UBND thành phố Hà Nội vừa chấp thuận áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù đối với hai dự án trọng điểm trên địa bàn.
Trong công văn gửi Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố và UBND quận Tây Hồ ngày 9/9, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh, cho biết, trên cơ sở đề xuất của các bên liên quan, lãnh đạo thành phố đã thảo luận và thống nhất cho phép UBND quận Tây Hồ áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đường Vành đai 2 và dự án cầu Nhật Tân cùng 2 đường dẫn lên cầu trên địa bàn quận.
Dự án cầu Nhật Tân có tổng đầu tư 2.500 tỷ đồng, khởi công từ tháng 3/2011 nhưng đến nay tiến độ đang bị chậm do vướng mặt bằng.
UBND thành phố cũng lưu ý, “chính sách đặc thù” này chỉ áp dụng đối với hai dự án nói trên, các đơn vị chức năng không vận dụng làm căn cứ để đề xuất, áp dụng cho các trường hợp khác.
Trước đó, trong tờ trình liên ngành gửi UBND thành phố, các cơ quan chức năng cho biết, đối với dự án đường Vành đai 2 trên địa bàn quận Tây Hồ, đến ngày 17/9/2012, các cơ quan chức năng đã phê duyệt được 71 phương án bồi thường, hỗ trợ về đất ở cho các hộ dân theo bảng giá đất của thành phố với hệ số K = 1,5.
Tuy nhiên, sau đó thành phố lại có quyết định cho phép điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất đối với dự án này với hệ số là K = 1,8.
Do đó, để đảm bảo tính thống nhất trong chính sách và khuyến khích các hộ dân chấp hành bàn giao mặt bằng, quận Tây Hồ và cơ quan liên ngành đã đề xuất áp dụng hệ số K = 1,8 đối với toàn bộ các hộ dân bị thu hồi đất.
Đối với dự án cầu Nhật Tân, các cơ quan chức năng cũng đề xuất UBND thành phố cho phép áp dụng hệ số K=1,8 đối với tất cả các phương án đã và chưa phê duyệt trong quá trình thu hồi đất.
Cùng với đó, với các hộ gia đình có phát sinh nhân khẩu, cặp vợ chồng sau thời điểm có quyết định thu hồi đất nhưng trước thời điểm phê duyệt phương án, được UBND phương xác nhận đang làm ăn, sinh sống trên địa bàn và không còn chỗ ở nào khác, thì được mua thêm một căn hộ tái định cư với hệ số K = 1,2.
Đối với những hộ dân có diện tích đất được hỗ trợ 10% đơn giá đất ở, thì đề nghị được hỗ trợ 20% đơn giá đất ở cho toàn bộ dự án.
Đặc biệt, với nhưng hộ dân đã được thành phố phê duyệt bán thêm một căn hộ tái định cư tại nhà A1, A2 Phú Thượng, nhưng do dự án này chất lượng thấp, giá bán lại cao, nên đề nghị thành phố hỗ trợ một khoản chênh lệch 2 lần diện tích đất, diện tích sàn căn hộ.
Bảo Anh
- Đề xuất táo bạo về đất đai tại Phú Quốc
- Nhà thu nhập thấp ở Cần Thơ vẫn “kẹt”
- Hà Nội: điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị tại xã Tiền Phong (Mê Linh)
- Siêu dự án Tây Hồ Tây chậm do “bị động và lúng túng”
- Sửa cách tính tiền sử dụng đất
- 91.000 tỉ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản
- Nam Cường muốn làm chủ đầu tư hai khu đô thị sinh thái Phúc Thọ và Chúc Sơn
- Đường vành đai II (Hà Nội): Mặt đất quyết định trên cao
- Vừa “nới”, vừa “siết” bất động sản có vốn FDI
- Liên danh Hàn Quốc sẽ xây cầu Vàm Cống 271 triệu USD