Phát triển đô thị sang phía bờ Đông sông Sài Gòn là khát khao dễ đã trăm năm của Sài Gòn. Nhưng khát khao và cả những bức xúc gần đây của thành phố liên quan đến nhiệm vụ lịch sử đối với một dự án tầm vóc quốc gia chỉ là một lẽ, Đông Sài Gòn từ xa xưa còn đó nỗi mong chờ thâm sâu trong tình cảm người Sài Gòn ở bên này Sài Gòn. Mong ước ấy nay đang dần hiện thực với sự kết nối giữa Thủ Thiêm với bờ Tây.
- Ảnh bên : Cầu Thủ Thiêm nối liền trung tâm thành phố với bán đảo Thủ Thiêm (Ảnh: Kiên Cường / VnExpress)
Trong khi người Sài Gòn nặng tình với bờ Đông như vậy thì bỗng một "Đông Sài Gòn" khác lại xuất hiện bên kia sông… Đồng Nai! Nghe lạ, nhưng không còn bất ngờ. Sự kiện Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch khởi công dự án đô thị Đông Sài Gòn rộng 759 héc ta (tương đương diện tích Thủ Thiêm) tại Nhơn Trạch ngày 16-8-2009 có thể làm cho Thủ Thiêm phải suy nghĩ...
Thủ Thiêm có còn được gọi là đô thị Đông Sài Gòn theo đúng vị trí danh chính ngôn thuận của nó? Đông Sài Gòn có còn là một địa danh gắn kết với Sài Gòn ở phía Đông, bên bờ Đông sông Sài Gòn, hay bất cứ đô thị nào dù cách xa cũng có thể lấy đó làm thương hiệu cho mình? Có cần một "trật tự" hay nguyên tắc trong việc sử dụng tên một địa danh? Và, liệu người Sài Gòn có cảm nhận một cách tự nhiên Đông Sài Gòn là Nhơn Trạch?
Những câu hỏi mở này tuy có hơi hướm nhàn đàm, biết đâu có thể mở ra đôi điều đáng quan tâm. Vấn đề có thể lại không nằm ở "Đông Sài Gòn" mà ở chính "Sài Gòn", ở chỗ đâu là Sài Gòn để mà có Đông, Tây, Nam, Bắc... Là vì sau khi Sài Gòn và Gia Định được sáp nhập để hình thành nên thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1976, địa danh Sài Gòn mặc nhiên đã trở thành tên ẩn, không có địa giới hành chính.
Được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, với tên tuổi có bề dày và giá trị năm châu, có thể nói đây là một loại tài sản quốc gia, thế nhưng cái tên Sài Gòn lâu nay lại gần như được thả lỏng. Để có một nhìn nhận sâu hơn, việc lùi lại để làm rõ chút gốc gác Sài Gòn "312 năm" thiết nghĩ sẽ cần.
1998 là năm kỷ niệm Sài Gòn 300 năm. Do vậy, nếu cứ thế tính lùi theo phép trừ, ta dễ xác định địa danh Sài Gòn đã có từ năm 1698. Thế nhưng, có thể nói cái mốc 1698 chi mang ý nghĩa sử sách. Đó là năm đánh dấu sự ra đời đất Gia Định (gồm cả vùng Nam Bộ ngày nay) thông qua việc Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập chính thức nền hành chính ở đây.
Sài Gòn thời Pháp thuộc với xe ngựa và những cột Morris đặc trưng Pháp (nguồn : Wikipedia)
Còn địa danh Sài Gòn (là một vùng nằm trong Gia Định) lúc đó hay trước đó đã có hay chưa thì không thể xác định, do không có một ghi nhận chính thức hay rõ ràng nào. Lần theo các ghi chép cũ, có thể thấy địa danh Sài Gòn được ghi nhận (ghi chép) đầu tiên vào năm 1747, với tự dạng Raigon trong một báo cáo bằng chữ Pháp về số giáo dân Thiên Chúa lưu cư ở vùng này. Đến năm 1772, địa danh Sài Gòn được Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) ghi vào cuốn từ điển đối chiếu An Nam – La tinh bằng chữ quốc ngữ và chữ Nôm.
Xin mở ngoặc, cho dù có tài liệu nói trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có nhắc địa danh Sài Gòn khi đề cập đến một biến cố tại đây vào năm 1674, nhưng do sách viết vào năm 1776 nên rất khó xác định việc đề cập này chỉ là việc dùng từ Sài Gòn lúc bấy giờ (1776, lúc viết sách), hay địa danh Sài Gòn đã có từ 1674.
Về vị trí , tất cả các tài liệu đều xác định Sài Gòn xưa được hình thành dọc bờ Tây sông Sài Gòn, trên vùng đất cặp giữa rạch Bến Nghé và rạch Thị Nghè. Mặc dù quá trình lập phố từ lúc khởi đầu cho đến khi hoàn chỉnh có dấu ấn và chủ yếu là của người Pháp, quy hoạch Sài Gòn đầu tiên lại được ghi nhận là của người Việt, với công trình lũy Bán Bích của Nguyễn Cửu Đàm xây vào năm 1772 . Công trình này (lũy) được xem là đã hình thành nên một địa giới Sài Gòn có diện tích khoảng 50 cây số vuông.
Tuy vậy, theo các bản đồ thành phố sớm nhất (được người Pháp vẽ) sau đó thì Sài Gòn có diện tích nhỏ hơn nhiều. Cụ thể như bản đồ của Coffyn vẽ năm 1862, Sài Gòn rộng 25 cây số vuông. Đến năm 1865, lại có một bản đồ khác vẽ Sài Gòn riêng và Chợ Lớn riêng.
Bản đồ du lịch Sài Gòn vào khoảng năm 1920. (nguồn: Wikipedia)
Bản đồ Sài Gòn (chủ yếu là vùng quận 1 hiện nay) chỉ rộng 1 cây số vuông, và Chợ Lớn (vùng quận 5 hiện nay) có diện tích nhỏ hơn 1 cây số vuông. Giữa hai khu này là các vùng quê bưng biền và đồng ruộng. Sau khi thực dân Pháp ra sắc lệnh chính thức thành lập thành phố Sài Gòn vào năm 1877, bản đồ Sài Gòn được nới rộng hơn so với bản đồ năm 1865, phía Tây lúc bấy giờ tới cầu ông Lãnh, phía Đông Bắc từ Đa Kao. Năm 1887, với tầm vóc sầm uất và quy mô xây dựng đô thị ngày càng hoàn chỉnh, Sài Gòn đã được chọn làm thủ phủ của toàn Đông Dương.
Sau năm 1954, Sài Gòn được chia ra làm tám quận bao gồm Chợ Lớn, về sau tăng lên 12 quận cho đến năm 1976, nhưng vị trí vài quận mang số cũ lúc đó có khác với các quận mới mang số ngày nay... Cần nhắc lại, từ rất sớm (từ thời Pháp) hướng phát triển chủ đạo của thành phố đã được hoạch định là sang bờ Đông, phía có các bán đảo Thủ Thiêm, An Phú - Thảo Điền (quận 2), và vùng này thường được gọi thân mật là "New Saigon" (Sài Gòn Mới). Đô thị Đông Sài Gòn có lai lịch manh nha từ đó.
- Ảnh bên : Sài Gòn nhìn từ bán đảo Thủ Thiêm (nguồn : Ashui.com)
Đến đây ta đã rõ đâu là Sài Gòn. Khi vị trí địa lý của Sài Gòn đã được xác định thì Đông Sài Gòn hay Nam Sài Gòn mới có cái gốc quy chiếu chuẩn. Thế nhưng, việc chỉ ra cái gốc để làm điều đó thôi chưa đủ và chưa là ý lớn. Là một tài sản lịch sử quý giá, Sài Gòn cần được nhìn nhận lại một cách chính danh theo giấy mực. Nôm na, cái "danh " Sài Gòn phải cần có "địa" mới thuyết phục.
Đặt vấn đề như vậy, nếu ta xem Sài Gòn là vùng quận 1 hiện nay thì không cần dài dòng ai cũng có thể thấy điều đó đúng. Còn nếu hiểu Sài Gòn là đô thị gồm 12 quận đã được sáp nhập vào thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 2-7-1976) lại là một tiếp cận khác có thể nghiên cứu thêm (dù 12 quận "số" thời ấy có khác với ngày nay). Vậy, để Sài Gòn có cả địa lẫn danh, nghĩa là có địa giới hành chính hắn hoi, nên chăng thành phố sẽ chọn một trong hai cách sau: Hoặc đặt tên quận 1 là quận Sài Gòn hoặc tên Sài Gòn sẽ được đặt thêm vào 12 quận số để có các quận Sài Gòn 1, quận Sài Gòn 2... Cách đầu đạt lý, cách sau đạt tình.
Một khi Sài Gòn không còn ẩn danh thì tự nhiên sẽ có sự gìn giữ (quản lý) và tôn trọng tốt hơn. Sẽ không còn việc sử dụng hay vay mượn tùy tiện. Phong cách thị dân có thể nhờ đó mà thuận tình nảy nở…
Huy Nam
>>
- Các mô hình quy hoạch đô thị: “Thành phố Vườn”
- Đô thị kiểu mới sẽ dần thay thế văn hóa nhà ống
- Các mô hình quy hoạch đô thị: “Polis”
- Đô thị & Quy hoạch đô thị - Tư duy và tiếp cận
- Quy hoạch và… 3 cái khó
- Lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông đô thị
- Loay hoay giải cứu đô thị
- Giao thông không gian trong đô thị văn minh
- Bốn khu đô thị vệ tinh của TP.HCM
- Phát triển các khu đô thị mới: Nhìn từ công tác hoạch định chính sách