Theo đánh giá của các chuyên gia, tiến độ Dự án BT vành đai II trên cao đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (TP. Hà Nội) sẽ tùy thuộc rất lớn vào khả năng giải phóng mặt bằng, mở rộng tuyến đường mặt đất hiện hữu.
Thêm trục đường chính cho nội đô
Mặc dù hợp đồng BT (văn bản pháp lý cao nhất chưa được ký kết), nhưng có khả năng tới 99% là Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai II (Dự án Đường vành đai II trên cao) đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở sẽ do Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup là nhà đầu tư duy nhất thực hiện.
Với tiềm lực tài chính mạnh, Vingroup vẫn được đánh giá là xứng đáng để UBND TP. Hà Nội trao Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 4.765,5 tỷ đồng này.
Phải di dời, tái định cư tới gần 4.000 hộ, tiến độ Dự án vành đai II phụ thuộc rất lớn vào kết quả giải phóng mặt bằng
Cần phải nói thêm rằng, khi lập thiết kế sơ bộ tuyến đường trên cao này, dư luận từng lo ngại về nguy cơ phải đập bỏ hai cầu vượt Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở, song theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, đường trên cao sẽ vượt qua cầu Vọng hiện tại và tuyến đường sắt số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi).
Tại nút giao Ngã Tư Vọng, đường sẽ kết nối với đường bên dưới bằng 4 nhánh cầu dẫn lên xuống kẹp hai bên cầu chính. Tại nút giao Ngã Tư Sở, đường trên cao sẽ tạm dừng trước nút giao này và kết nối với đường dưới bằng 2 nhánh cầu lên xuống kẹp hai bên cầu chính.
Ước tính, diện tích chiếm dụng của Dự án chỉ khoảng 10 ha, chủ yếu phục vụ xây dựng các nhánh kết nối và hệ thống tường chắn.
Để hoàn vốn đầu tư, UBND TP. Hà Nội cho phép nhà đầu tư được khai thác 96 ha đất tại khu Sài Đồng A (quận Long Biên) và nghiên cứu lập quy hoạch, thực hiện dự án khu đô thị mới trên khu đất này cùng một số lô đất khác, với quy mô 130 ha thuộc đồ án quy hoạch phân khu S1 để thực hiện dự án khác, nhằm thu hồi vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, sau khi hoàn thành (cùng với phần đường đi thấp được mở rộng tới hết chỉ giới quy hoạch), tuyến đường trên cao sẽ góp phần phân bổ và điều tiết nhu cầu giao thông giữa khu vực ngoại thành và nội thành, làm hạn chế ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô.
Những rủi ro ngoài dự án
Không phải ngẫu nhiên mà trong Quyết định số 5159/QĐ - UBND phê duyệt Dự án Đường vành đai II, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, UBND TP. Hà Nội phải dùng từ “dự kiến” khi đề cập tiến độ xây dựng công trình.
Theo ông Nguyễn Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông- vận tải (TEDI) - đơn vị tư vấn lập Dự án, với kết cấu dầm cầu chính là dầm hộp bê tông dự ứng lực liên tục và hệ thống móng, trụ là bê tông cốt thép dựa trên hệ cọc khoan nhồi đường kính 1,5 m, đây là công nghệ tương đối phổ thông trong thi công cầu.
“Với thiết kế này, việc thi công toàn bộ Dự án trong 48 tháng là hoàn toàn vừa sức với các nhà thầu xây dựng trong nước”, ông Sơn cho biết.
Tuy nhiên, với bề rộng bản mặt cầu rộng 19 m, hệ thống trụ cầu đặt ở giữa dải phân cách, với bề rộng đường Vĩnh Tuy, Minh Khai, Trường Chinh hiện hữu từ 8 đến 12 m, Dự án Đường vành đai II đi trên cao chỉ có thể triển khai sau khi UBND TP. Hà Nội hoàn thành việc mở rộng tuyến đường mặt đất hiện hữu từ Vĩnh Tuy về đến Ngã Tư Sở theo đúng chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt.
Thống kê sơ bộ của UBND TP. Hà Nội cho thấy, có tổng cộng 2.357 hộ dân thuộc 4 phường Vĩnh Tuy, Minh Khai, Trương Định và Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) bị thu hồi đất và thực hiện tái định cư phục vụ mở rộng đoạn vành đai II Vĩnh Tuy – Ngã tư Vọng dài 3 km, chiều rộng mặt cắt ngang là 53,5m - 63,5 m. Đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng có quy mô công trình dài 2,5 km với tiêu chuẩn đường phố chính cấp II, bề rộng mặt đường 50m, dự kiến, sẽ có 1.500 hộ phải di chuyển.
“Với tổng số hộ dân phải di dời, tái định cư lên tới gần 4.000 hộ, tiến độ Dự án vành đai II phụ thuộc rất lớn vào công tác giải phóng mặt bằng”, ông Tống Trần Tùng, thành viên Tổ cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT nhận xét.
Được biết, dù đã lựa chọn công nghệ dầm hộp liên tục, ít thâm dụng mặt bằng thi công, nhưng việc triển khai thi công đường trên cao chỉ có thể thực hiện khi công tác giải phóng mặt bằng tuyến mặt đất cơ bản hoàn thành, nếu như Hà Nội không muốn “đóng” toàn bộ tuyến vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.
Anh Minh (báo Đầu tư)
- Siêu dự án Tây Hồ Tây chậm do “bị động và lúng túng”
- Sửa cách tính tiền sử dụng đất
- Hà Nội duyệt “cơ chế đặc thù” cho hai dự án trọng điểm
- 91.000 tỉ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản
- Nam Cường muốn làm chủ đầu tư hai khu đô thị sinh thái Phúc Thọ và Chúc Sơn
- Vừa “nới”, vừa “siết” bất động sản có vốn FDI
- Liên danh Hàn Quốc sẽ xây cầu Vàm Cống 271 triệu USD
- Nhà “3 chung” có hợp pháp?
- Thủ Thiêm sẽ thành trung tâm tài chính lớn nhất châu Á
- TP.HCM yêu cầu hoàn tất gần 300 đồ án quy hoạch