Kiểm toán Nhà nước vừa công bố con số nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương cả nước lên đến 91.000 tỉ đồng. Tình trạng này đã khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản, hàng ngàn công nhân mất việc, bị chậm lương...
Chính vì vậy, chỉ trong chín tháng, từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành liên tiếp ba chỉ thị yêu cầu các địa phương phải xử lý dứt điểm nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) với hơn 91.000 tỉ đồng.
Cầu Vĩnh Tuy là một trong những công trình ở Hà Nội chưa hoàn tất việc thanh toán vốn xây dựng cơ bản (Ảnh: Nguyễn Khánh)
Nợ đồng lần
Làm rõ trách nhiệm cá nhân Theo chỉ thị 14 về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh. |
Bộ Tài chính nhận định bản chất của nợ đọng XDCB là “nợ đồng lần”. Nghĩa là nhà nước nợ doanh nghiệp A, doanh nghiệp A lại nợ doanh nghiệp B, rồi các doanh nghiệp lại nợ tiền lương người lao động, tiền vay vốn ngân hàng...
Là một trong những người đầu tiên báo động về con số nợ đọng XDCB của VN đã lên tới gần 100.000 tỉ đồng, TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng chính nợ đọng XDCB sinh ra nợ xấu và gây khó khăn dây chuyền cho cả Nhà nước và doanh nghiệp. Ông Thiên cũng nói có rất nhiều doanh nghiệp đã và đang chờ chết vì chưa thu được khoản nợ này.
Theo báo cáo của Công đoàn Bộ Giao thông vận tải, tính đến hết tháng 6-2013 tổng số nợ tiền lương của người lao động hơn 160 tỉ đồng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... 255 tỉ đồng. Có gần 3.200 người thiếu việc làm trong 98 doanh nghiệp ngành giao thông. Nguyên nhân của tình trạng thiếu việc làm, nợ lương là do các công trình đã thi công xong mà chưa được thanh toán và nhiều công trình bị đình hoãn, giãn tiến độ. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay có hơn 200 công trình chậm thanh toán với số vốn trên 2.000 tỉ đồng.
Đại diện của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) cho biết vài trăm tỉ đồng tiền vốn của doanh nghiệp vẫn nằm ở các công trình chưa được thanh toán, các công trình bị đình hoãn. Có công trình đi vào sử dụng ba năm nay rồi nhưng công ty vẫn chưa được Nhà nước thanh toán xong.
Ông Phạm Đình Hạnh - giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp (TP Vinh, Nghệ An) - than rằng hiện nay Nhà nước đang nợ công ty ông khoảng 40 tỉ đồng. Có một số dự án đã được công ty bàn giao như cầu Tây Nghệ An cả năm nay nhưng vẫn chưa được thanh toán đủ vốn. “Vốn phần lớn là doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng nên việc Nhà nước chậm thanh toán gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp” - ông Hạnh nói.
Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa được công bố, dẫn nguồn từ Bộ Tài chính cho thấy số nợ đọng đầu tư XDCB trên 63 địa phương đến hết năm 2011 là 91.273 tỉ đồng. Đặc biệt có 15/63 địa phương nợ vốn đầu tư XDCB ở mức trên 100% kế hoạch vốn đầu tư XDCB, như Hà Tĩnh 9.696 tỉ đồng, Đồng Tháp 3.335 tỉ đồng, Nghệ An 6.316 tỉ đồng, Bắc Ninh 2.856 tỉ đồng...
- Ảnh bên: 14 địa phương nợ vốn đầu tư XDCB vượt 100% kế hoạch năm 2011 - Nguồn: Kiểm toán Nhà nước (Đồ họa: Như Khanh)
Ngân sách sẽ không trả nợ thay
Từ năm 2012 đến nay không phát sinh nhiều Hơn 91.000 tỉ đồng nợ đọng XDCB tính đến hết năm 2011 được 63 địa phương tập trung xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng. Còn từ năm 2012 đến nay, số nợ đọng hầu như không phát sinh vì theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương chỉ khởi công các dự án trọng điểm, thật sự cần thiết và chỉ sử dụng vốn có trong kế hoạch được giao. |
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, việc chậm quyết toán đã dẫn đến tình trạng nợ đọng XDCB kéo dài, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường vành đai 3 Hà Nội... song cho đến nay vẫn chưa được quyết toán xong. Để xử lý nợ đọng, Bộ Giao thông vận tải vừa ra chỉ thị yêu cầu chủ đầu tư hoặc ban quản lý dự án ngành giao thông có từ ba dự án trở lên lập báo cáo quyết toán chậm hơn sáu tháng sẽ không được giao dự án mới. Còn người đứng đầu ban quản lý dự án hoặc chủ đầu tư sẽ bị xử lý trách nhiệm cá nhân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Hà, vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho biết hiện bộ này đang yêu cầu các tỉnh báo cáo về tình hình nợ đọng XDCB. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng nợ đọng đã giảm, tính đến nay số nợ không đến mức trên 91.000 tỉ đồng. Con số cụ thể là bao nhiêu sau khi địa phương báo cáo mới có thể tổng hợp nhưng theo ông Hà, tiêu chí tính toán nợ đọng XDCB phải là những công trình có trong kế hoạch, đã hoàn thành nhưng chưa được thanh toán. Còn phần chưa được bố trí vốn, doanh nghiệp tự làm thêm rồi chờ ngân sách thanh toán thì không thể coi là nợ của ngân sách được. Với quan điểm như thế, ông Bùi Hà cho rằng ước tính nợ đọng XDCB chỉ ở mức khoảng 30.000-40.000 tỉ đồng.
Để xử lý số vốn mà Nhà nước nợ doanh nghiệp trong XDCB, Bộ Tài chính khẳng định các địa phương phải tự lo trả cho doanh nghiệp chứ ngân sách nhà nước sẽ không trả nợ thay. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng thì mỗi năm, số nợ đọng sẽ được các địa phương thanh toán tối thiểu 30% tổng số nợ để đến năm 2015 thì nợ được xử lý dứt điểm.
Xử lý chưa nghiêm...
Một trong những giải pháp để Nhà nước trả nợ đọng XDCB cho doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sĩ Danh, bộ này đã yêu cầu địa phương chỉ được bố trí vốn cho các dự án mới sau khi đã đảm bảo đủ vốn xử lý nợ đọng. Đối với các địa phương để xảy ra nợ đọng lớn thì không được khởi công mới các dự án, đồng thời phải đình hoãn một số dự án để tập trung xử lý nợ. Bên cạnh đó, để không phát sinh nợ đọng mới, các địa phương phải chấp hành theo đúng chỉ đạo về quản lý đầu tư và xây dựng. Đó là các dự án phải được thực hiện theo đúng mức vốn được giao. Dứt khoát không được làm vượt. Bên cạnh đó, chỉ được tổ chức chọn nhà thầu cho các gói thầu đã được bố trí vốn, không yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thực hiện khi chưa được bố trí vốn.
Một trong những giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp, theo ông Trần Đình Thiên, là chính quyền địa phương cần trả cho doanh nghiệp các khoản nợ doanh nghiệp đã bỏ tiền ra xây dựng nhưng chưa được ngân sách thanh toán. Giải tỏa được khoản này sẽ giúp rất nhiều doanh nghiệp thoát khỏi nợ nần, từ đó vươn lên. Ngân hàng cũng giải tỏa bớt được nợ xấu...
Vị lãnh đạo Vụ Đầu tư cho biết theo kế hoạch, cuối năm nay sẽ công khai danh sách số liệu xử lý nợ đọng XDCB của các địa phương. Nơi nào xử lý chậm trễ, không đảm bảo quy định mức tối thiểu 30% tổng số nợ thì sẽ tự thấy xấu hổ. Vì hiện nay, có một số địa phương chưa triển khai xử lý nợ đọng một cách nghiêm túc./.
(Theo Tuổi Trẻ)
- Nhà thu nhập thấp ở Cần Thơ vẫn “kẹt”
- Hà Nội: điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị tại xã Tiền Phong (Mê Linh)
- Siêu dự án Tây Hồ Tây chậm do “bị động và lúng túng”
- Sửa cách tính tiền sử dụng đất
- Hà Nội duyệt “cơ chế đặc thù” cho hai dự án trọng điểm
- Nam Cường muốn làm chủ đầu tư hai khu đô thị sinh thái Phúc Thọ và Chúc Sơn
- Đường vành đai II (Hà Nội): Mặt đất quyết định trên cao
- Vừa “nới”, vừa “siết” bất động sản có vốn FDI
- Liên danh Hàn Quốc sẽ xây cầu Vàm Cống 271 triệu USD
- Nhà “3 chung” có hợp pháp?