Tạp chí National Geographic của Mỹ vừa công bố xếp hạng 99 bãi biển trên thế giới (99 Coastal Destinations Rated). Theo đó, Nha Trang, Mũi Né rơi vào nhóm những bãi biển tệ nhất.
Bảng xếp hạng được thực hiện bởi Trung tâm Các địa điểm du lịch bền vững thuộc National Geographic Society. Trung tâm này đã tập hợp 340 chuyên gia, tiến hành chấm điểm các bờ biển đẹp nhất trên thế giới với nhiều tiêu chí. Kết quả được công bố trên tạp chí National Geographic Traveler số tháng 11-12/2010.
Lời cảnh báo
Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho rằng việc National Geographic đánh giá bãi biển Nha Trang phát triển kém bền vững, khi nhiều nhà hàng, khách sạn được xây dựng bất hợp lý ven các bãi biển là đúng. “Dọc các bãi biển Nha Trang, tốc độ phát triển các công trình xây dựng quá nóng, kèm theo việc rác thải không được xử lý tốt, đã khiến bãi biển này mất đi vẻ quyến rũ tự nhiên. Theo tôi, nên xem sự xếp hạng này như là một lời cảnh báo, nhắc nhở, giúp chúng ta cảnh giác trước những thay đổi chưa được hợp lý trong phát triển du lịch dựa vào lợi thế biển”, ông Bình nhận định.
Ông Lại Hữu Phương, Giám đốc Trung tâm Du lịch Bến Thành, nhận định việc những bãi biển lọt vào danh sách tệ nhất thế giới là hậu quả từ việc khai thác du lịch dựa vào tự nhiên quá nhiều. “Quan điểm của du khách nước ngoài về bãi biển đẹp là sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Nhưng gần đây, tốc độ bê tông hóa bãi biển Nha Trang diễn ra quá nhanh. Từ ngoài biển nhìn vào thấy như một khối bê tông. Điều đó đi ngược lại với trào lưu chung của thế giới. Nếu xét theo tiêu chí cái đẹp này, nhiều bãi biển của ta sẽ dần mất đi sự thu hút, như Vũng Tàu, Mũi Né, Đà Nẵng, thậm chí là Phú Quốc”, ông Phương phát biểu.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, nhận xét bình chọn của National Geographic có nhiều điểm đúng: “Vấn đề mà tạp chí này đề cập cũng là vấn đề mà dư luận từng lên tiếng, khi mặt tiền biển bị khóa kín bởi các nhà hàng, resort, quán xá… Bình chọn này là lời cảnh tỉnh kịp thời cho du lịch VN nói chung, Nha Trang, Mũi Né nói riêng, phải xem lại quy hoạch bãi biển”.
Ảnh hưởng không nhỏ
Chuyên gia du lịch người Singapore, ông Robert Tan, khẳng định đây là cú sốc đối với du lịch VN, vì mức tác động của bình chọn này sẽ rất lớn bởi đây là tạp chí uy tín trên thế giới, có nhiều người đọc. “Hiện nay, du khách trước khi đi du lịch nước ngoài thường tham khảo thông tin trên mạng, sau mới quyết định chọn điểm đến”, ông Tan lo lắng.
Theo ông, ở các nước, việc quy hoạch xây dựng ven biển rất khắt khe, như Thái Lan, các bãi biển đều không được xây dựng công trình. Việc giữ gìn bãi biển sạch đẹp cũng được quan tâm đúng mức bằng cách tăng kinh phí cho các công ty chuyên dọn dẹp bãi biển qua nguồn thu thuế từ các công ty du lịch. Cho nên, nếu phát triển không bền vững, du lịch VN tự mình làm mất đi lợi thế cạnh tranh là các bãi biển đẹp.
Việc cần làm bây giờ, theo ông Vũ Thế Bình, là địa phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý bãi biển, đồng thời có kế hoạch điều chỉnh ngay lập tức những tồn tại. “Cách chứng minh tốt nhất lúc này là phải làm cho bãi biển trở nên sạch sẽ hơn, đẹp hơn. Chúng ta đã hòa nhập sâu vào thế giới và chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ bên ngoài, nên phải theo những tiêu chuẩn chung. Nếu xét thấy có những hạn chế, thì phải điều chỉnh”, ông Bình khuyến cáo.
Cũng cần nhắc lại rằng Nha Trang hiện đang là thành viên của Câu lạc bộ Những vịnh đẹp nhất thế giới (được công nhận vào năm 2003), cùng với vịnh Hạ Long. Yêu cầu bắt buộc của các thành viên là cảnh quan, môi trường sinh thái và văn hóa phải được bảo vệ, đảm bảo phát triển bền vững tại vùng Vịnh và khu vực xung quanh.
6 tiêu chí đánh giáĐây là năm thứ 7 tạp chí National Geographic tổ chức bình chọn những điểm đến trên thế giới. Mỗi năm có một nhóm khác nhau được bình chọn, chẳng hạn xếp hạng Những di sản của UNESCO hay Những di tích lịch sử… Năm nay National Geographic chọn 99 bãi biển trên thế giới để xếp hạng. Các chuyên gia tham gia bình chọn là những người nổi tiếng trong các lĩnh vực như bảo tồn lịch sử, du lịch bền vững, sinh thái, địa lý, quản lý du lịch, văn hóa bản xứ, khảo cổ học, nhà nhiếp ảnh và nhà báo viết về du lịch. Mỗi chuyên gia chỉ đánh giá một điểm du lịch mà họ quen thuộc, hiểu rõ nhất, theo 6 tiêu chí: chất lượng môi trường và hệ sinh thái; sự nguyên vẹn của xã hội và văn hóa; chất lượng và điều kiện bảo tồn của những công trình xây dựng lịch sử và khu khảo cổ học, sự lôi cuốn về mỹ học, chất lượng quản lý du lịch và tầm nhìn cho tương lai.Đánh giá chưa chính xácNational Geographic đã đưa ra nhận định không đúng với thực tế. Bản tin đề cập đến sự quá tải của bãi biển Nha Trang, phải chịu áp lực mạnh mẽ từ việc phát triển thương mại quá lớn, tôi thấy chưa chính xác. Mới đây, Nha Trang đã được Ủy ban Olympic châu Á chấp nhận là nơi đăng cai Olympic thể thao bãi biển của khu vực châu Á lần thứ V - 2016. Điều đó chứng tỏ Nha Trang không hề “tồi nhất” như tạp chí này bình chọn. Bởi vì trước khi chọn Nha Trang để tổ chức sự kiện này, Ủy ban Olympic châu Á đã đi khảo sát về môi trường, cảnh quan và cơ sở vật chất. Vì thế đánh giá của tạp chí National Geographic chưa thật sự chín chắn và thiếu cơ sở thực tế.Có thể trong một vài thời điểm nào đó, có những việc tụ tập đông người, vệ sinh chưa tốt, chưa phù hợp, nhưng ngay sau đó chúng tôi đã huy động nhiều lực lượng làm sạch môi trường, nên bờ biển Nha Trang luôn sạch đẹp. Nhược điểm hiện nay của du lịch Nha Trang chính là loại hình dịch vụ chưa phong phú, chất lượng phục vụ nhìn chung còn hạn chế… Cái quan trọng nhất là chưa xây dựng được ý thức về giữ gìn môi trường của người dân và du khách. (Ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) Thiện Nhân - Lê Xuân (ghi) |
N.Trần Tâm - T.Kha - ảnh: travel.nationalgeographic.com
>>
- Họp báo về việc xếp loại bãi biển Nha Trang
- Hội nghị CG sẽ diễn ra ở Hà Nội vào đầu tháng 12
- Tiếp tục lập dự án một số đoạn đường sắt cao tốc
- TP.HCM: khởi động lại dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm
- Hà Nội có thêm 11 khu công nghiệp trong 5 năm
- Thêm công trình công cộng cho khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Đề xuất xây thêm cầu Long Biên 2
- Hà Nội nghiên cứu quy hoạch tuyến đường Vành đai 2 trên cao
- Thành phố thuộc tỉnh phải có mật độ dân số nội thành tối thiểu 6.000 người/km2
- Khung giá đất 2011 của Hà Nội không vượt quá 81 triệu đồng/m2