“Chia chác đất công” là một trong những cụm từ tra thấy nhiều nhất trên báo chí Việt Nam.
Từ chuyện ông chủ tịch xã tự lập hồ sơ “hợp thức hoá” hàng ngàn mét vuông đất công; đến chuyện ông chủ tịch huyện “cấp đất cho con gái đang là học sinh”. Từ hàng ngàn vụ việc được điều tra, trở thành án; đến những trường hợp dân tình mất đất phải ngậm đắng nuốt cay mà chịu.
Sở dĩ có tình trạng ấy là vì: đất có thể bán hàng chục triệu, thậm chí hàng chục lượng vàng một mét vuông; nhưng, đất cũng có thể bị “thu hồi” hoặc, có những người, bỗng dưng được “giao đất”. Ở Long An, trong khoảng từ 1995 - 2003, chính quyền đã “giao” 1.760 ha đất cho hàng trăm cá nhân trong đó hơn một trăm người là cán bộ, phần lớn là lãnh đạo. Có những người được “giao” mà chưa hề biết đất ở đâu, có những người có “giấy đỏ” mà trên thực tế không hề có đất. Thủ tục chỉ đơn giản: cán bộ phòng nông nghiệp - địa chính “tham mưu đề xuất”, UBND huyện “quyết định giao”.
Tại một thị trấn ở tỉnh Đồng Nai, gia đình ông chủ tịch được cấp ba gian nhà tạm với hơn 108 m2 đất; chỉ cần để cho một nhân viên địa chính “xác nhận vào đơn” rồi tự viết biên bản họp hội đồng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông chủ tịch đã hợp thức hoá được thêm 3.681m2. Đất được “giao” cho các cá nhân không chỉ từ nguồn đất công, hàng trăm ngàn hecta đất, từ Bắc chí Nam, đang được huyện, tỉnh, “thu hồi” từ tay nông dân để “giao” cho các cá nhân, dưới danh nghĩa làm dự án “sân golf”, “khu đô thị” hoặc “làng sinh thái”…
Không thể kêu gọi các quan chức ấy đừng tiêu cực khi một tài sản “thuộc sở hữu toàn dân” thực ra lại chỉ nằm trong tay của họ. Cấp huyện có thể “thu hồi đất của cá nhân, hộ gia đình”. Cấp xã tuy không có quyền này nhưng hầu hết các thủ tục “thu hồi” hay “giao” đều được bắt đầu từ xã.
Cho dù luật pháp sử dụng ngôn từ gì, cho dù đang do Nhà nước quản lý hay đang ở trong tay dân, thì đất đai vẫn là tài sản. Nếu như những tài sản có thể tính bằng vàng, bằng “đô” có thể bị định đoạt bởi các quyết định hành chính của một cấp chính quyền thì việc tiền bạc chi phối các quyết định này là khó lòng tránh khỏi.
Khi “thu hồi” 10ha đất ở Quán Nam, xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải, Hải Phòng, chính quyền địa phương đã bắt đầu từ “ý tưởng vô cùng tốt đẹp”: hình thành khu dân cư cho người nghèo. Nhưng, khi nhìn thấy tương lai tăng giá của khu đất này các quan chức đã biến “ý tưởng” ấy thành “nền nhà” của họ. Kết quả, trong số 848 lô đất được cấp, chỉ có 168 “hộ dân” trong khi có tới 680 “hộ quan”.
Bộ luật Dân sự, ngay từ bản đầu tiên thông qua năm 1995, đã xác định các “quyền của người sử dụng đất” chính là “quyền dân sự”; các “quyền dân sự” ấy là tài sản “hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”. Theo Hiến pháp 1992, những tài sản ấy không nên để dễ dàng bị “thu hồi”. Rất tiếc là năm 2008, khi thông qua Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Quốc hội đã không áp dụng phương thức “trưng mua” theo điều 23 của Hiến pháp đối với quyền sử dụng đất.
Khác với các loại tài sản khác, không chỉ trong trường hợp “thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh”, Nhà nước vẫn có nhu cầu mua lại đất đai từ người dân để phục vụ cho các mục tiêu phát triển. Làm một con đường, xây dựng một công viên, chỉnh trang một khu đô thị… trong nhiều trường hợp có thể áp dụng nguyên tắc “vì lợi ích quốc gia” đã được quy định trong điều 23 của Hiến pháp.
Thay vì “giao đất” cho các đại gia, Nhà nước chỉ kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị bằng các quy chuẩn xây dựng, đặc biệt là điều kiện hạ tầng, cấp phép xây dựng cho bất cứ nhà đầu tư nào có đất và đáp ứng đủ các quy chuẩn về đô thị. Các “đại gia” muốn có đất thì tự đi thương lượng với dân. Trong trường hợp họ đã mua được phần lớn diện tích cần thiết cho dự án của mình mà không thể thương lượng với phần dân còn lại thì, Nhà nước, nếu xét thấy việc thúc đẩy tiến độ dự án đô thị này có thể trở thành “lợi ích chung” thì áp dụng quyền “trưng mua”, mua của dân theo “thời giá thị trường” (điều 23) rồi sau đó bán lại phần đất ấy cho các chủ đầu tư dự án. Nhiều nhà đầu tư ở Tp.HCM lâu nay đã tiến hành “dự án” theo cách này.
Tất nhiên, để cho các nhà kinh doanh địa ốc phải tự đi thương lượng với dân thì tốc độ “đô thị hoá”, làm sân golf… sẽ không ồ ạt như những gì chúng ta từng thấy. Nhưng, cách làm ấy cũng sẽ chỉ thu hút được những người thực sự có năng lực đầu tư thay vì chỉ là những kẻ có khả năng “chạy chọt”. Rõ ràng Hà Nội, không nhất thiết trong một thời gian ngắn phải có số dự án lên tới hơn 700; bốn xã Hoà Bình, cho dù trở thành đất thủ đô, thì trong hàng chục năm nữa cũng chưa cần tới 54 dự án.
Là một trong rất ít quốc gia có đất đai “thuộc sở hữu toàn dân” nhưng lịch sử có đất của người dân Việt Nam là rất khác với phần còn lại. Có những người được “Nhà nước giao đất”, có những người nhận thừa kế đất từ tổ tiên, có những người có đất nhờ bỏ tiền ra mua lấy. Vì là dân, họ phải chấp nhận để cho chính quyền cưỡng chế, nhưng, họ vẫn sống quanh đấy để nhìn thấy những mảnh đất mà họ được “đền bù” mấy trăm ngàn một mét vuông, chỉ một thời gian sau các “đại gia” sẽ bán nền với giá, có thể, lên tới vài chục triệu một mét vuông. Nhưng, không chỉ là vấn đề tiền bạc, một quan chức Hà Nội có “gốc” Hà Tây, nói với chúng tôi: “Ngay chính mồ mả tổ tiên của chúng tôi cũng không biết khi nào thì giải toả”.
Không phải tự nhiên mà, liên tục trong nhiều năm, 80% các vụ khiếu kiện của dân là vì ruộng đất. Một chính sách định hướng tới “toàn dân” mà lại để quyền định đoạt có thể rơi vào tay của một số “quan tham” thì không chỉ nên xử lý những vấn đề thuộc về vụ việc. Đất đai là một lĩnh vực mà chính sách sử dụng nó phải làm sao để: nước phát triển; lòng dân yên; chính trị và xã hội thì ổn định.
Huy Đức
>>
>>
- Khoảng lặng trong thành phố
- Hà Nội có thể là nơi cư ngụ thân thiện và sống tốt?
- 556 dự án nhà ở xã hội, hơn 80.149 tỉ đồng ngân sách: Không chắc có người mua
- Về mạng lưới chợ Hà Nội xưa và nay
- Bao giờ Việt Nam có đô thị sinh thái?
- Bán đảo "treo"
- Thủ đô mở rộng và tư duy “phong đất”
- Tính chuyện xóa những khu “ổ chuột”
- Tham vấn công chúng
- Thừa Thiên Huế : Cả tỉnh "lên" thành phố