Một đoạn của kênh Nhiêu Lộc hôm nay... - Ảnh: Thuận Thắng
1. Xanh
Đó là con kênh Nhiêu Lộc trong xanh của những năm giữa thế kỷ 20 mà bây giờ vốn đã cuộn vào trong ký ức của những người dân sống dọc hai bên bờ.
"Chúng tôi rất lo lắng khi tiến độ dự án chậm vì những sự cố ngoài ý muốn. Đến nay dự án đã hoàn thành được 90%, và theo kế hoạch sẽ kết thúc vào năm 2011" Ông Phan Châu Thuận, phó giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè |
Những “cư dân Nhiêu Lộc” lứa tuổi trên 60 khi trò chuyện với chúng tôi đều tặc lưỡi tiếc nhớ về một con kênh mát xanh. “Hồi năm 1955 khi tôi mới về đây, con kênh này rộng lắm, như con sông ấy. Ghe chài từ các tỉnh miền Tây chở củi, than, trái cây vào ra nườm nượp. Củi, than chất thành đống hai bên bờ. Hồi đó nước sông còn trong veo, có thể tắm giặt được” - cụ ông Lê Hoàng Chiêu, 87 tuổi, ở đường Phạm Văn Hai, kể. Hồi đó, trong ký ức của những người lớn tuổi, con kênh Nhiêu Lộc hiền hòa uốn mình vắt từ khu vực Lăng Cha Cả chảy dài, thông thương ra tận mé sông Sài Gòn. Cùng với những kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng tấp nập trên bến dưới thuyền.
2. Ngập ngụa bùn lầy
Theo cụ Chiêu, từ khoảng năm 1964 người dân tứ phương bắt đầu lục tục kéo về dựng nhà dọc hai bên bờ. Những khu nhà tự phát mọc lên, ban đầu bám theo các trục lộ rồi lấn dần ra kênh, hình thành từng xóm nhà. Nhà to có, nhà nhỏ có, nhà xây có, nhà sàn cũng có. Con đường Bùi Thị Xuân (Q.Tân Bình) bây giờ, hồi ấy được người dân gọi quen là đường Đỏ vì được trải bằng đất đỏ, bị lấn chiếm sớm và nhiều nhất. “Dân mình cứ lấn dần, lấn dần tới mức đoạn kênh chỗ khu Vườn Xoài, cống Bà Xếp có thể đi bộ qua được. Mấy chỗ khác, nhà bên này với nhà bên kia chỉ cần nhoài người là bắt được tay nhau” - cụ Chiêu kể.
Người đông, mọi thứ của cuộc sống thải ra đều tuồn hết xuống kênh. Con kênh mát xanh bất đắc dĩ biến thành “thùng rác” chứa tất tần tật, kể cả chất thải của chính người dân sống trên đó.
Chứa riết cũng đầy. Nước hết trong xanh. Dòng kênh thôi chảy. Mỗi trận mưa dù lớn hay nhỏ cũng đủ khiến dòng kênh rác duềnh lên, tràn ngập các xóm nhà như một cuộc “trả đũa” của tự nhiên.
...và năm 1993 - Ảnh: N.C.T.
3. Vươn mình hồi sinh
Quá mức chịu đựng của người dân, lãnh đạo TP chủ trương giải tỏa toàn bộ những khu nhà dọc kênh Nhiêu Lộc, trải dài từ Q.Tân Bình xuống Q.1. Năm 1999, hàng ngàn hộ dân “nhổ neo” khỏi con kênh ngập ngụa bùn lầy để TP triển khai dự án nạo vét, cải tạo môi trường. Dự án lúc ấy như một mũi tên trúng hai đích: vừa chỉnh trang đô thị - xóa nhà ổ chuột ven kênh vừa nhằm mục tiêu lớn hơn là cải thiện vệ sinh môi trường cả lưu vực, phục hồi sự sống của dòng kênh Nhiêu Lộc.
Ngày nay, cảnh bùn lầy ngập ngụa theo dự án lùi xa dần. Từ ngày vét kênh, mở đường, nhiều ngôi nhà từ trong hẻm xóm đã “bò” ra mặt tiền được dịp xây cất lại tươm tất, mở quán xá kinh doanh, không còn cảnh lội nước làm thuê làm mướn hoặc mua gánh bán bưng đắp đổi qua ngày như trước. Nhiều nhà có mặt bằng rộng chỉ cần cho thuê cũng có lưng vốn hằng tháng. Nhìn chung, với những “cư dân Nhiêu Lộc” hiện tại, cuộc sống phần nhiều ổn định và khá lên theo tốc độ hồi sinh của con kênh trước nhà.
“Phải công nhận từ ngày giải tỏa nhà cửa trên con kênh này tình trạng ngập nước không còn. Chỉ thỉnh thoảng một số chỗ do dự án thi công làm tắc cống mới bị ngập thôi” - ông Trần Văn Hiển, 67 tuổi ở Q.Tân Bình, cho biết. “Tôi chỉ mong sao dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm nhanh để giải quyết dứt điểm mùi hôi và thuận tiện cho việc đi lại, làm ăn của bà con, chứ còn trầy trật như vầy thì vui chưa trọn” - cụ Chiêu nói.
NGUYỄN TRIỀU - NGỌC ẨN
>>
- “Biệt thự” Pháp ở Hà Nội
- Khảo cổ học với phát triển đô thị: Đi tìm tiếng nói chung
- Một đoạn Hoàng thành Thăng Long bị xúc đổ
- Cơ hội trục lợi từ giá thép "sốt ảo"
- Cần thẩm định kết quả trưng cầu ý dân về Quy hoạch Thủ đô
- Vài nét về đô thị TP.HCM sau 35 năm
- Mùa mưa 2010: Hà Nội có chìm trong biển nước?
- Cơ cực những căn "nhà chồ" giữa lòng thành phố
- Cuộc sống trong những căn nhà siêu mỏng
- Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN: Làm sao giữ được bản sắc?