Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Việt Nam Hướng tới quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long

Hướng tới quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long

Viết email In

Hơn 120 đại biểu đại điện cho các bộ, ngành trong nước; các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và Hà Lan cùng một số tổ chức quốc tế đã tham dự Hội thảo cấp cao lần thứ 3 Việt Nam - Hà Lan về "Hướng tới quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long," tổ chức ngày 11/11, tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hội thảo này là một trong những hoạt động quan trọng nhằm thực hiện "Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước giữa Chính phủ Việt Nam và Hà Lan."

Được đánh giá là một bước tiến trong quá trình đối thoại nhằm phát triển quy hoạch cụ thể cho Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, hội thảo đã đạt được thỏa thuận chung về kế hoạch công việc cụ thể từ tháng 11/2010 - 3/2011.

Đặc biệt sau hội thảo này, các bên liên quan sẽ tiến hành trình Chính phủ thành lập Văn phòng thường trực và bốn nhóm công tác cụ thể về môi trường tự nhiên và các công trình; các chức năng sử dụng nước và sử dụng đất; kế hoạch phát triển dài hạn...

Hội thảo cũng đạt được thỏa thuận chung về vai trò của các cấp chính phủ, địa phương, viện nghiên cứu và các bên liên quan trong hợp tác, tiến tới xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch thính ứng với biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Giáo sư Cees Veerman, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Lan khẳng định: Chính phủ Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này có nhiều điểm tương đồng với Hà Lan về điều kiện thổ nhưỡng, do đó với kinh nghiệm, công nghệ hiện đại, giải pháp quản lý nước đã thực hiện, Hà Lan mong muốn chuyển giao cho Việt Nam áp dụng.

Trong khuôn khổ hợp tác, Chính phủ Hà Lan sẽ hỗ trợ cho Việt Nam các chuyên gia về quy hoạch đồng bằng và các chủ đề đặc biệt về môi trường, đất, quản lý nước… Đặc biệt, Giáo sư Cees Veerman đã nhận lời mời làm trưởng nhóm cố vấn về biến đối khí hậu cho Thủ tướng Việt Nam.

Các đại biểu tham gia hội thảo đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang bị đe dọa do nước biển dâng, nước thượng nguồn xuống thấp, hạn hán và biến đổi khí hậu.

Vì vậy, việc thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết, cần sự phối hợp của các bộ ngành từ Trung ương tới địa phương, các nhà khoa học và cả cộng đồng dân cư. Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long ra đời và đi vào thực tiễn sẽ đảm bảo cuộc sống an toàn, ổn định cho người dân cũng như phát triển kinh tế xã hội bền vững ở khu vực này, ông Đào Xuân Học nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, việc xây dựng quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long là một kế hoạch lâu dài và phức tạp, vì vậy các bên liên quan cần tiến hành phân tích, tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Đồng thời, xác định quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long là một bộ phận của Chương trình mục tiêu Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, do đó cần sự lồng ghép, trao đổi giữa nhiều bộ ngành để triển khai có hiệu quả.

Hội thảo này là bước đi đầu tiên mở màn hàng loạt các hội thảo trong thời gian tới nhằm mục đích hỗ trợ Chính phủ, các cơ quan chức năng tìm ra giải pháp đúng đắn để phát triển kinh tế xã hội bền vững, an toàn, đặc biệt là quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự kiến trong vòng 20 tháng tới, quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thành./.

Hoàng Anh Tuấn

Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long đến 2020 và tầm nhìn đến 2050

Tầm nhìn đến 2050, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 sẽ là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu; là vùng kinh tế phát triển năng động, bền vững, có môi trường đầu tư thuận lợi; có điều kiện và chất lượng sống đô thị và nông thôn cao; là trung tâm văn hoá - lịch sử và du lịch, dịch vụ ẩm thực lớn với các vùng nông - lâm và sinh thái đặc thù; có cảnh quan và môi trường tốt.

Phạm vi lập quy hoạch vùng ĐBSCL bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Diện tích tự nhiên vùng trên 40.604,7km2, đường biên giới với Campuchia khoảng 330km, đường bờ biển dài trên 700km, và khoảng 360.000 km2 vùng biển thuộc chủ quyền.

Phạm vi nghiên cứu bao gồm cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (vùng TP Hồ Chí Minh) và các khu vực liên quan đến không gian phát triển kinh tế xã hội của vùng trong tầm nhìn hướng tới 2050.

Vùng đô thị trung tâm gồm đô thị hạt nhân thành phố Cần Thơ, các đô thị vệ tinh độc lập gồm thành phố Long Xuyên, Cao Lãnh và Vĩnh Long. Các đô thị này kết hợp với nhau thành một vùng đô thị vừa nằm trung tâm vùng ĐBSCL vừa là đầu mối giao thông với điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội phát triển.

Vùng phụ cận xác định trong phạm vi bán kính 30 - 50km từ vùng đô thị trung tâm gồm Ô Môn, Cái Răng, Bình Minh thuộc TP Cần Thơ; An Châu, Phú Hội thuộc tỉnh Long Xuyên, An Hữu, Cái Tàu Hạ thuộc tỉnh Vĩnh Long, Mỹ Thọ và Thanh Bình thuộc Đồng Tháp, các đô thị này trở thành đô thị vệ tinh trong chùm đô thị TP Cần Thơ.

Vùng đối trọng: vùng đô thị đối trọng phía Tây Nam gồm 4 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, gồm các đô thị tỉnh lỵ Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu, Vị Thanh có khoảng cách trung bình 30 – 50 km từ đô thị trung tâm. Vùng đô thị đốii trọng Đông Bắc gồm 4 tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre và Đồng Tháp với các đô thị tỉnh lỵ có khoảng cách trung bình 30 - 50km từ đô thị trung tâm là thành phố Mỹ Tho, thị xã Tân An, thị xã Gò Công, thị xã Bến Tre và đô thị Tân Thạnh, là cửa ngõ quan trọng của vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh.

Trục hành lang kinh tế đô thị sông Tiền, sông Hậu và tuyến giao thông thuỷ chính từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Cà Mau, từ TP Hồ Chí Minh đi Cao Lãnh, Rạch Giá và Hà Tiên.

Trục hành lang kinh tế đô thị Quốc lộ 1A, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ – Cà Mau, Quốc lộ 50, tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2, tuyến N1 ven biên giới với Campuchia; tuyến đường Đông Tây là các tuyến quốc lộ dọc sông Tiền, sông Hậu (Quốc lộ 62, Quốc lộ 30, Quốc lộ 54, Quốc lộ 91, Quốc lộ 61…).

Cấu trúc không gian vùng cảnh quan
: gồm hệ thống sông Tiền, sông Hậu, vùng cảnh quan ngập mặn ven biển Tây và biển Đông; vùng sinh thái Đồng Tháp Mười, vùng rừng tự nhiên và biển đảo Phú Quốc, rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ… 

(Ashui.com) 

 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo