng cơ bản: trung ương giảm, địa phương "rất phức tạp"

Nợ đọng xây dựng cơ bản: trung ương giảm, địa phương "rất phức tạp"

Viết email In

Nợ đọng xây dựng cơ bản của ngân sách chính quyền trung ương đã giảm mạnh nhờ những chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. 

Giảm còn 28.000 tỉ đồng 

Trả lời phỏng vấn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Bộ trưởng Vinh cho biết, hiện nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách trung ương đã giảm xuống còn 28.000 tỉ đồng, giảm đáng kể so với mức hơn 40.000 tỉ đồng tháng 10 vừa qua, 85.000 tỉ đồng cuối năm 2012, và 100.000 tỉ đồng giữa năm 2012 là các thời điểm ông báo cáo trước Quốc hội. 

"Như vậy, nợ đã giảm mạnh. Nhưng đây là nợ xây dựng cơ bản thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương, chứ không tính ngân sách địa phương", ông Vinh nhấn mạnh. 

Lý do nợ giảm mạnh, ông lý giải, là do Chính phủ yêu cầu các chính quyền địa phương dành ưu tiên ngân sách trung ương trả nợ cho các dự án còn nợ đọng, sau đó phân bổ cho các dự án hoàn thành sớm, và cuối cùng mới dành cho các dự án khác.

"Tôi chuẩn bị ký ngân sách năm 2014 theo đúng tinh thần này... Tôi đã báo cáo thủ tướng, anh bố trí sai vốn là tôi cắt, điều cho trả nợ trước", ông nói, và cho biết thêm một số bộ và địa phương đã bị cắt vốn do bố trí vốn cho các dự án không đúng tinh thần của Chính phủ.

Nợ đọng xây dựng có bản, như vậy, đã được cơ bản khắc phục nhờ vào Chỉ thị 1792 của Chính phủ ban hành tháng 10-2011, theo đó, tinh thần cơ bản nhất là lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương phải chịu trách nhiệm nếu cứ ký triển khai dự án đầu tư công mà chưa bố trí được nguồn vốn.

Theo ông Vinh, năm 2012 có tới 95,6% tổng số dự án thuộc nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho địa phương và các bộ là đúng theo tinh thần Chỉ thị 1792. Trong năm 2013, tỷ lệ này lên tới 99,2% dự án. 

Ông cam kết: "Tôi nói đến năm 2015 có thể kiểm soát được vốn đầu tư đúng mục đích là có cơ sở". 

Chưa thể kiểm soát nợ của địa phương 

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận: "Chúng tôi chưa kiểm soát được nợ của chính quyền địa phương vì đã phân cấp rất mạnh, và họ hoàn toàn quyết hết".

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo địa phương thừa nhận tình trạng kiện cáo của doanh nghiệp với nợ của chính quyền đang "rất phức tạp". 

Trong khi đó, vấn đề xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản lại không được Bộ Tài chính đề cập trong cuộc họp tổng kết năm 2013 gần đây.

Bộ này chỉ cho biết, đã từ chối thanh toán khoảng 80 tỉ đồng trong tổng số 223.552 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển năm 2013 do chủ đầu tư đề nghị thanh toán cao hơn giá trúng thầu, hoặc không có trong hợp đồng.

Một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố gần đây cho thấy, tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí như thế nào đối với các dự án công do chính quyền địa phương thực hiện.

Báo cáo nhận xét, bố trí vốn đầu tư công còn dàn trải, thiếu tập trung làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối nguồn vốn. Theo Kiểm toán Nhà nước, các địa phương đến hết năm 2011 còn 7.335 dự án đã có quyết định đầu tư với tổng số vốn 273.469 tỉ đồng nhưng vẫn chưa bố trí được vốn đầu tư.

Đặc biệt tại một số địa phương, nếu tính theo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản bao gồm cả vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ năm 2011 của địa phương thì phải mất nhiều năm địa phương mới đầu tư hết cho các dự án này (chưa bao gồm số vốn phải bố trí cho các dự án dở dang và trả nợ).

Cụ thể, tỉnh Hưng Yên gần 24 năm, Lâm Đồng 19, Nghệ An 9 năm. 

Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư của các địa phương vượt trội khả năng đáp ứng vốn của bản thân, và từ nguồn của ngân sách trung ương, theo Kiểm toán Nhà nước. 

Ví dụ, tỉnh Lai Châu: Vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 33,7% (nhu cầu 2.925 tỉ đồng, phân bổ: 987 tỉ đồng), vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt 19,4% (nhu cầu 3.638 tỉ đồng, phân bổ 707 tỉ đồng); Bình Phước: vốn NSNN đạt 38,4% (nhu cầu 1.859 tỉ đồng, phân bổ 714 tỉ đồng), vốn TPCP đạt 19,3% (nhu cầu 733 tỉ đồng, phân bổ 142 tỷ đồng); Sơn La: vốn NSNN đạt 34,3% (nhu cầu 2.881 tỉ đồng, phân bổ 989 tỉ đồng), vốn TPCP đạt 55,2% (nhu cầu 1.823 tỉ đồng, phân bổ 1.008 tỉ đồng);...

Nhiều dự án được lập kế hoạch không sát thực tế, dẫn đến không sử dụng được. Thành phố Hà Nội có 76 dự án được bố trí 130,7 tỉ đồng không giải ngân được và kế hoạch vốn năm 2011 của các dự án còn tồn 683,8 tỉ đồng; tỉnh Vĩnh Phúc vốn đầu tư còn tồn cuối năm chưa giải ngân 723,2 tỉ đồng./. 

Tư Hoàng (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1927 khách Trực tuyến

Quảng cáo