“Đoạn thành bị phá trên đường Hoàng Hoa Thám để mở đường chính là Hoàng thành thời Lê”, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - GS Phan Huy Lê kết luận sơ bộ như vậy.
TS Bùi Danh Liêm (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cầm trên tay một mảnh gốm có niên đại trước Đại La, bùi ngùi nói: “Đây chính là một trong những mảnh di vật còn lại sau khi bị máy xúc ủi vào!”. Trên thực tế, đơn vị thi công đường đã dùng máy xúc xúc những nhát lớn, phá đi các tầng văn hóa. Hiển nhiên điều này khác hẳn với công việc tỉ mẩn của các nhà khảo cổ học.
Tại công trường, một nền bê tông rộng cũng đã được đổ nhằm phục vụ việc làm đường (đoạn Văn Cao - Hồ Tây cắt ngang Hoàng Hoa Thám). Để đổ được nền bê tông này, trước đó, một lượng “đất đá” theo quan niệm của những người làm đường đã bị xúc đi. Chắc chắn, một số lớn hiện vật trong đó cũng đã bị mang đổ. Quan trọng hơn, dấu tích của các lớp văn hóa đã không còn. Các nhà khảo cổ học đã không có cơ hội đọc lịch sử từ những lớp thành bị đem đổ đó.
- Ảnh bên : GS Phan Huy Lê (trái) và GS-TS Tống Trung Tín xem các mảnh hiện vật trên đoạn Hoàng thành vừa bị phá (Ảnh: Khánh Linh)
Một nhà khảo cổ nhận định: “Thứ nhất, khi đến tận nơi xem những phần còn lại ít ỏi của đoạn thành bị phá, ta thấy tầng đất đắp của thành rất rõ. Sau thời kỳ làm đường đầu tiên, chỉ gạt lớp đường nhựa đi là đã chạm vào thành rồi. Thứ hai, đoạn thành quan sát được gồm lớp đất thịt và thỉnh thoảng lẫn gạch. Thành đắp đất thịt như vậy là kiểu thành xây dựng rất kỳ công. Thứ ba, ở trong lòng thành có những di vật có tính chất niên đại và phản ánh quá trình đắp lớp thành này. Nhìn sơ bộ, ta thấy chủ yếu là di vật thời Lê, sau đó đã có mảnh thời Trần, thời Lý và mảnh tiền Thăng Long nữa”.
GS Phan Huy Lê cũng khẳng định: “Sơ bộ nhận xét, theo bản đồ Hồng Đức thôi thì đoạn thành bị phá này chắc chắn trăm phần trăm là Hoàng thành. Đoạn thành này có phải là Hoàng thành Lý Trần chưa thì còn phải nghiên cứu thêm song việc nó là Hoàng thành thời Lê không cần phải bàn cãi gì nữa. Các di vật ở đây mà ta vừa nhìn thấy tại công trường là di vật thời Lê. Viên gạch tìm thấy chính là gạch vồ thời Lê. Ngoài ra còn có di vật thời trước nữa. Căn cứ theo nguyên tắc lấy di vật thời muộn nhất làm thời hiệu thì đây là thành thời Lê”.
Chính vì thế, theo GS Phan Huy Lê, các thông tin từ đoạn thành nói trên có thể cung cấp nhiều cơ sở để nghiên cứu những nghi vấn về Hoàng thành. Tuy thành đã bị phá tan hoang và gần như san phẳng nhưng nếu khai quật sâu hơn vẫn còn có thể tìm được các tầng văn hóa.
Bắt đầu không sai, nhưng sau phạm luật
Nhận xét về đoạn Hoàng thành nằm dọc phố Hoàng Hoa Thám, PGS-TS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học) cho biết: “Qua nhiều thăng trầm lịch sử, hầu hết các di tích trên bản đồ Hồng Đức đã vĩnh viễn mất đi, thì đoạn thành còn sót lại mang thêm nhiều ý nghĩa lịch sử. Đối với thế giới, chuyện một tòa thành được vẽ trên bản đồ 500 năm trước, lại sừng sững tồn tại giữa phố xá trung tâm thủ đô của một nước cũng là hiện tượng hy hữu”.
- Ảnh bên : Đoạn Hoàng thành vừa bị phá (Ảnh: Khánh Linh)
PGS-TS Diệp Đình Hoa, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhấn mạnh: “Nếu gọi đây là thành nghìn năm cũng không có gì sai”.
Về trách nhiệm của đơn vị thi công và nhà quản lý, GS Phan Huy Lê cho rằng: “Về quyết định thực hiện xây dựng đoạn đường, theo luật mà nói thì họ không vi phạm. Không vi phạm vì đoạn thành trên chưa được xếp hạng di tích”.
“Mặc dù vậy, sau khi đào lên, nhất là sau khi có nhà khoa học lên tiếng trên báo chí, đúng ra cơ quan chức năng phải dừng việc xây dựng ngay lập tức. Trong luật có quy định nếu xây dựng lộ ra các hiện vật có khả năng là di tích, di vật thì việc thi công phải dừng lại để các cơ quan chuyên môn kiểm tra. Nếu đúng đó là di tích, di vật thì phải dừng công trình lại”, GS Lê phân tích.
Ông kết luận: “Tôi nghĩ người xây dựng không có sai phạm nhưng sau khi đã thấy mà vẫn cứ tiếp tục thi công là sai. Các cơ quan đầu tư là đơn vị buộc phải biết Luật Di sản mà hành động như vậy cũng sai”.
Trên thực tế, đã có đơn kiến nghị gửi đến Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học Việt Nam yêu cầu các nhà khoa học vào cuộc để ngăn chặn việc phá di tích thành. Đơn kiến nghị nói trên yêu cầu dừng xây dựng để bảo tồn đoạn thành đã có hơn 50 chữ ký của người dân quan tâm lo lắng cho di sản.
Hiện tuy không thể cứu vãn được các tầng văn hóa, di vật đã bị đổ bỏ của đoạn thành thì với những gì còn sót lại ta vẫn còn có thể “khai quật tình thế” để đọc những trang sử may mắn còn lại. Điều này rất cần thiết vì chúng rất có thể sẽ giúp bổ sung tư liệu nghiên cứu Hoàng thành.
GS Phan Huy Lê đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương làm hồ sơ công nhận di sản cho các đoạn khác của Hoàng thành hiện còn tồn tại. Ông cũng đề nghị các nhà khảo cổ khẩn trương lập bản đồ quy hoạch khảo cổ học di tích. Điều này sẽ giúp các nhà quy hoạch rõ hơn vị trí của những di tích khảo cổ để có thái độ ứng xử đúng đắn về văn hóa cũng như đúng Luật Di sản.
Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Viện Khảo cổ Việt Nam cho biết sẽ làm đơn kiến nghị dừng thi công công trình để tổ chức khai quật nghiên cứu cũng như cứu lấy những đoạn Hoàng thành còn lại.
PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN: Sau khi nhận được thư của những người dân sở tại phản ánh việc một đoạn Hoàng thành trên phố Hoàng Hoa Thám vừa bị phá bỏ để xây dựng đường, chúng tôi đã tới thực địa tiến hành khảo sát. Bước đầu, qua những hiện vật mới phát hiện được ở đoạn thành vừa bị phá, có thể xác định đây chính là một đoạn thành bao bên ngoài của thành Đại La thời Lý - Trần (thế kỷ 11-13) và là một đoạn của Hoàng thành Thăng Long thời Lê (thế kỷ 15-16). Nhưng diễn biến niên đại cụ thể của Hoàng thành này qua các thời kỳ như thế nào thì hiện nay chưa thể xác định được, bởi chúng ta chưa có điều kiện tiến hành công tác khảo cổ học ở đoạn thành này. Chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nên có giải pháp hài hòa làm thế nào vừa để các nhà khoa học lấy tài liệu nghiên cứu di tích khảo cổ học, vừa có thể triển khai được công trình xây dựng đang làm ở đây. Qua bài học này, các nhà xây dựng trước khi triển khai công trình ở những vùng dự báo là di tích nên hỏi ý kiến của các nhà chuyên môn. Về đoạn Hoàng thành dài mấy cây số nằm trên phố Hoàng Hoa Thám, chúng ta nên triển khai công tác khảo cổ học ở giai đoạn ban đầu để xếp hạng di tích lịch sử cần phải bảo vệ. Và nếu có phải xây dựng ở khu vực đó thì chúng ta nên thiết kế thế nào đó để vẫn xây dựng được công trình mà vẫn giữ nguyên được đoạn thành độc đáo đó vì nó vừa là La thành vừa là Hoàng thành. Chúng tôi sẽ kiến nghị TP Hà Nội cần có những biện pháp bảo vệ những đoạn Hoàng thành còn lại trên phố Hoàng Hoa Thám. Việt Chiến (ghi) |
Khánh Linh
>>
- Huế: Văn hóa Phật giáo và sản phẩm du lịch
- Đi tìm một mô hình chợ cho Hà Nội
- Ai giàu lên từ chỉnh trang đô thị?
- “Biệt thự” Pháp ở Hà Nội
- Khảo cổ học với phát triển đô thị: Đi tìm tiếng nói chung
- Cơ hội trục lợi từ giá thép "sốt ảo"
- Cần thẩm định kết quả trưng cầu ý dân về Quy hoạch Thủ đô
- Nhiêu Lộc: ngày ấy và bây giờ
- Vài nét về đô thị TP.HCM sau 35 năm
- Mùa mưa 2010: Hà Nội có chìm trong biển nước?