Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Xử lý chất thải đô thị và khu công nghiệp: Lựa chọn công nghệ nào?

Xử lý chất thải đô thị và khu công nghiệp: Lựa chọn công nghệ nào?

Điều dễ ghi nhận tại hội thảo “Công nghệ xử lý chất thải đô thị và khu công nghiệp do Bộ Xây dựng và Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 28/3 là có khá nhiều công nghệ xử lý chất thải được giới thiệu. Tuy nhiên hiệu quả ứng dụng trên thực tế của các công nghệ này đến đâu lại là câu chuyện khác.

Vẫn là công nghệ lý thuyết

Có thể nói hội thảo đã có được thành công nhất định nếu xét ở khía cạnh không ít công nghệ được trình làng. Đó là các công nghệ xử lý chất thải rắn thành nhiên liệu MBT – CD.08 với 2 dòng sản phẩm dễ nhận biết là viên đốt và gạch không nung của Cty TNHH Thủy lực máy. Đó là công nghệ xử lý nước rỉ rác tại khu xử lý rác Nam Sơn của Cty Kỹ thuật SEEN; công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị bằng phương pháp đốt không dùng nhiên liệu của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ mới và Môi trường; công nghệ xử lý nước thải bằng công nghệ màng sinh học của hãng HydroScience Engineers, Inc; công nghệ xử lý không còn chất thải của Cty TADITS; công nghệ xử lý nước thải và rác sinh họat bằng biện pháp yếm khí tùy nghi của Cty CP Dịch vụ và đầu tư phát triển Việt Ninh…

Trong số các công nghệ được giới thiệu tại hội thảo thì công nghệ của Cty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, nội địa hóa 100% được xem là khá đình đám. Công nghệ này cho phép dây chuyền tách lọc rác thành nhiều dòng khác nhau. Rác hữu cơ, dễ phân huỷ sẽ được chuyển đến dây chuyền xử lý để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ nền sản xuất nông nghiệp. Phế thải dẻo được nghiền thành hạt nhựa tái chế sản xuất các sản phẩm ống nhựa, cọc thông minh, ván coppa… thân thiện với môi trường, phục vụ ngành chế tạo máy, xây dựng, giao thông. Rác hữu cơ khó phân hủy đem đi đốt. Phế thải vô cơ được làm sạch sau đó đóng rắn hoặc làm vật liệu san lấp… Hiện tại, công nghệ của Cty Tâm Sinh Nghĩa với tiêu chí rất thời thượng là tái sinh, tái chế, tái sử dụng, tránh chôn lấp (4T) đang được áp dụng tại Nhà máy xử lý rác Thủy Phương (Thừa Thiên - Huế) và một số nhà máy khác.

Tuy nhiên, trái ngược với sự hào hứng của các doanh nghiệp đang nắm trong tay công nghệ là thái độ dè dặt của những người có trách nhiệm đối với công tác quản lý chất thải các địa phương. Thực ra, sự dè dặt của họ là có lý bởi các công nghệ nói trên tuy được chào là có rất nhiều ưu việt nhưng chúng lại chưa được cụ thể hóa bằng các dự án hoạt động hiệu quả để minh chứng. Thậm chí, một đại diện của Cty môi trường đô thị đã chia sẻ suy nghĩ rằng cho đến nay họ vẫn không thấy công nghệ nào hoàn thiện cả. Vậy nên trong lúc chờ công nghệ hoàn thiện thì họ vẫn chọn phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh mặc dù biết rõ phương pháp này đòi hỏi có quỹ đất lớn và không được Nhà nước khuyến khích…

  • Ảnh bên : Phân loại rác tại nguồn vẫn đang trong giai đoạn thí điểm ở Việt Nam trong khi trên thế giới đó là việc đương nhiên.


Tìm tiếng nói chung

Phát biểu tại hội thảo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đánh giá cao ý nghĩa của công việc xử lý chất thải đối với sự phát triển ổn định, bền vững và chia sẻ nỗi bức xúc đối với công tác quản lý chất thải trên địa bàn của các đại diện chính quyền địa phương, sự tâm huyết trong hành trình tìm kiếm công nghệ xử lý chất thải của các nhà khoa học, các doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là  vì sao các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có công nghệ trong tay rồi, có thể xử lý chất thải ở các quy mô khác nhau nhưng các công nghệ này chưa được nhân rộng trong cuộc sống? Phải chăng giữa nhà quản lý, chính quyền địa phương và nhà đầu tư (doanh nghiệp) chưa có tiếng nói chung?

Bộ trưởng chia sẻ với sự e dè của đại diện chính quyền địa phương: Lâu nay, nhiều doanh nghiệp muốn quảng bá công nghệ nhưng có vẻ họ đi đến tận cùng của sự việc. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị: Các doanh nghiệp có công nghệ trong tay hãy tiến thêm một bước để có những dự án cụ thể, có sự khẳng định hiệu quả cụ thể cho công nghệ của mình. Khi đã chứng minh được hiệu quả của công nghệ, chứng minh lợi ích đem lại cho cộng đồng, cho chính quyền địa phương, khi đó doanh nghiệp có thể thẳng thắn đề xuất với chính quyền đáp ứng các nhu cầu của mình, đề xuất nhà nước cơ chế hỗ trợ…

Bộ trưởng nói: Chăm lo, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở (trong đó bao gồm xử lý chất thải) phục vụ lợi ích cộng đồng là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền địa phương. Nhưng Nhà nước sẽ không bỏ tiền hoàn toàn mà sẽ thực hiện theo nguyên tắc người hưởng dịch vụ phải trả tiền. Do vậy, các địa phương cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Người dân sẽ không chỉ đóng góp bằng tiền với tư cách là người hưởng dịch vụ mà còn tham gia phân loại rác tại nguồn…

Sau cùng, Bộ trưởng đề nghị các địa phương lập quy hoạch chuyên ngành nước thải và rác thải. Trong công tác quản lý chất thải, Nhà nước đi trước một bước bằng quy hoạch.

Quản lý chất thải đô thị ở Việt Nam: Quá  nhiều thách thức

Đây là vấn đề ông Bùi Xuân Đoan - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Xây  dựng - đề cập ngay từ đầu buổi hội thảo. Theo ông Đoan, hiện nay, tình trạng phổ biến trong cả nước là chỉ có một hệ thống thoát nước chung cho cả nước mưa và nước thải. Hơn nữa, hệ thống thoát nước này được xây  dựng từ nhiều năm trước nên đến nay đã cũ. Mức độ bao phủ dịch vụ thoát nước chỉ đạt 60%. Hầu hết nước thải chưa được xử lý trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Tổng công suất trạm xử lý nước thải mới chỉ đạt 265.000m3/ngày đêm, nhỏ hơn 10% nhu cầu. Hệ quả là nguồn nước (bao gồm cả nước mặt và nước ngầm) bị ô nhiễm nghiêm trọng.

  • Ảnh bên : Xử lý chất thải bằng công nghệ tiên tiến (Ảnh: Kiều Minh / VNN)

Tương tự như vậy, ông Đoan có đánh giá không mấy sáng sủa đối với công tác quản lý chất thải rắn (CTR). Mỗi ngày Việt Nam phát sinh khoảng 20.000 tấn CTR (bao gồm CTR sinh hoạt, công nghiệp, y tế…). Tỷ lệ thu gom đạt bình quân 80%. Điều đáng nói là CTR chưa được phân loại tại nguồn, chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp chôn lấp trong khi nhiều bãi chôn lấp lại xây  dựng và vận hành không hợp vệ sinh…

Nhận định về những thách thức đối với lĩnh vực nước thải và rác thải ở Việt Nam, theo ông Đoan đó chính là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng và áp lực nặng nề do gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa cao. Đó là sự thiếu hụt vốn đầu tư xây  dựng. “Có một thực tế là nhà nước có chủ trương xã hội hóa, phát huy khai thác các nguồn lực xã hội và cộng đồng trong công tác quản lý, phát triển hạ tầng cơ sở nhưng đối với lĩnh vực xử lý nước thải thì việc huy động sẽ rất khó khăn. Bởi nếu đầu tư không có lãi, nguồn thu từ phí dịch vụ thấp không đủ bù đắp chi phí thì nhà đầu tư không làm” - Ông Đoan nhấn mạnh.

Những thách thức khác cũng được đề cập là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ tay nghề và kỹ năng quản lý. Nhận thức của chính quyền và cộng đồng còn hạn chế… 


Hải Vũ
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm