Cuộc sống của người dân nơi đây cũng tạm bợ như những ngôi nhà trên, bởi bán đảo này, hàng chục năm qua, nằm "ngoài vùng phủ sóng" của điện, đường, người dân không được phép xây nhà.
Đường nhựa ngon trớn, bỗng gập ghềnh khi tôi rẽ vào bán đảo Tha La (hồ Dầu Tiếng, Bình Dương). Những khối đá ương ngạnh nằm phơi gan giữa đường, như muốn vật ngã người lái bất kỳ lúc nào. Sát bên đường, hàng chục ngôi nhà, chủ yếu làm bằng gỗ, lợp mái tôn với chằng đụp vỏ bao bì chắp vá như đang run lên trong gió lộng. Cuộc sống của người dân nơi đây cũng tạm bợ như những ngôi nhà trên, bởi bán đảo này, nơi họ sống là rừng phòng hộ, bán ngập, hàng chục năm qua, khu này nằm "ngoài vùng phủ sóng" của điện, đường, người dân không được phép xây nhà...
- Ảnh bên : Ông Phạm Văn Ẩn trước căn nhà xiêu vẹo của mình.
Những thân phận dạt trôi
Tôi bước vào một ngôi nhà bé xíu nằm chênh vênh bên bờ hồ. Căn nhà trống huơ hoác, không có cả giường, chỉ có mỗi chiếc tivi là biểu hiện của văn minh, còn lại đều là một màu cũ kỹ, đen đúa, nghèo đói. Một người đàn ông khắc khổ đang cầm chiếc bát và đôi đũa để đi rửa. Đó là hai thứ duy nhất ông phải rửa sau khi dùng bữa trưa không thể giản tiện hơn: Một chút cơm và một mẩu cá của con cá đã dùng được hai ngày nay.
Hỏi chuyện, ông cho biết tên là Phạm Văn Ẩn, năm nay 62 tuổi. Từ khi vợ mất cách đây 5 năm vì bạo bệnh, ông lủi thủi sống một mình trong ngôi nhà rách nát, vá chằng vá đụp. Căn nhà này được dựng lên từ cọc gậy, tre, đá, run bần bật trước mỗi đợt gió lộng.
Nhặt nhạnh những mảnh ký ức trong trí óc đã già nua, ông khó nhọc kể: "Tôi ở đây đã được mấy chục năm rồi. Tôi quê ở Sa Đéc, Đồng Tháp, rồi bị lính quân đội chế độ cũ bắt lên Sài Gòn. Khi họ đưa tôi lên vùng hồ Dầu Tiếng này, tôi trốn thoát, thấy nơi bán đảo này có thể sinh sống, nên quyết định sống ở đây, vả lại cũng chẳng biết đi đâu nữa".
Ông Ẩn chỉ là một trong những thân phận "bèo dạt, mây trôi" đến nơi bán đảo này. Bà Nguyễn Thị Vốn, năm nay 58 tuổi, còn trôi dạt đến từ tận Campuchia. Ngày đó, cả gia đình bà sống bằng nghề đánh cá. Năm 1999, trong chuyến bắt cá trên sông, chiếc ghe bị chìm, rồi "trôi dạt" đến đây. Sau tai nạn đó, cả nhà không ai có một tấm giấy lận lưng. Anh Tuấn, con bà Vốn thở dài: "Tôi chẳng có giấy tờ gì để chứng minh tôi là... tôi cả. Năm nay đã 35 tuổi mà chưa dám nghĩ đến lập gia đình và đăng ký giấy kết hôn ra sao".
Hầu hết những người đang sống ở đây là người dân của các vùng tỉnh Tây Ninh. Họ có "mẫu số chung" là nơi quê nhà đất chật, khó sống, thấy nơi này còn hoang sơ, đất lành, nên quyết định "đậu" ở đây. Và cứ thế, người ngày càng sinh sôi.
Ông Mai Văn Hương, sinh năm 1953, tổ trưởng tổ 5 ấp Tha La kể vanh vách cho tôi: Tại đây có 33 hộ với 142 nhân khẩu, những hộ này chỉ được cấp sổ hộ khẩu, không ai có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cả. Có 3 hộ còn không có hộ khẩu vì mới đến từ năm 1997-1998, còn hầu hết đã ở bán đảo này hàng chục năm.
Nhọc nhằn sống
Tôi hỏi ông Ẩn: "Ông lấy tiền đâu để mà sống?". "Đi làm mướn chú à, làm đủ mọi thứ: Cày, cuốc đất, nhổ mỳ... công việc nặng thì người ta trả 50.000đ/ngày, nhẹ thì tiền cũng "nhẹ" đi: 30.000đ/ngày. Mình già yếu rồi nên người ta ít mướn lắm chú ơi, lâu lắm mới có người thuê, có khi làm một tuần rồi nghỉ đến vài tháng, chứ nếu mà làm liên tục thì tôi cũng đỡ"- ông trệu trạo nói qua hàm răng đã rụng gần hết.
Cái tivi là thứ đáng tiền duy nhất trong nhà, do người làng cho. Người thì cho ông hạt gạo, người thì mang cho ông miếng cá để ông nuôi cái thân già cả. Con cá nửa kílô ông phải ăn được 2-3 bữa, rất ít khi ông ăn rau. Nhiều khi ông phải chan nước lạnh để nuốt dễ trôi. Ông cười hồn nhiên "khoe" với tôi: "Vừa rồi tôi nấu canh mít. Ôi, ngon lắm chú ơi, ngọt quá trời luôn, dễ nuốt quá trời luôn". Tôi nhìn ông và bỗng nghĩ gở: Nếu đêm hôm mà ông bị ốm đau, nằm bẹp một mình trong cái được gọi là nhà này thì sẽ ra sao?
Hai cái lu ở trước cửa nhà được ông dùng để chứa nước ăn. Nếu trời mưa thì ông dùng nước trời cho, còn nếu không, thì ông phải lên chùa Thái Sơn gần đó xin nước. Tắm giặt thì đã có nước ở hồ. Đó cũng là cảnh chung của những người dân sống ở nơi đây. Người nào có điều kiện thì khoan giếng, nhưng nước giếng ở đây đều bị nhiễm phèn. Tôi rùng mình khi biết, 100% hộ dân ở đây... không có nhà vệ sinh, "giải quyết" ở trên rừng, hoặc dưới hồ, hồ lại là nơi tắm rửa của người dân.
Già cả như ông Ẩn kiếm sống khó khăn đã đành, đối với cánh trai tráng, cũng chẳng dễ dàng hơn. Thanh niên ở đây hầu hết đi làm hồ, làm mướn, làm công nhân ở nơi khác để kiếm miếng ăn. Những người trung niên thì long đong trên lòng hồ buông câu, thả lưới. Ông Hương ngao ngán: "Lúc trước, nghề đánh cá còn có ăn, giờ nhiều người "đua nhau" đi đánh khiến lượng cá giảm rõ rệt. Có khi trắng đêm chỉ bắt được 3-4kg cá, bỏ túi được 40.000- 50.000 đồng".
Phụ nữ, trẻ con thì đi hái măng, bẻ nấm. Nhưng nấm thì ít mà người thì đông, lại đâu phải ngày nào cũng có nấm, có măng, nên số tiền thu được chẳng đáng là bao. Chị Trần Thị Hồng, 38 tuổi đưa cho tôi xem một rổ lọng cọng vài trái nấm vừa hái về để đổi cơm. Thế mà cả gia đình có tới 6 miệng ăn.
- Ảnh bên : Anh Tuấn - con bà Vốn, ngày ngày thả lưới trên lòng hồ Dầu Tiếng.
Có lẽ thời điểm người dân ở đây vui nhất chính là Tết. Vui không phải bởi cái lẽ bình thường (vui như Tết) mà bởi cái khoảng thời gian 20 ngày đấy là thời điểm "làm ăn" tốt nhất trong năm của những người dân nơi đây khi người dân đi bán nhang ở chùa Thái Sơn gần đó.
Hiện nơi này có hơn 30 đứa trẻ, nhiều đứa bị "nửa đường đứt gánh" chuyện học hành. Cháu ngoại của ông Hương đã bỏ học từ lớp 6. Nhà anh Trần Văn Đức có 4 đứa con thì cả 4 đều nghỉ học giữa chừng. Đứa con gái năm nay 16 tuổi nghỉ học từ lớp 4, giờ đi bán càphê. Con gái tiếp 14 tuổi, "gãy" từ lớp 4, ở nhà đi bẻ măng. Con trai 10 tuổi thôi đến trường từ lớp 3, cũng ở nhà bẻ măng; còn đứa út thì mới nghỉ khi đang học lớp 2 năm vừa rồi. Những em tiếp tục với con chữ thì phải đi học ở trị trấn Dầu Tiếng (Bình Dương), hoặc ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), với quãng đường trên 10km.
Bán đảo "treo"
Cuộc sống khó khăn, nhưng điều nghịch lý là người dân ở đây đang phải chi một khoản tiền không nhỏ cho... điện. Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, một người dân kêu trời: Tôi dùng hai bóng đèn, một tivi, một đầu đĩa, một nồi cơm, một quạt, vậy mà tiền điện trung bình tới 250.000đ/tháng. Đường điện được "câu" từ chùa Thái Sơn hai năm nay, cứ ba hộ dùng một đường dây. Còn trước đó, người dân sống trong cảnh tối tăm. Lượng hao hụt điện ở đây rất lớn, có khi người dân dùng một thì phải trả tiền gấp đôi.
Sở dĩ nơi đây không có đường, điện, không được xây nhà vì khu này là rừng phòng hộ, bán ngập. Người dân cũng không được trồng cây. Ông Hương có hơn một mẫu đất, cứ sợ bị giải tỏa nên mãi gần đây mới dám trồng cây cao su.
"Trồng liều vậy thôi, chắc gì đã được thu hoạch. Nếu họ lấy đất lại là mình bị mất trắng" - ông Hương lo lắng. Còn ông Kiệt cho hay: Vào năm 2002, đã có cuộc đo đất, đếm cây của các hộ dân, nhưng từ đó đến nay... lặng thinh.
Tìm hiểu, tôi được biết, trong quản lý hành chính, các hộ dân này thuộc tổ 4-5 ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương). Ông Hương nói: Hầu hết người dân đã đến ở cách đây hàng chục năm, khi đó, vùng này còn rất nguyên sơ. Họ đâu có biết đây lại là rừng phòng hộ, bán ngập. Đầu thập kỷ 1990, nhiều hộ dân đã phải di dời để phục vụ cho dự án khu du lịch để ra chỗ ở hiện tại. Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, vẫn chưa có dự án nào được thực hiện ở đây. Hiện phần lớn đất bán đảo Tha La (mà trước đây người dân phải di dời để ra chỗ hiện tại) do một cá nhân quản lý, lập trang trại.
Điều khó hiểu là trong khi coi nơi đây là vùng bán ngập, rừng phòng hộ, không được phép xây nhà, thì hằng năm, cán bộ thuế của xã Định Thành vẫn thu thuế đất của các hộ dân.
Trả lời kiến nghị của các hộ dân ấp Tha La đề nghị cho biết phương án giải tỏa, di dời, công văn số 176/CV-UBND huyện Dầu Tiếng cho hay: Các hộ dân sống dọc theo bờ hồ ở lòng hồ Dầu Tiếng hầu hết là dân nơi khác tự ý đến. Các hộ dân bao chiếm đất và xây cất nhà vi phạm Pháp lệnh Đê điều (ở dưới cao trình 25 mét không cho xây dựng định cư) và vi phạm Luật Bảo vệ rừng (khu vực rừng phòng hộ núi Cậu do Nhà nước quản lý). Do đó, UBND huyện Dầu Tiếng không có kế hoạch quy hoạch khu dân cư và đầu tư các công trình công cộng phục vụ dân sinh ở khu vực này, đề nghị nhân dân tự giải tỏa, di dời; huyện không có kế hoạch và chính sách di dời.
"Tự giải tỏa, di dời"? Người dân bán đảo Tha La đang tự hỏi mình sẽ đi đâu, về đâu, khi thu nhập của họ chỉ đủ sống qua ngày? Hay một hành trình tha hương nữa được lặp lại? Và, nếu chưa di dời, thì họ phải sống "treo" đến bao giờ? Tôi đau đáu với câu hỏi: Liệu có cách giải quyết nào có tình hơn đối với những kiếp người đang ngày ngày sống trong khốn khó và lo âu này?
Đoàn Tất Thảo
- Hà Nội có thể là nơi cư ngụ thân thiện và sống tốt?
- 556 dự án nhà ở xã hội, hơn 80.149 tỉ đồng ngân sách: Không chắc có người mua
- Về mạng lưới chợ Hà Nội xưa và nay
- Bao giờ Việt Nam có đô thị sinh thái?
- Để không còn chia chác đất công
- Thủ đô mở rộng và tư duy “phong đất”
- Tính chuyện xóa những khu “ổ chuột”
- Tham vấn công chúng
- Thừa Thiên Huế : Cả tỉnh "lên" thành phố
- Hà Nội sau một năm mở rộng: Những dự án dang dở