Tuần rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 758/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020. Theo đó, nhiều khu dân cư thu nhập thấp tại các đô thị sẽ được đầu tư để thay đổi bộ mặt. Sau một thời gian đẩy mạnh đô thị hóa, giờ là lúc phải hạn chế những tác động tiêu cực từ quá trình này.
Hệ lụy từ đô thị hóa
Bà Đỗ Tú Lan, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cho biết nếu như vào năm 1990, trong 10 đô thị lớn nhất thế giới chỉ có một đô thị thuộc châu Á thì dự báo đến năm 2015, sẽ có đến 7/10 “siêu” đô thị với quy mô dân số trên 13 triệu người thuộc khu vực này. Trong đó, đô thị lớn nhất là Tokyo, dự báo có đến 35 triệu dân.
Tại Việt Nam, tính đến năm 2008 cũng đã có đến 747 khu đô thị, đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 30%. Đô thị phát triển nhanh nhưng quy hoạch chưa theo kịp đã kéo theo nhiều hệ lụy. Lượng di dân từ nông thôn ra thành thị kiếm sống trong điều kiện yếu kém về hạ tầng đô thị, nhà ở... đã dẫn tới sự hình thành nhiều khu “ổ chuột”, nơi mà người dân không được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về nước sạch, vệ sinh...
Theo bà Lan, khoảng 1,6 triệu dân trong các đô thị trên thế giới hàng năm đã tử vong do thiếu nước sạch và thiếu vệ sinh.
Việt Nam cũng không tránh khỏi những hệ lụy từ đô thị hóa. Như tại khu trung tâm thành phố Cần Thơ, theo ông Lê Văn Tiễn, Giám đốc Ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị (NCĐT) Cần Thơ: “Nhiều tuyến đường lớn, cứ đi vào hẻm sâu chừng 20 mét là mặt trái ê chề sẽ hiện ra!”. Theo ông, đó là tình trạng nhà lụp xụp, kênh mương đầy nước đọng bốc mùi, nước thải nhớp nhúa. “Trong các khu này, 25% các loại bệnh xuất phát từ nguồn nước. Và hiện nay, còn đến 12% hố xí vẫn thải trực tiếp ra sông, rạch”, ông nói.
Khi thực hiện dự án NCĐT ở Cần Thơ, kết quả điều tra tại 1.800 hộ ở hai phường An Cư và An Hội (quận Ninh Kiều), cho thấy 53% hộ dân có nhà trong hẻm rộng dưới hai mét, 25% số hộ không có nhà vệ sinh. Nhiều hộ dân không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ như thu gom rác, nước máy...
Còn tại Tiền Giang, theo bà Lan, có đến khoảng 2.000 hộ dân đô thị vẫn phải sống trong khu vực không an toàn là những căn nhà lụp xụp ven sông... Nguy hiểm nhất là những lúc có sự cố, cần xe chữa cháy, xe cứu thương... người dân trong các khu “ổ chuột” đành bó tay vì các con hẻm vào quá nhỏ.
“Do đó, theo Quyết định 758, trước mắt trong giai đoạn 2009-2020, Chính phủ đã có kế hoạch đầu tư khoảng 175.000 tỉ đồng để nâng cấp 95 đô thị loại IV trở lên”, bà Lan nói. Vốn đầu tư sẽ được huy động từ vốn ODA, vốn ngân sách và các nguồn huy động khác để tập trung cho các vấn đề giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng, cải tạo nhà ở, thu gom và xử lý chất thải. Đồng thời, những hộ dân nằm trong khu vực không an toàn sẽ được di dời và tái định cư nơi khác...
Bà Lan cho biết, Quyết định 758 chỉ mới là chương trình “khung”. “Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với từng địa phương, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để có thể mời gọi vốn ODA. Phải lập kế hoạch cụ thể là còn bao nhiêu hộ ở khu vực không an toàn, bao nhiêu hộ ở khu “ổ chuột”, bao giờ sẽ xóa sổ? Bộ sẽ yêu cầu các địa phương báo cáo về vấn đề này”, bà Lan nói.
Tính trước là vừa
Ông Nguyễn Hoàng Nhân, Phó giám đốc Sở Xây dựng, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án NCĐT TPHCM, kiến nghị rằng việc thực thi Quyết định 758 nên kế thừa kinh nghiệm từ dự án NCĐT Việt Nam mà vừa qua Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ phần lớn kinh phí để thực hiện tại bốn thành phố gồm Hải Phòng, Nam Định, TPHCM và Cần Thơ.
Ở Cần Thơ, theo ông Tiễn, từ tháng 6-2005 đến nay, tiểu dự án NCĐT đã giải ngân khoảng 20 triệu đô la Mỹ. Với chừng ấy tiền, hồ Xáng Thổi và các con rạch thoát nước đô thị dài khoảng 4,7 ki lô mét vốn từ lâu bị ô nhiễm trầm trọng đã được cải tạo, làm bờ kè khang trang, có đường nhựa ngăn cách khu dân cư với con rạch.
Đồng thời, 66 con hẻm “ọp ẹp” đã được mở rộng từ 4-6 mét, tráng nhựa và đầu tư đèn chiếu sáng, hệ thống thoát nước. “Đã có 3.000 căn nhà mới thay thế những căn nhà lụp xụp, cũ kỹ... nhờ dự án này. Người dân hớn hở xây nhà mới khi trong khu vực đường sá đã mở rộng khang trang, không còn ngập úng”, ông Tiễn cho biết.
Mới đây, một đoàn cán bộ của WB đến tham quan khu vực hồ Xáng Thổi đã không tin rằng nơi này từng là khu nhà của người thu nhập thấp, thậm chí cho rằng tiền dự án đã chi... sai đối tượng!
Còn tại TPHCM, dù chưa hoàn chỉnh nhưng theo ông Nhân, nhờ dự án NCĐT, khu Tân Hóa - Lò Gốm cũng đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy đã tăng từ 46% lên 89%, tỷ lệ nhà tạm từ 9% giảm còn 0%, số điểm ngập giảm hơn 40 điểm và giá trị đất đã tăng bình quân 117% nhờ cơ sở hạ tầng được cải thiện.
Do đó, theo ông Tiễn, khi thực hiện Quyết định 758 cần chú ý vấn đề nâng cấp, cải tạo hơn là xây dựng mới “hoành tráng”. “Xây dựng mới hoàn toàn sẽ đụng đến rất nhiều khu dân cư và tạo ra mâu thuẫn rất lớn về quyền lợi giữa kẻ ở, người đi sau dự án”, ông nói. Mặt khác, cải tạo cũng ít tốn kém hơn xây dựng mới.
Ông Nhân dẫn chứng khi chuẩn bị dự án NCĐT đã có ý kiến đề xuất nên mở rộng đường 8 mét, xây mới nhiều công trình. “Nhưng nếu vậy, ngân sách thành phố làm sao kham nổi 12 tỉ đô la Mỹ”, ông kể. Và dự án vẫn triển khai theo kiểu cải tạo, nâng cấp với kinh phí chỉ hơn 298 triệu đô la Mỹ.
Ông Tiễn cho rằng, trước mắt nên mở rộng các con hẻm, đầu tư đồng bộ từ hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng. Những đầu tư ban đầu đó sẽ kéo theo sự phát triển của hệ thống cung cấp nước, điện... giúp người dân nâng dần chất lượng cuộc sống.
Vấn đề không kém phần quan trọng, theo ông Tiễn là phải có sự công khai minh bạch về dự án để người dân đồng tình và giám sát, bởi việc nâng cấp gắn liền với quyền lợi của chính họ. Ông Nhân dẫn chứng thêm: “Hồi triển khai giai đoạn 1 của dự án, phải giải tỏa đến 3.000 hộ nhưng qua sáu tháng chỉ giải tỏa được... 20 hộ. Nhưng sau khi được giải thích cặn kẽ, cho dân thấy quyền lợi của chính họ thì chỉ trong vòng 14 tháng, chúng tôi đã giải tỏa xong toàn bộ số hộ này”.
Trong quá trình triển khai NCĐT, để tạo bộ mặt mới cho khu dân cư thì vấn đề cho vay xây dựng, cải tạo nhà ở cũng đóng góp rất lớn. Theo ông Nhân, dự án NCĐT ở TPHCM đã dành đến 10,3 triệu đô la Mỹ cho các hộ nghèo vay vốn. Sau khoảng bốn năm, đã có 20.000 hộ được vay với dư nợ khoảng 180 tỉ đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm hơn 0,4% nhờ triển khai cho vay theo nhóm, qua Hội Liên hiệp phụ nữ...
Hồ Hùng
- Về mạng lưới chợ Hà Nội xưa và nay
- Bao giờ Việt Nam có đô thị sinh thái?
- Để không còn chia chác đất công
- Bán đảo "treo"
- Thủ đô mở rộng và tư duy “phong đất”
- Tham vấn công chúng
- Thừa Thiên Huế : Cả tỉnh "lên" thành phố
- Hà Nội sau một năm mở rộng: Những dự án dang dở
- Hà Nội sau một năm mở rộng: Thương tiếc đồng quê
- Di sản và luật pháp