Nhìn lại diện mạo đô thị Việt Nam mấy chục năm qua, KTS Nguyễn Trọng Huấn cho rằng, đây không phải là chuyện "vụ việc", mà là mổ xẻ một quá trình. Trách nhiệm thuộc nhiều lớp người, nhiều thế hệ, nhiều cấp độ, về một khái niệm gần đây đang trở nên thông dụng, thậm chí có lúc bị lạm dụng: "Tầm nhìn". Và, phải dứt mình ra khỏi những bức xúc thường nhật, những thành tích vụn vặt dễ ru ngủ, những thiên kiến ý thức hệ, để trong một chừng mực nhất định, hy vọng có được một nhãn thức toàn cảnh về công cuộc đô thị hoá. Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết thể hiện góc nhìn riêng của ông.
Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (ảnh minh họa - xomnhiepanh.com)
Cuộc khảo nghiệm năng lực quy hoạch đô thị
"Paris không mọc lên trong một đêm" là khẩu ngữ quen thuộc, thường dùng để nói về những công việc dài hơi, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, tiền của, tính chuyên nghiệp, sự bền bỉ và cả chút ít tài năng mà hình như quan điểm, nhận thức trong xã hội ta hiện nay còn có những khoảng cách khá xa, thậm chí khác biệt, như xây dựng không gian đô thị. Những gì ta thấy hôm nay, là hệ quả tất yếu của cả một tiến trình lịch sử, không phải chỉ vài mươi năm, mà khúc đoạn trường phải tính bằng cả trăm năm.
Không gian đô thị, bộ mặt đô thị là vấn đề của đất nước, của cả cộng đồng dân tộc. Nhiều lĩnh vực, nhiều phạm trù liên quan, trong đó, con người ở vị trí trung tâm, kể cả... thời trang và phong cách ẩm thực.... Nhưng yếu tố đầu tiên, có tác động quyết định và cần được xem xét chính là chủ quyền quốc gia.
Với mỗi gia đình, mảnh đất hương hỏa mà cha ông để lại cho cháu con đã bị cường quyền cưỡng đoạt thì quyền xây dựng ngôi nhà của mình trên mảnh đất ấy để an cư lạc nghiệp cũng không còn.
Khác với xây dựng một ngôi nhà, xây dựng đô thị nằm trong chuỗi hành động mưu cầu hạnh phúc của một dân tộc trên chính lãnh thổ của mình. Chủ quyền lãnh thổ bị tước đoạt đồng nghĩa với quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó có quyền xây dựng hệ thống đô thị, xây dựng không gian sống theo ý mình cũng bị tước đoạt đồng thời.
Có thể nói, quyền xây dựng hệ thống đô thị của người Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam đã không còn tồn tại từ khi Nhà Nguyễn ký Hoà ước Quý Mùi -1884 (Hoà ước Patenôtre), thừa nhận quyền bảo hộ của thực dân Pháp, chia nước ta ra làm ba kỳ, trở thành ba "xứ thuộc địa" theo ba chế độ cai trị khác nhau trên toàn cõi Liên bang Đông dương.
Dân tộc chúng ta "ở trọ trần gian" từ ngày ấy, dễ gần trăm năm!
Khu vực hồ Gươm xưa (ảnh: Ashui.com)
Vì vậy, khi vấn đề đặt ở tầm "bộ mặt đô thị Việt Nam" với thời lượng quan sát "hơn ba chục năm qua" thì việc đầu tiên nên làm là tìm "một chỗ đứng", chọn "một góc nhìn" và ... "một độ lùi cần thiết". Và cũng phải dứt mình ra khỏi những bức xúc thường nhật, những thành tích vụn vặt dễ ru ngủ, những thiên kiến ý thức hệ, để trong một chừng mực nhất định, hy vọng có được một nhãn thức toàn cảnh về bức tranh rộng lớn, bao trùm không gian và thời gian của công cuộc đô thị hoá.
Không có gì phải băn khoăn khi xác định đô thị hoá là một hoạt động kinh tế - xã hội - văn hoá - khoa học - kỹ thuật tổng hợp liên ngành, chịu ánh xạ của các hệ thống triết lý thay nhau tác động. Diện mạo đó đã và đang là tâm nguyện, có tính thời sự, cuốn hút sự quan tâm của đông đảo người dân, tốn nhiều sức nghĩ, tốn nhiều của cải, tài nguyên, đất đai, tiền bạc và cả thời gian nữa. Tuy nhiên để nhận thức đúng và rõ, cần tìm đến cội nguồn, hy vọng thấy được nguyên nhân.
Ở nước ta, bộ mặt đô thị, kết quả của cả một quá trình lao tâm, lao lực, chịu tác động nhiều chiều từ những biến thiên, những đứt gãy, thăng trầm lịch sử của một đất nước có hoàn cảnh địa lý và lịch sử đặc biệt, trong những hoàn cảnh thử thách cũng hết sức đặc biệt, không chỉ những năm tháng gần đây.
Trên cơ sở những xác lập ban đầu ấy, trong bối cảnh lịch sử quy định, những điều kiện cần và có của công cuộc xây dựng đô thị, với một cố gắng thật khách quan, không thể không thừa nhận bộ mặt hệ thống đô thị hiện nay, ít nhất về quy mô, khác xa so với bộ mặt hệ thống đô thị do người Pháp để lại trên đất nước này sau năm 1945, khác xa so với trước thời điểm lịch sử khi Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định lựa chọn đường lối Đổi mới năm 1986, chuyển đổi từ cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp trong quản lý kinh tế - xã hội sang cơ chế kinh tế thị trường (có định hướng xã hội chủ nghĩa), dũng cảm vượt thoát khỏi tình trạng tự cô lập và bị cô lập.
Chính bộ mặt đô thị mà chúng ta tự tay xây dựng trong khoảng gần hai mươi năm qua mới đúng là đối tượng để khảo nghiệm về tư duy và năng lực thực sự của một đất nước.
Một góc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
Diện mạo đô thị phản ánh trình độ quản lý quốc gia
Một định nghĩa gần như kinh điển: "Bộ mặt đô thị là bộ mặt Quốc gia, là chân dung đích thực của một xã hội, một địa phương, một Đất nước".
Qua bộ mặt đô thị, người ta có thể nhận biết nhiều điều: thể chế chính trị, trình độ, khả năng quản lý điều hành của bộ máy lãnh đạo, quy mô và hiệu quả của nền kinh tế, trình độ phát triển khoa học - kỹ thuật, trình độ phát triển xã hội một đất nước, bản sắc văn hoá một dân tộc, tầm mức, ảnh hưởng, tính chất quan hệ, giao lưu với thế giới bên ngoài...
Khác với việc thiết kế và xây dựng từng công trình kiến trúc, công cuộc xây dựng và phát triển đô thị ở nước ta, hiện nay là sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân, trong đó Đảng và Nhà nước có vai trò và vị trí cao nhất, quyết định. Đông đảo người dân có vai trò quan trọng nhưng ở vị trí thấp nhất. Các thành phần tham gia ở khúc trung gian, trong đó có những người hành nghề quy hoạch đô thị.
Ngay cả giới được coi là "chuyên môn" tham gia quá trình này cũng nhiều thành phần, tùy công đoạn.
Ở nước ta, từ "quy hoạch" được dùng đầu tiên có lẽ từ khi Bộ Kiến trúc tách khỏi Bộ Thủy lợi - Kiến trúc, thành lập Cục Đô thị và Nông thôn khoảng năm 1958. Thời gian đó, quy hoạch là một khái niệm mới, chỉ "lưu hành nội bộ" , người trong nhà trao đổi với nhau. Nó được "xã hội hoá", tiêu dùng rộng rãi khi Cục này chuyển thành Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn năm 1961.
Và từ khi xuất hiện, gần như ngay lập tức, nó chứng minh sức sống một cách đáng ngạc nhiên, được sử dụng rộng rãi đến bất ngờ, thậm chí... thoải mái: "tôi quy hoạch anh vào chỗ nọ, chỗ kia..., chúng ta quy hoạch nó vào cái này cái khác..." Có đủ các thứ quy hoạch. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch cán bộ, quy hoạch cây con... và có cả một thứ đặc sản, do Việt Nam sáng tạo, đóng góp, không một quốc gia nào có: "quy hoạch treo".
Tác phẩm "Vành đai xanh" của Nguyễn Quang (Đà Nẵng)
Đô thị chính là một thế giới thu nhỏ, một nhân loại thu nhỏ. Quy hoạch đô thị, xét về mặt là một chuyên ngành kiến trúc xây dựng, chỉ đảm nhận việc tạo dựng một không gian vật chất do xã hội đặt hàng. Mô hình sống là đầu bài thứ nhất mà người làm quy hoạch cần có và phải phục vụ, đáp ứng.
"Ở bầu thì tròn - Ở ống thì dài ". Thích tròn hay thích dài là đơn đặt hàng của xã hội, của Đảng và Nhà nước. Kiến trúc sư quy hoạch không thể làm việc này vì không được học, không ai dạy. Xây bầu cho ra bầu, xây ống cho ra ống mới là việc của người quy hoạch.
Ở ta thì hình như đang làm ngược lại!
Một số thông tin đáng lưu tâm Tính đến 2006, với hơn 718 đô thị (96 thành phố, thị xã và 622 thị trấn) trong đó có 2 đô thị có quy mô dân số trên 3 triệu người... trên địa bàn cả nước đã và đang thành lập khoảng 150 khu công nghiệp tập trung, 10 đô thị mới, 25 khu kinh tế mở, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế đặc thù... Tỷ lệ đô thị hoá tăng từ 18% (năm 1986) lên 27% năm 2006. Nhiều đô thị đã phát triển và mở rộng vượt ra ngoài dự báo cả về tăng trưởng dân số, nhu cầu sử dụng đất, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng... Năm 2005, dân số đô thị khoảng 22 triệu người; đất xây dựng đô thị chiếm khoảng 398.712 ha... (Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Nửa Thế kỷ với sự nghiệp quy hoạch xây dựng 1956 - 2006 " - Hà Nội - Tháng 12 - 2006 - Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn - Bộ Xây dựng), Bài "Chính sách phát triển đô thị tại Việt Nam" - KTS Trần Ngọc Chính, thứ trưởng Bộ Xây dựng. Ngay cả những số liệu trong bài viết đã dẫn, đến nay đã thay đổi, đặc biệt sau khi khu công nghiệp lọc hoá dầu Dung Quất hoàn thành, chuẩn bị đi vào hoạt động và mở rộng thủ đô Hà Nội. |
Nguyễn Trọng Huấn
- Bộ mặt đô thị: Xoay sao cho khéo?
- Mười năm phát triển đô thị và những giải pháp cho thời kỳ mới
- Đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới
- Thực trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị
- "Tốt nhất nên thuê Tây quy hoạch cho ta"?
- Bảo tồn di tích Kiến trúc thuộc khu vực lịch sử trong quá trình phát triển đô thị
- Playa Vista - 10 năm cho một đô thị
- Quy hoạch đô thị phát triển bền vững – thách thức cho cả thế giới và VN
- Tổ chức thẩm mỹ không gian trống trong các khu ở đô thị
- Tầm nhìn trăm năm trong công tác quy hoạch các Đô thị Biển