Cho đến nay số lượng các khu đô thị mới (KĐTM) hình thành đã khá nhiều tuy nhiên một KĐTM để thực sự là một kiểu mẫu, một KĐT chuẩn mực cho sự phát triển của các KĐTM khác thật sự khiêm tốn. Nhiều KĐTM hình thành tại các TP lớn vẫn chỉ là đáp án tức thời cho bài toán tăng quỹ đất nhà ở, còn việc tạo một “môi trường sống thực sự” theo đúng nghĩa thì hoàn toàn chưa thể đáp ứng nổi, thậm chí một số KĐT còn là một bước thụt lùi về tiêu chuẩn ở đặc biệt là chất lượng hạ tầng và dịch vụ đô thị. Do vậy việc nhìn nhận lại công tác lập quy hoạch các KĐTM và sự cấp thiết của đổi mới nội dung và phương pháp lập quy hoạch các KĐTM là điều đáng bàn.
Khu đô thị mới Linh Đàm (ảnh: HUD)
Trước tiên cần ghi nhận, quy trình lập và phê duyệt các KĐTM hiện nay về cơ bản là khá chặt chẽ. Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy chính quy trình này khiến nhiều dự án không bắt kịp thời cơ phát triển. Nhà nước quản lý bộ khung đô thị thông qua quy hoạch vùng, quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết 1/2000. Các tổ chức kinh tế phát triển các dự án ĐTM thông qua lập quy hoạch chi tiết 1/500 dưới sự điều tiết của các quy hoạch trên. Nhưng nhu cầu thực tế là luôn đa dạng và đầy biến động. Các chủ đầu tư KĐTM không thể chờ đợi các quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết ra đời đầy đủ rồi mới xây dựng kế hoạch phát triển đô thị cho riêng mình. Vì vậy các đô thị không xuất hiện trong kế hoạch phát triển đô thị của vùng tạm gọi là đô thị “tự phát” ra đời. Xét về chất lượng bên trong đô thị hầu hết các chủ đầu tư đều cố gắng để đô thị có nhiều ưu thế và môi trường sống tốt nhằm thu hút thị trường, nhưng nếu nhìn một cách rộng hơn thì chính sự phát triển tự phát ấy lại tạo “sức ép” không tốt đến các khu vực xung quanh đặc biệt là đến hạ tầng bên ngoài đô thị và các khu dân cư nông nghiệp kế cận. Việc ra đời KĐTM một cách “tự phát” ấy có thể khiến bức tranh đô thị trên một vùng lãnh thổ trở nên “nham nhở” “manh mún” do vậy khó có thể tạo nên một hình ảnh đô thị thật sự đẹp, thật sự có phong cách. Dừng các dự án đô thị kiểu “tự phát” lại là điều duy ý trí và đi ngược với xu thế thị trường, đi ngược lại với các chính sách khuyến khích và thu hút vốn đầu tư. Do vậy việc cải tiến quy trình, quy định và các nội dung quản lý đô thị sao cho phát huy tối đa tính năng động, thích ứng của chính sách, xác định bộ khung cứng về hạ tầng và các khu vực có vai trò quan trọng và tạo kế hoạch mở để thu hút vốn đầu tư phát triển các KĐTM từ nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách.
Một góc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, mô hình kinh tế xã hội cũng có nhiều thay đổi. Trong khi đó phương pháp quy hoạch các KĐTM cho đến nay vẫn còn tồn tại phần nào tính chất của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Các quy hoạch đôi khi còn quá cứng nhắc. Đến khi được phê duyệt các KĐT này trở nên thiếu linh hoạt trong hút vốn đầu tư. Trong khi các sản phẩm quy hoạch của các nước phát triển rất nhiều các chức năng mang tính “mở”, các khu vực được gọi là “Mix used” thì nhiều sản phẩm quy hoạch của Việt Nam lại được đóng khung quy định tính chất khu đất và khi đồ án được phê duyệt thì trở thành pháp lý. Việc chuyển đổi chức năng lại yêu cầu một động thái khác như điều chỉnh cục bộ chức năng hay điều chỉnh quy hoạch chi tiết... Do vậy xu hướng tư duy quy hoạch mới, sản phẩm quy hoạch mới hơn bao giờ hết cần sớm được đưa vào các văn bản pháp luật, các hướng dẫn, vào phương pháp giảng dạy đào tạo tại các trường đại học và cuối cùng được thể hiện trong các đồ án quy hoạch.
Một trong những điều kiện tiên quyết của việc đổi mới phương pháp luận quy hoạch đó là việc đưa các phương pháp quy hoạch mới cần xét trên bối cảnh kinh tế, luật pháp và trình độ phát triển của Việt Nam để chọn lọc có tính toán cho phù hợp. Về bản chất phát triển đô thị và hạ tầng hiện nay tại Việt Nam phần lớn vẫn đang sử dụng nguồn ngân sách do vậy việc sử dụng các ưu việt của phương pháp quy hoạch truyền thống còn rất nhiều giá trị. Nên chăng những tư duy hoặc phương pháp lập quy hoạch mới nên bắt đầu áp dụng tại các khu vực, các dự án có yếu tố đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, các khu vực mang tính kinh doanh và thu lợi để từ đó rút kinh nghiệm dần hoàn thiện để áp dụng rộng rãi cho các đô thị.
Lối sống văn minh đô thị sau nhiều năm vẫn chưa được nâng cao, thậm chí có nhiều hướng ngược lại “nông thôn hóa thành thị“. Ảnh minh họa : Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội (nguồn: xomnhiepanh.com)
Ngoài phương pháp, tư duy lập quy hoạch ra các sản phẩm quy hoạch cũng cần đổi mới. Đã nhiều năm nay các bản vẽ, các thuyết minh quy hoạch tuy hàm chứa nhiều ý tưởng, các sáng tạo và công sức của các nhà chuyên môn nhưng cách thể hiện vẫn chưa toát lên được các nội hàm đó. Các nội dung mang tính nghiên cứu, phân tích, đánh giá, đối chiếu, dự báo, các kịch bản phát triển đô thị, các hình ảnh đô thị trong tương lai, các giải pháp kỹ thuật đều được thể hiện rất chung chung thông qua các bản vẽ đã quy định.
Đã đến thời điểm các tư duy, sáng tạo trên phải được đưa vào các bản vẽ, các sơ đồ, các bảng biểu, các đoạn phim... Các phần mềm và các thiết bị phần cứng phải được nâng cấp và trang bị để bắt kịp với công nghệ của thế giới để giảm bớt các lao động tính toán thông thường.
Những thay đổi này đòi hỏi đội ngũ các nhà làm quy hoạch Việt Nam cần phải mạnh dạn đổi mới từ tư duy, lý luận quy hoạch đến đổi mới phương pháp, quy trình công nghệ lập quy hoạch và đổi mới cả đến các sản phẩm của công tác quy hoạch sao cho quy hoạch xây dựng của chúng ta phải đạt đến tầm của khu vực và xa hơn nữa là tầm quốc tế.
PGS.TS Lưu Đức Hải - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng
>>
- Sài Gòn…
- Lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông đô thị
- Loay hoay giải cứu đô thị
- Giao thông không gian trong đô thị văn minh
- Bốn khu đô thị vệ tinh của TP.HCM
- Chữ “an” trong quy hoạch và phát triển đô thị
- Chủ nghĩa Đô Thị Xanh
- Quy hoạch cải tạo chỉnh trang công trình công cộng trong các đô thị cũ
- Tóm lược nội dung báo cáo lần 3 Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội
- Bóng dáng "Thành phố sông hồ" trong báo cáo Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội lần 3