Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Nhà nước vẫn nợ xây dựng cơ bản tràn lan

Nhà nước vẫn nợ xây dựng cơ bản tràn lan

Viết email In

Trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 16/6/2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, theo Luật Đầu tư công, sau năm 2014, các bộ, ngành trung ương, địa phương không được làm phát sinh nợ đọng cơ bản, và nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.  

Những con số khác nhau

Ông Dũng cho biết, từ ngày 31/12/2014 trở về trước, tổng số nợ xây dựng cơ bản khoảng 11.000 tỉ đồng và Chính phủ đã bố trí đủ vốn để xử lý hết nợ đọng đó. 

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2015, về nguyên tắc, tất cả các khoản đầu tư của trung ương không còn nợ xây dựng cơ bản. “Chúng tôi không có số liệu nào liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản của các bộ, ngành và địa phương. Nếu địa phương nào đang còn nợ đọng xây dựng cơ bản, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và phải tự xử lý, còn phần nợ trung ương đã được bố trí đủ”, ông Dũng khẳng định. 


Tại nhiều dự án thủy điện, doanh nghiệp tham gia xây dựng bị giữ lại số tiền rất lớn, trong đó thủy điện Lai Châu có giá trị giữ lại hiện nay gần 400 tỉ đồng.
(Ảnh: evn.com.vn) 

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như quy định của pháp luật. Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, theo một báo cáo về nợ đọng xây dựng cơ bản, còn 1.111 dự án (hoàn thành từ năm 2005-2014) tồn đọng quyết toán do không đủ hồ sơ quyết toán nên đề nghị hướng dẫn biện pháp xử lý. Báo cáo mà ông Hải dẫn không đề cập đến số nợ cụ thể. Tuy nhiên, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố cuối tuần trước cho biết, số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương và trái phiếu chính phủ đến hết kế hoạch năm 2015 chưa bố trí nguồn thanh toán là gần 14.044 tỉ đồng. 

Ngoài ra, 30/48 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới hơn 7.227 tỉ đồng, các cơ quan trung ương hơn 107 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2015 so với tổng chi đầu tư phát triển năm 2015 của một số địa phương còn lớn. Chẳng hạn, với tỉnh Hà Nam là 786%; Ninh Bình 232%; Bạc Liêu 152%; Hải Phòng 118%. Thậm chí, một số địa phương chưa xây dựng phương án, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Việc Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói ai làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 1/1/2015 sẽ bị xử lý hình sự là nói... theo luật. Nhưng luật sẽ xử lý những ai đây? 

Những con số trên còn lâu mới đúng với thực trạng của các doanh nghiệp xây dựng đang rơi vào cảnh khóc dở mếu dở. Ông Dương Văn Cận, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết theo ước tính của hiệp hội này, con số nợ đọng xây dựng cơ bản phải lên đến 30.000-40.000 tỉ đồng. Có những dự án, gói thầu kéo dài tới 10-12 năm. Có gói thầu của một doanh nghiệp nhỏ, chỉ thi công trong ba năm, nhưng khoản nợ đã lên tới cả trăm tỉ đồng, chiếm 10% giá gói thầu, mặc dù dự án đã quyết toán nhưng nhà thầu vẫn chưa được thanh toán. 

Doanh nghiệp chết đứng

Hơn ai hết, các doanh nghiệp xây dựng là người chịu trận. 

Tổng công ty Sông Đà phản ánh, nhiều dự án mà doanh nghiệp này tham gia xây dựng bị giữ lại số tiền rất lớn. Chẳng hạn, với dự án thủy điện Sơn La, có những giai đoạn giá trị giữ lại khoảng 400 tỉ đồng; thủy điện Lai Châu giá trị giữ lại hiện nay gần 400 tỉ đồng; thủy điện Hủa Na khoảng 80 tỉ đồng. Thủy điện Sơn La khánh thành từ cuối năm 2012, thủy điện Lai Châu khánh thành cuối năm 2016 đến nay vẫn chưa được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. Đặc biệt, dự án đường Hồ Chí Minh khởi công năm 2000, nghiệm thu hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng năm 2006, đến năm 2013 được Bộ Tài chính phê duyệt quyết toán nhưng đến nay nhà thầu này vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán một vài khoản.

“Công nợ của nhà thầu thi công cũng rất lớn dẫn đến thiếu hụt vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh”, doanh nghiệp này phản ánh trong một hội nghị của Bộ Tài chính về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản gần đây.

Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) phản ánh nợ đọng xây dựng của doanh nghiệp này đến 31/12/2014 lên tới 2.346 tỉ đồng, giảm xuống còn 1.182 tỉ đồng vào cuối năm 2015 và 1.185 tỉ đồng vào cuối năm 2016. “Số nợ đọng xây dựng cơ bản đã có xu hướng giảm song vẫn là một con số khá lớn. Nó không chỉ khiến doanh nghiệp trở nên khó khăn mà còn khiến nợ xấu không giải quyết được”, báo cáo của Vinaconex cho biết.

Một báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Quốc hội) vào tháng 3/2016 cho biết, đến thời điểm 31/12/2014, nợ đọng xây dựng cơ bản và vốn ứng trước nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ lên đến gần 86.996 tỉ đồng. Đáng tiếc, đó là bản báo cáo cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội trước, và không được làm rõ thêm. Việc Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói ai làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 1/1/2015 sẽ bị xử lý hình sự là nói... theo luật. Nhưng luật sẽ xử lý những ai đây? 

Tư Giang 
(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1992 khách Trực tuyến

Quảng cáo