Cùng với việc giao lại cho UBND thành phố Hà Nội dự án khu đô thị Quốc Oai, tập đoàn bất động sản Nam Cường vừa đề nghị Hà Nội cho phép làm chủ đầu tư hai dự án khu đô thị sinh thái khác.
Theo lý giải của doanh nghiệp này, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, nhiều dự án có nguy cơ bị đình trệ, chậm triển khai thì đối với các doanh nghiệp bất động sản, việc cơ cấu lại mục tiêu đầu tư, triển khai các dự án chiến lược phù hợp với nhu cầu của thị trường và định hướng phát triển của địa phương có ý nghĩa sống còn không chỉ với Nam Cường mà là với nhiều doanh nghiệp bất động sản khác.
Phối cảnh khu đô thị sinh thái Chúc Sơn
Với tiềm lực và thương hiệu trong lĩnh vực bất động sản, hiện Nam Cường đang là chủ sở hữu khá nhiều dự án tại các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định và Hà Nội.
Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn vốn và tài chính cho các dự án đảm bảo tiến độ triển khai vẫn luôn là nhiệm vụ “tối cao” đối với lãnh đạo tập đoàn này. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Nam Cường đã ưu tiên nguồn lực cho các dự án trọng điểm tại Hà Nội như khu đô thị mới Cổ Nhuế và khu đô thị mới Dương Nội. Sau hơn hai năm đưa vào triển khai, hàng nghìn căn hộ tại hai khu đô thị nói trên hiện đã được bàn giao cho khách hàng.
Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án khác theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 cũng là mục tiêu quan trọng trong chiến lược của Nam Cường .
Đầu tiên, có thể kể đến dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc - Nam, do Nam Cường làm chủ đầu tư theo hình thức BT. Song song là hai khu đô thị Quốc Oai và Chương Mỹ được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho Nam Cường làm chủ đầu tư theo phương thức BT.
Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính ngày 1/8/2008, các dự án đô thị này đều phải tạm dừng để phục vụ công tác lập quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt, theo quy hoạch chung của Hà Nội mở rộng được Thủ tướng phê duyệt, khu đô thị Quốc Oai nằm trong khu vực hành lang xanh không phát triển đô thị, nên Nam Cường đã làm việc với các sở, ngành và đơn vị liên quan, đề xuất với UBND thành phố Hà Nội giao lại khu đô thị Quốc Oai theo quy định của Nhà nước.
Trên cơ sở đề nghị của Nam Cường, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận về chủ trương và đề nghị tập đoàn báo cáo UBND thành phố nội dung các chi phí chuẩn bị đầu tư dự án để thành phố xem xét, thanh toán cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.
Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường, ông Trần Oanh, cùng với việc báo cáo UBND thành phố Hà Nội để bàn giao lại các dự án không phù hợp quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tập đoàn cũng đã đề xuất được giao các dự án phù hợp với quy hoạch chung để hoàn vốn dự án BT đường trục Bắc Nam, bao gồm khu đô thị sinh thái Phúc Thọ và khu đô thị sinh thái Chúc Sơn.
Hiện UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho Nam Cường được ứng vốn để lập quy hoạch chung, sau khi quy hoạch các khu đô thị được phê duyệt thành phố sẽ cân đối để giao quỹ đất đối ứng cho tập đoàn theo giá trị tuyến đường BT.
Cũng theo lãnh đạo Nam Cường, việc giao lại dự án khu đô thị Quốc Oai không ảnh hưởng đến tài chính nhà đầu tư đã bỏ ra vì toàn bộ chi phí chuẩn bị đầu tư đã được tập đoàn báo cáo UBND thành phố xem xét để thanh toán cho nhà đầu tư.
Hơn nữa, khu đô thị mới Quốc Oai chưa tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng, chính quyền địa phương và người dân vẫn đang quản lý và canh tác.
“Hiện Nam Cường đã làm việc với các đơn vị liên quan để làm các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, quy mô hướng tuyến và điều chỉnh dự án đường trục Bắc Nam để có cơ sở đối ứng các dự án đô thị trên. Mong muốn của Nam Cường là các cơ quan chức năng của Hà Nội cần quan tâm hơn nữa để dự án BT và dự án đối ứng sớm được tiếp tục triển khai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây Thủ đô”, ông Trần Oanh nói./.
Bảo Anh
- Hà Nội: điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị tại xã Tiền Phong (Mê Linh)
- Siêu dự án Tây Hồ Tây chậm do “bị động và lúng túng”
- Sửa cách tính tiền sử dụng đất
- Hà Nội duyệt “cơ chế đặc thù” cho hai dự án trọng điểm
- 91.000 tỉ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản
- Đường vành đai II (Hà Nội): Mặt đất quyết định trên cao
- Vừa “nới”, vừa “siết” bất động sản có vốn FDI
- Liên danh Hàn Quốc sẽ xây cầu Vàm Cống 271 triệu USD
- Nhà “3 chung” có hợp pháp?
- Thủ Thiêm sẽ thành trung tâm tài chính lớn nhất châu Á