Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Dự án sân bay Long Thành: Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư trả về để bổ sung

Dự án sân bay Long Thành: Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư trả về để bổ sung

Viết email In

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trả Báo cáo đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) chiều ngày 21/3 để tiếp tục sửa đổi, bổ sung các vấn đề trước khi Hội đồng thẩm định nhà nước về dự án báo cáo Thủ tướng.

Giải trình vẫn chưa rõ

Theo kế hoạch, Hội đồng thẩm định nhà nước dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh là chủ tịch hội đồng biểu quyết chiều 21/3 về việc thông qua hay chưa thông qua Báo cáo đầu tư dự án này. Và theo đó sẽ quyết định có đưa dự án ra trình Chính phủ và Quốc hội vào tháng 5 tới hay không.


Mô hình dự án sân bay Long Thành.
(Ảnh: Bộ GTVT)

Dự án sân bay Long Thành đã trình lên Bộ KH-ĐT hồi tháng 8/2013. Với lý do cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tải với công suất tối đa là 25 triệu khách/năm (2016), mà bình quân tăng trưởng bằng đường hàng không mỗi năm thăng 11,5%, Bộ GTVT và ACV quyết định trình ra dự án sân bay mới để tăng cường năng lực vận tải trong nước và quốc tế bằng đường hàng không. Dự án này chia làm ba giai đoạn. Song tại thời điểm hiện tại, ACV mới trình giai đoạn I (2016-2025), hình thành cảng trung chuyển quốc tế có công suất 25 triệu hành khách/năm, đưa vào khai thác hỗ trợ việc quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất.

Tháng 2/2014, Hội đồng thẩm định nhà nước đã ra kết luận yêu cầu ACV phải giải trình thật cụ thể 5 vấn đề chính: (1) Tại sao phải xây dựng sân bay Long Thành mà không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay nâng cấp sân bay Biên Hòa; (2) Quy mô dự án; (3) Giao thông kết nối; (4) Giải phóng mặt bằng và tái định cư; (5) Khái toán tổng mức đầu tư và hiệu quả đầu tư.

Theo lời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại phiên họp thẩm định lần thứ 2 (chiều 21/3) thì đây là dự án đơn lẻ có tổng mức đầu tư giai đoạn lớn nhất tính đến nay (7,8 tỉ đô la Mỹ), quy mô sử dụng đất cũng lớn nhất (hơn 5.000 héc ta) (dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam có tổng mức đầu tư lớn hơn nhưng phân kỳ đầu tư) nên cho dù cần thiết phải sân dựng một sân bay mới vẫn phải rất thận trọng. “Nếu không giải trình rõ thì không thể trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội được, nhất là trong điều kiện khó khăn, eo hẹp về nguồn vốn như hiện nay”, ông nói.

Tổng giám đốc ACV Nguyễn Nguyên Hùng đã gửi đến Hội đồng thẩm định bản giải trình bổ sung dài 40 trang vào 5 vấn đề kể trên nhưng Tổ chuyên gia liên ngành thẩm định dự án và Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện dự án vẫn chưa hài lòng.

Theo lời ông Nguyễn Xuân Tự, Tổ trưởng Tổ thẩm định liên ngành thì báo cáo đầu tư dưới dạng dự án tiền khả thi chưa đánh giá được những tồn tại, thách thức của sân bay Long Thành với chức năng trung chuyển trong điều kiện các cảng hàng không quốc tế có cùng tính chất, quy mô trong khu vực được đầu tư hiện đại, hoạt động ổn định với chất lượng dịch vụ cạnh tranh và chuyên nghiệp hơn. Chủ đầu tư cũng chưa làm rõ được khi sân bay đi vào khai thác thì mục tiêu kết nối giao thông liên vùng thế nào để phối hợp quy hoạch cho hợp lý, nhu cầu và khó khăn trong giải phóng mặt bằng diện tích lớn ra sao.

Tuy nhiên, ông Tự nhấn mạnh là cho dù báo cáo đầu tư và văn bản giải trình đã phân tích đến các phương án huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau: vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tư nhân dưới các hình thức huy động khác nhau song chưa nêu giải pháp huy động vốn cụ thể nên chưa có cơ sở phân tích tính khả thi của phương án huy động vốn. Ông Tự bổ sung do chưa có nghiên cứu sâu về dự báo số lượng hành khách nên mức chuẩn xác trong tính toán doanh thu, tỷ suất hoàn vốn nội bộ các hạng mục là khó.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: "Tiền là khó nhất"

“Việc huy động vốn theo hình thức nào phải có quan điểm rõ ràng” nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê (một trong hai chuyên gia phản biện) nhấn mạnh với Hội đồng thẩm định dự án. Bởi ước toán đầu tư dự án là 7,8 tỉ đô la được lập dựa trên cơ sở chủ yếu suất đầu tư sân bay quy mô tương tự (sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga T2 Nội Bài) mà chưa tách riêng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chưa nêu rõ cơ sở tính toán thì khó có thể nhận định là mức đầu tư dự án lớn như thế có hợp lý hay không.

Cả Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đều yêu cầu chủ đầu tư phải đề xuất được nguồn vốn ở đâu, không thể đề xuất vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn ngân sách chung chung. “Tiền là khó nhất”, ông Thăng nói và nhấn mạnh các nguồn vốn ODA tưởng là rẻ nhưng phải chịu các điều kiện ràng buộc cũng không dễ gì vay để làm hiệu quả được. Muốn thuyết phục được hiệu quả dự án, chủ đầu tư phải tính toán sát hơn. Ông Vinh cũng đồng quan điểm không muốn để lại gánh nặng nợ nần cho con cháu, nên không thể trình ra Chính phủ và Quốc hội những gì không rõ.

“Tôi là người đi lo vốn nên tôi biết”, theo ông Vinh. Kế hoạch vay vốn trung hạn được Bộ KH-ĐT trình ra Chính phủ sắp tới sẽ chịu những sự kiểm soát ngặt nghèo của Luật đầu tư công. Cùng lúc, vốn trái phiếu Chính phủ mà Quốc hội phê duyệt bổ sung hơn 170 ngàn tỉ đồng mới đây cho giai đoạn 2014-2016 đã được chốt, không được bổ sung vốn cho dự án mới.

Với tất cả những yêu cầu này, ông Vinh đề nghị ACV phải khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo đầu tư dự án trong vòng 15 ngày sao cho thuyết phục, hợp lý nhất đề trình Hội đồng thẩm định nhà nước, trước khi Hội đồng trình ra Chính phủ và đi đến quyết định có trình ra Quốc hội vào tháng 5 tới hay không./.

Ngọc Lan


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2337 khách Trực tuyến

Quảng cáo