Vướng mắc về cách tính và thu nộp tiền sử dụng đất là yếu tố cản trở việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều hộ gia đình hiện nay. Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Tài chính dự kiến trong tháng 10 sẽ trình Chính phủ nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 120/2010.
Theo Bộ Tài chính, cách tính tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 120 là phù hợp với chính sách chung về đất đai và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, một số quy định về thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân chưa thực sự thống nhất giữa những trường hợp sử dụng đất qua từng thời điểm thay đổi chính sách đất đai.
Cách thu phức tạp, mức thu cao
Ngoài ra, quy định thu tiền sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân theo giá đất sát với giá thị trường đối với diện tích đất vượt hạn mức giao đất ở tại địa phương gây phức tạp trong việc xác định thời điểm và mức thu tiền sử dụng đất theo giá đất sát giá thị trường cho từng trường hợp cụ thể.
Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, giá đất thị trường cao gấp nhiều lần giá đất do UBND thành phố quy định khiến mức thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ngoài hạn mức giao đất ở rất cao.
Điều này dẫn đến tình trạng một số hộ gia đình, cá nhân không đủ khả năng tài chính để nộp tiền sử dụng đất, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái như hiện nay.
Do đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đạt được tiến độ đề ra. Đây là lý do khiến số hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn tồn đọng tại Phòng quản lý đất (Cục thuế Tp.HCM) lên đến 6.000 hồ sơ.
Do vậy, trong khi Luật Đất đai chưa được sửa đổi, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép sửa đổi ngay Nghị định số 120/2010/NĐ-CP nhằm khắc phục một số tồn tại này.
Theo dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bổ sung giá đất tính thu tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở theo hai mốc thời gian.
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bổ sung giá đất tính thu tiền sử dụng đất theo hướng giảm nghĩa vụ thu tiền sử dụng đất để gỡ vướng mắc hiện tại nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bổ sung giá đất tính thu tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở theo hai mốc thời gian.
Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ từ ngày 1/1/2005 đến trước ngày 1/3/2011 sẽ nộp tiền sử dụng đất theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định. Trường hợp nộp hồ sơ từ sau ngày 1/3/2011, giá đất thu tiền sử dụng đất được tính theo Bảng giá đất đối với diện tích đất trong hạn mức.
Đối với đất vượt ngoài hạn mức sử dụng, giá đất để tính thu tiền sử dụng đất sẽ được xác định bằng giá đất theo bảng giá đất nhân với hệ số sử dụng giá đất.
Tranh cãi về “trong và ngoài” hạn mức sử dụng
Bộ Tài chính cho biết hệ số sử dụng đất do các tỉnh ban hành và dao động từ 1,1-1,5 lần so với giá đất tại bảng giá đất. Có một số thành phố lớn trước đây có quy định hệ số điều chỉnh giá đất cao tới 3-4 lần bảng giá để thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất vượt hạn mức thì vừa qua cũng đã điều chỉnh giảm xuống còn dưới 2 lần bảng giá.
Theo đánh giá của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), đề xuất này chắc chắn sẽ góp phần tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Mặt khác, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện lại nội dung này theo hướng ngoài việc ưu đãi thu theo giá thấp đối với diện tích trong hạn mức thì đối với trường hợp tách hộ cũng được áp dụng giá đất tại Bảng giá để thu nghĩa vụ tài chính.
Tuy nhiên, cách tách đất trong và ngoài hạn mức cũng nhận được ý kiến không hoàn toàn đồng tình. Ông Trần Hồng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và thống kê đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trong một hội thảo gần đây có nói rằng phải xem lại mục tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Bởi lẽ, mục tiêu chính của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là để nhà nước quản lý còn nếu đặt vấn đề đảm bảo nguồn thu thì chắc chắn không đạt được yêu cầu về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân”, ông Phi nói.
Với phân tích này, ông Phi đề nghị phải xem xét thu ở mức thấp nhất trong điều kiện khả năng chi trả của người dân. Nhà nước nên áp dụng giá đất để tính tiền sử dụng đất theo bảng giá và đặc biệt không phân biệt đất trong hạn mức hay vượt hạn mức sử dụng.
Về vấn đề này, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) giữ quan điểm cần thiết phải có hạn mức sử dụng đất. Hạn mức sử dụng đất giúp đảm bảo công bằng cho những trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 120, Bộ Tài chính cho rằng cần có hạn mức sử dụng đất để phù hợp với quy định về hạn mức giao đất ở quy định tại Luật Đất đai 2003. Đất do dân đang sử dụng, không có giấy tờ thường gồm rất nhiều loại đất có nguồn gốc phức tạp.
Do đó, Nhà nước chỉ ưu đãi thu tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở theo bảng giá đất trên tinh thần hỗ trợ cho người dân có đất xây dựng nhà ở, diện tích đất vượt hạn mức phải chịu nghĩa vụ phải cao hơn.
Lê Hường (Thời báo Kinh tế Việt Nam)
- Công bố sai phạm tại dự án Trường THPT Amsterdam Hà Nội
- Đề xuất táo bạo về đất đai tại Phú Quốc
- Nhà thu nhập thấp ở Cần Thơ vẫn “kẹt”
- Hà Nội: điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị tại xã Tiền Phong (Mê Linh)
- Siêu dự án Tây Hồ Tây chậm do “bị động và lúng túng”
- Hà Nội duyệt “cơ chế đặc thù” cho hai dự án trọng điểm
- 91.000 tỉ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản
- Nam Cường muốn làm chủ đầu tư hai khu đô thị sinh thái Phúc Thọ và Chúc Sơn
- Đường vành đai II (Hà Nội): Mặt đất quyết định trên cao
- Vừa “nới”, vừa “siết” bất động sản có vốn FDI